Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.720.637
Truy cập hiện tại 314 khách
Quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế
Ngày cập nhật 02/11/2023

1. Khái niệm hội nhập và hội nhập kinh tế quốc tế

 “Hội nhập” có nguồn gốc từ “liên kết” (integration) với nghĩa chung nhất là hành động hoặc quá trình gắn kết các phần tử riêng rẽ với nhau; hợp chung các bộ phận vào một chỉnh thể (nhất thể, hợp nhất) và kết hợp các thành tố khác nhau lại (tụ hội, tụ nhóm).

Hội nhập quốc tế là quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của bản thân mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm. Hội nhập quốc tế theo đúng nghĩa đầy đủ là hội nhập trên tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Về bản chất, hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế nhằm đạt được một mục tiêu hoặc lợi ích chung nào đó.

Hội nhập kinh tế quốc tế được các quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện bằng những phương thức chủ yếu và có thể phân biệt như sau: (i) Thỏa thuận thương mại ưu đãi; (ii) Khu vực mậu dịch tự do; (iii) Hiệp định đối tác kinh tế; (iv) Thị trường chung; (v) Liên minh thuế quan; (vi) Liên minh kinh tế và tiền tệ; (vii) Diễn đàn hợp tác kinh tế.

2. Quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước ta đã chủ trương tham gia các thể chế kinh tế. Lời kêu gọi trong thư gửi Liên hợp quốc tháng 12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: (a). Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nha kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; (b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; (c) Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.

Từ những năm 1980 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tính cần thiết và tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế. Đường lối, chủ trương hội nhập kinh tế của Đảng đã được đề ra nhất quán, không ngừng được hoàn thiện và triển khai tích cực, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã đề ra đường lối Đổi mới toàn diện và sâu sắc mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nếu như tại Đại hội V (1982), Đảng chỉ xác định “Ưu tiên mở rộng sự hợp tác toàn diện giữa nước ta với Liên Xô và các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế” thì đến Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Đảng đã đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác”; xác định quan hệ kinh tế quốc tế giai đoạn này không chỉ tập trung vào Liên xô và các nước trong cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa mà phải mở rộng quan hệ với các nước thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

 Tới Đại hội VII (1991), Đảng ta định hướng: “Độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại” với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu bước khởi đầu của Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới. Nhờ chủ trương này, Việt Nam đã đẩy lùi được chính sách bao vây cô lập, không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại song phương và đa phương.

Taị Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), thuật ngữ “hội nhập” mới bắt đầu được đề cập trong văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đây là lần đầu tiên Nghị quyết của Đảng đề cập đến việc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mục tiêu phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Điều này đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức về nhu cầu cần tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội IX (2001) nhấn mạnh việc “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội đã khẳng định tính tất yếu, đánh giá bản chất của toàn cầu hóa và cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam khi tham gia quá trình này.

Giai đoạn sau này (Đại hội IX, X, XI, XII), Đảng đã nhấn mạnh tới việc chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế song vẫn phải đảm bảo độc lập tự chủ. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 01/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 05/02/2007 Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Từ “hội nhập kinh tế quốc tế” của các kỳ đại hội trước, chuyển sang “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện là một bước phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng ta. Để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 10/4/2013, Bô ̣Chính tri ̣đã ban hành Nghi ̣quyết số 22-NQ/TW về “Hôị nhâp̣ quốc tế”. Với Nghị quyết này, tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập toàn diện trên cả lĩnh vực cơ bản: Kinh tế; Chính trị, Quốc phòng và An ninh; Văn hóa, xã hội, Khoa học công nghệ và Giáo dục, đào tạo. Ngày 07/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam.

Phát triển định hướng hội nhập quốc tế từ Đại hội XI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm: “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng,... Ngày 05/11/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nêu rõ mục tiêu thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nhằm tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể thấy, trong hơn 35 năm đổi mới, các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế mang tính nhất quán, hệ thống, luôn được cập nhật và kế thừa qua các kỳ Đại hội. Cho đến nay, đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế được triển khai trên 3 lĩnh vực chính gồm: Hội nhập trong lĩnh vực kinh tế (hội nhập kinh tế quốc tế), hội nhập trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế./.

Theo: https://stp.thuathienhue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày