Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.707.511
Truy cập hiện tại 1.400 khách
Thoa “hạt tiêu” và giấc mơ làm bác sĩ cứu người
Ngày cập nhật 28/10/2015
Tân sinh viên Nguyễn Thị Kim Thoa phụ mẹ cắt cỏ cho bò ăn - Ảnh: A Lộc

TTO - Nhập học hơn một tháng nhưng Nguyễn Thị Kim Thoa, tân sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, vẫn chưa có chỗ trọ ổn định. 

Sách, vở Thoa gởi nhờ hai cậu bạn thân thời phổ thông. Quần, áo thì mang lên nhà một người chị quen trên Q.Tân Bình xin để ké.

Gặp trước cổng Trường ĐH Y dược TP.HCM, Thoa nói giờ khó khăn kiểu gì "cũng dặn mình không được nản". Gói ghém tuổi thơ nhọc nhằn cùng nhiều buồn tủi, mất mát, em đang đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình mơ ước của mình.

Ba Thoa mất do bệnh ung thư gan năm em học lớp 4. Nhà chỉ còn lại ba mẹ con, toàn phụ nữ dựa vào nhau sống. Năm 2007, bà Nguyễn Thị Kim Hương (39 tuổi, mẹ Thoa) và cô con gái lớn Nguyễn Thi Kim Ngân (hiện là sinh viên năm 3 Trường ĐH Lâm nghiệp - cơ sở 2) đi chẻ hạt điều ở xí nghiệp, khi đó Thoa mới 11 tuổi, lại đang được nghỉ hè nên năn nỉ mẹ cho theo.

Người quen biết hay ví von gọi Thoa là “cô bé hạt tiêu” vì em nhỏ người quá. Ngày đầu tiên nhận được 10.000 đồng tiền công, Thoa cười nắc nẻ nói với mẹ có cách kiếm tiền mua sách, vở đi học rồi.

Từ đó đến nay 8 mùa hè qua, Thoa chỉ cắm mặt trong xưởng chẻ điều thuê. Cứ 4 giờ sáng dậy nấu cơm rồi lên xưởng, làm đến 7 giờ tối mới về. Bàn tay con gái chỗ chai sần, chỗ chi chit dấu tích mủ điều. “Được học là quý nhất. Em không tủi thân gì đâu” - Thoa nói vậy.

Cuộc ra đi đột ngột của ba ám ảnh Thoa trong từng giấc ngủ. Năm lớp 8, em vào bệnh viện thăm người thân của một bạn cùng lớp cũng bị ung thư. Nhìn người bệnh bất lực chờ cái chết như ba mình ngày xưa, Thoa hạ quyết tâm sẽ trở thành bác sĩ để giúp đỡ người nghèo khó ít có điều kiện đi khám bác sĩ để phòng bệnh hay chữa trị.

Năm nay Thoa đậu vào ngành xét nghiệm y khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM. Thoa cho biết em rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, bào chế thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị ung thư. Chưa có điều kiện được vào những phòng nghiên cứu tiện nghi, Thoa tự góp nhặt kiến thức cơ bản về xét nghiệm trong những giờ thực hành sinh, hóa tại trường phổ thông.

Nhà Thoa ở ấp 6, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nơi tá túc của mẹ con Thoa mười mấy năm nay là căn nhà gạch hai gian chừng 30m2nằm lọt thỏm giữa bốn bề cây cối. 

Thoa không thể nhớ đã bao mùa mưa qua, cứ tan học đạp xe được một đoạn là ngồi chống cằm bên vệ đường chờ nước suối cạn bớt mới có thể lội qua để về nhà.

Mà nhà cũng sắp không còn là của mẹ con Thoa nữa bởi khi ba Thoa mất, bên nội đòi đất, đòi nhà. "Hiện giờ gia sản của nhà em là 3 con bò. Bò này là học phí cho em và chị Hai. Mẹ chẳng dám đi đâu, phải lo ở nhà  giữ” - Thoa kể.

Cô Trần Thị Kim Tân - hiệu trưởng Trường THPT Xuân Lộc - cho biết năm học vừa rồi trường dự tính xây nhà tình thương cho gia đình Thoa, nhưng khi gọi bà Hương lên trao đổi bà đã không nhận. Bà Hương lý giải “nhìn lên thì thấy mình khổ, nhưng nhìn xuống thì còn nhiều người khổ hơn mình. Nhà tôi tuy dột nhưng vẫn còn ở được. Tôi xin nhường lại cơ hội cho những gia đình khác khó khăn hơn”.

Nhắc đến Thoa, ông Trương Công Lý, chi hội trưởng Chi hội Khuyến học ấp 6 (xã Xuân Tâm), lo lắng: “Thoa không chỉ sáng dạ mà còn siêng năng, hiếu thuận. Nay cháu cũng vào đại học như chị gái, chi phí ăn ở, học hành sẽ tăng lên gấp bội. Mùng thì cả ấp, cả xã đều mừng, chỉ e chị Hương không gánh nổi, mấy đứa nhỏ phải bỏ lỡ việc học.

Đảng viên trẻ giàu nhiệt huyết

Ngày 3-9 vừa qua, Thoa là một trong năm đoàn viên ưu tú của Trường THPT Xuân Lộc vinh dự đứng vào hàng ngũ đảng viên. Chỉ tự học tại nhà nhưng trong ba năm phổ thông, Thoa đều đạt thành tích xuất sắc. Trong hai năm lớp 10 và 12, Thoa đều đoạt giải ba học sinh giỏi môn hóa tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra Thoa còn đoạt giải nhì cấp tỉnh thi giải toán trên máy tính vào năm lớp 12.

Ngay khi nhập học, Thoa đã đăng ký tham gia sinh hoạt trong CLB Tình nguyện Bé khỏe bé ngoan trực thuộc Hội Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM. CLB xây dựng các mô hình giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp bệnh nhi lưu trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 TP.HCM và khoa nhi các bệnh viện khác trên địa bàn TP.HCM vững vàng hơn khi đối mặt với bệnh tật, đồng thời cung cấp kiến thức phổ thông cho bệnh nhi (cả biết chữ và chưa biết chữ) có nhu cầu học tập trong môi trường bệnh viện. Cứ chiều thứ 5 hằng tuần, Thoa đón xe buýt đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM bày trò chơi, dạy học cho bệnh nhi.

 
A LỘC (theo Tuoitre.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày