Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.128.438
Truy cập hiện tại 3.548 khách
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày cập nhật 31/10/2024

TTH.VN - Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu thảo luận tại tổ 12, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến chủ trương, quá trình chuẩn bị thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. 

Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và nhận thấy Huế đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải là cực tăng trưởng của khu vực, nên cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách để Huế thực hiện nhiệm vụ này.

Tổng Bí thư cho rằng, Huế rất xứng đáng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời chia sẻ những khó khăn mà Huế đang gặp phải. "Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước. Tôi thấy Huế xứng đáng", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tại tổ 7, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, trong quá trình phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Đó là xây dựng mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Huế đã hình thành, phát triển được các trung tâm về văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ của cả nước. Công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản cũng đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng; kinh tế tăng trưởng khá; đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được nâng lên; quốc phòng an ninh được đảm bảo. 

Xung quanh phiên thảo luận tại tổ liên quan đến Đề án, Báo Thừa Thiên Huế online ghi nhận ý kiến của các ĐBQH:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Đây sẽ là một quyết định lịch sử

Việc đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, cả nước dốc sức, ủng hộ cho Huế hướng tới mục tiêu này.

Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là quyết định mang tính lịch sử, để tạo nên một thành phố Huế đặc trưng, góp phần tạo ra sự đa dạng cho hệ thống đô thị trực thuộc Trung ương của Việt Nam; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước trong tương lai. 

Tôi cho rằng, đây là thời điểm chín muồi và Huế cũng đã hội tụ tất cả các điều kiện theo quy định của luật để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trở thành phố trực thuộc Trung ương thì vấn đề tư tưởng, tư duy và nhận thức phải được “giải phóng”. Rõ ràng, việc thay đổi tư duy trở thành tư duy, nhận thức, tư tưởng của đô thị lớn cần nỗ lực rất lớn để thay đổi.

Sau khi hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Trung ương cũng sẽ đánh giá lại để tiếp tục có những cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho Huế.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Huế phải là thành phố bình yên, thơ mộng

Tự thân Huế đã có thương hiệu từ lâu. Tôi mong muốn khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế vẫn giữ được bản sắc riêng và có định hướng phát triển du lịch một cách đặc trưng chứ không theo các đường hướng đã có tại các thành phố khác. 

Huế phát triển du lịch không nên chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng, tức là phải thu hút khách du lịch một cách thực chất; đồng thời làm sao phải phát triển du lịch nhưng không đánh mất bản sắc của Huế. 

Nhiều người quan tâm đến hạ tầng về du lịch nhưng tôi quan tâm tới nhận thức của người dân về du lịch. Đề án tập trung đề cập nguồn nhân lực du lịch chủ yếu là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thế nhưng Huế phải làm sao để từng người dân trở thành những người hướng dẫn viên du lịch, bằng cách trang bị về kiến thức văn hóa, du lịch, lịch sử và ngoại ngữ; cùng với đó là tạo ra thêm các điểm nhấn cho du khách khi đến Huế.

Huế  không nên là một thành phố đông đúc, nhộn nhịp, ồn ào, náo nhiệt mà đến Huế là để sống chậm và sống thanh thản, tận hưởng sự sâu lắng. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí MinhKhông nên để chức năng công nghiệp hóa lấn át đô thị di sản

Công tác bảo tồn si sản sẽ rất khó khăn và cần nguồn lực lớn nên địa phương không thể tự túc. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội một số ý liên quan đến nội dung này, để từ đó Chính phủ có cơ sở hỗ trợ về nguồn lực cần thiết cho thành phố Huế làm tốt công tác bảo tồn di sản.

Tôi cũng băn khoăn khi trong Đề án có gắn Huế với chủ trương đô thị hóa, công nghiệp hóa. Nếu không khéo thì công nghiệp hóa, đô thị hóa lại lấn át chức năng đô thị di sản.

Theo tôi, thành phố Huế không nên nhấn mạnh chức năng công nghiệp hóa, nếu thu hút quá nhiều công nghiệp, đặc biệt những ngành công nghiệp ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. 

Tăng trưởng của Huế phải xác định làm sao không ảnh hưởng đến giá trị, chức năng quan trọng là đô thị di sản.

Đô thị di sản sẽ kiếm tiền dài dài, đó chính là tạo GDP, tạo ra ngân sách chứ không chỉ đô thị hóa mới tạo ra ngân sách. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, Đoàn ĐBQH Thành phố Đà Nẵng: Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy 

Thành phố trực thuộc Trung ương bao giờ cũng sẽ thu hút một lực lượng di dân, khách du lịch lớn, chính điều này sẽ gây áp lực không nhỏ lên những cơ sở hạ tầng xã hội; cũng như vấn đề về nhà ở, y tế giáo dục, vệ sinh môi trường, giao thông… 

Đối với Thừa Thiên Huế thì còn sẽ gây áp lực đến công tác bảo tồn di sản. Do vậy, Đề án cần phải xác định rõ hơn trong định hướng về phát triển văn hóa xã hội. 

Các quận sau khi được thành lập sẽ tăng khối lượng về thủ tục hành chính liên quan nên cần nguồn lực rất lớn, trong khi nguồn thu của tỉnh Thừa Thiên Huế đang còn khiêm tốn. Do vậy, tôi đề nghị Trung ương cần quan tâm hỗ trợ thêm; phía địa phương cũng nên chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy, đặc biệt là công tác quản lý đô thị các cấp. 

Ngoài ra, sau khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương chắc chắn sẽ có cán bộ dôi dư, cho nên, Huế cũng cần sắp xếp bố trí như thế nào cho nó hài hòa để tránh ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng cán bộ.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Cần phải có tư duy mới hơn trong phát triển kinh tế

Các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là rất thuyết phục. Tôi hy vọng, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là nền tảng giúp Huế bứt phá.

Ngoài phát triển kinh tế - xã hội, cốt lõi ở Huế là bảo tồn di sản, đây là lợi thế, đặc thù của Huế. 

Về phát triển kinh tế, mặc dù với xuất phát điểm thấp, tuy nhiên với lợi thế, tiềm năng và vị trí vai trò của Huế thì Trung ương, Bộ Chính trị đã có nghị quyết riêng. Khi Huế khoác lên mình chiếc áo mới, yêu cầu phát triển kinh tế  - xã hội đương nhiên phải đáp ứng được các yêu cầu của một thành phố trực thuộc Trung ương, trở thành cực tăng trưởng của miền Trung. Do vậy, cần có các chính sách đột phá, đặc biệt phải có tư duy mới hơn trong phát triển kinh tế; đồng thời cần chuẩn bị lực lượng cán bộ công chức đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu. 

Ngoài ra, Huế cần làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở các địa phương.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày