Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.763.067
Truy cập hiện tại 151 khách
Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững
Ngày cập nhật 02/11/2023

Để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030, cần đẩy mạnh thực hiện 05 giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế: (i) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra; (ii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, hiệu quả nhằm duy trì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định và có thể dự đoán trước; (iii) Hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thực hiện được các mục tiêu cải cách trong nước và tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật với các quy định hiện đại, tiến bộ; tạo cơ sở cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng công nghệ tài chính; (iv) Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi; (v) Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm  soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội; (vi) Xây dựng và triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (vii) Thúc đẩy cơ chế phối hợp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; (viii) Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các cam kết FTA thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; (ix) Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập.

- Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh: (i) Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách; (ii) Tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; (iii) Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; (iv) Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

 - Thứ ba, thực thi hiệu quả các FTA: (i) Rà soát, khắc phục sự chồng chéo trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy hiệu quả vai trò của cơ quản chủ trì trong việc thực thi các cam kết FTA; (ii) Tăng cường sự phối hợp; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới cũng như trong việc tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; (iii) Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; nghiên cứu, đề xuất phương án đàm phán các FTA mới cũng như nâng cấp một số FTA đã ký kết; (iv) Triển khai Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; (v) Rà soát, đổi mới phương thức thực thi các cam kết về thương mại dịch vụ trong các FTA để tận dụng, khai thác các thị trường mới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ công nghiệp thông tin, công nghiệp văn hóa của Việt Nam; (vi) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và doanh nghiệp; (vii) Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến về các FTA.

- Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững: (i) Chú trọng xây dựng các kịch bản ứng phó/thích ứng hiệu quả với các tình huống thiên tai, dịch bệnh... trong thời gian tới; (ii) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; (iii) Triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển các ngành kết cấu hạ tầng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (iv) Tiếp tục đề xuất và thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; (v) Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân; (vi) Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; (vii) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường.

- Thứ năm, hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng: (i) Chủ động tham gia xây dựng, định hình các cấu trúc kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm, bền vững; (ii) Phối hợp chặt chẽ với các thành viên của ASEAN, ASEM, APEC trong các vấn đề hợp tác chính sách, xây dựng các sáng kiến và định hướng hợp tác trong giai đoạn hậu COVID-19 và tham gia chủ động, tích cực tại các diễn đàn này nhằm đảm bảo sự hợp tác xuyên suốt, hiệu quả; (iii) Thực hiện tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình để có những quyết sách và hành động nhanh chóng, quyết liệt và phù hợp; gắn kết hài hòa giữa hội nhập quốc tế với đổi mới trong nước; phát huy tối đa và kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; (iv) Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu các xu thế phát triển, các sáng kiến mới, chính sách và kinh nghiệm của các quốc gia trong quá trình hội nhập; (v) Mở rộng và dần đi vào chiều sâu các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, để phục vụ có hiệu quả hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (vi) Hoàn thiện thể chế, bảo đảm củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân cấp, phân quyền trên cơ sở bảo đảm tính kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên; (vii) Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác kinh doanh lâu dài; (viii) Hoàn thiện cơ chế quản  lý tổng hợp và thống nhất về biển, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Thiết lập thế trận an ninh liên quan bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng, đặc biệt coi trọng an ninh mạng./.

(Theo Hướng dẫn số 107-HD/BTGTU, ngày 07/9/2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Các tin khác
Xem tin theo ngày