Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.040.353
Truy cập hiện tại 719 khách
Phòng, chống bạo lực học đường: Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ
Ngày cập nhật 25/10/2024

TTH - Bạo lực học đường thực sự luôn rình rập, hiện hữu ở bất cứ ngôi trường nào. Ngoài những học sinh cá biệt, có xu hướng bạo lực thì nhiều hành vi bạo lực xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của học sinh. Các con chỉ nghĩ đơn giản “dọa cho bạn sợ” chứ không lường được những hậu quả, tổn thương tâm lý mà mình gây ra cho bạn học...

 

Cuối tuần vừa rồi trời đẹp nên hai đứa cháu của tôi (một cháu học THCS, một cháu lớp 5) tới nhà chơi và ở lại. Cả nhà vừa ngồi ăn cơm vui vẻ, nên tiện thể, tôi hỏi thăm chuyện học hành của các cháu.

Sau câu chuyện, tôi nghe bé đang học THCS  kể với đứa em học tiểu học loáng thoáng trong lớp có bạn bị một hội nhóm dọa đánh, cô lập, bêu rếu trên mạng xã hội... Thấy chuyện có vẻ nghiêm trọng, nên tôi nhẹ nhàng hỏi dò cháu thực hư câu chuyện.

Và thực sự tôi khá bất ngờ bởi mới độ tuổi THCS mà nhiều đứa trẻ đã biết kéo bè kéo cánh, cô lập và khủng bố tin thần bạn học. “Dì không biết đâu, mấy bạn đó đăng facebook bêu rếu bạn nữ kia, rồi suốt ngày dọa đánh đập, cấm bạn bè chơi với bạn đó. May mắn cô giáo và nhà trường phát hiện kịp thời và đã xử lý các bạn kia. Hy vọng các bạn “hổ báo” kia không tiếp diễn sai phạm nữa”, đứa cháu kể xong rồi thở dài.

Dù không nói ra, nhưng tôi biết cháu gái tôi không chấp nhận một môi trường giáo dục mà tồn tại bạo lực học đường như vậy, dù là bạo lực thể xác hay tinh thần.

Không được may mắn như bạn gái kia khi được cô thầy giáo bảo vệ, ngăn chặn kịp thời, có không ít học sinh vẫn đang phải chịu cảnh bạo lực học đường. Cách đây không lâu, khi đi đón cháu đi học về, đứa em họ tôi thở dài ngao ngán và kể rằng em vừa mới xử lý một vụ đánh nhau trước cổng trường học. Vì đón cháu khá muộn nên trường chỉ còn một vài học sinh đợi ở cổng do bố mẹ tới đón muộn. Vừa tới cổng thì em bắt gặp cảnh 4 học sinh lớp lớn, mang khăn quàng đỏ, đang xô ngã một học sinh bé hơn xuống đất rồi khóa tay, khóa chân để đánh, nhéo tai mặc cho bạn nhỏ kia đang mếu máo khóc.

Khi về đến nhà, đứa em tôi còn ân hận, là chỉ giải vây cho em nhỏ kia và cảnh cáo những bạn lớn hơn chứ không xem lại bảng tên để báo với thầy cô giáo và đề nghị có hình thức xử lý những học sinh có hành vi bạo lực học đường.

Những cú đánh, cú đá dù nhẹ chỉ để cảnh cáo hoặc hăm dọa một vấn đề gì đó của những học sinh thì đó cũng chính là bạo lực, sẽ là nỗi khiếp sợ và tổn thương đối với những đứa trẻ - nạn nhân của bạo lực học đường. Mà chắc chắn rằng, không phải nạn nhân nào cũng đủ dũng cảm để kể với ba mẹ, thầy cô... Bởi, với suy nghĩ non nớt của các em, nếu người lớn biết, các anh chị bị phạt, thì sẽ tiếp tục thù hằn và bắt nạt các em hơn nữa, nên âm thầm chịu đựng trong nỗi sợ khủng khiếp của mỗi ngày đến trường.

Bạo lực học đường thực sự luôn rình rập, hiện hữu ở bất cứ ngôi trường nào. Ngoài những học sinh cá biệt, có xu hướng bạo lực thì nhiều hành vi bạo lực xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của học sinh. Các con chỉ nghĩ đơn giản "dọa cho bạn sợ" chứ không lường được những hậu quả, tổn thương tâm lý mà mình gây ra cho bạn học. Chính vì vậy, phân tích cho con cái hiểu về những hậu quả của bạo lực học đường, răn dạy con không được bắt nạt bạn hay động viên con sẵn sàng phản kháng, báo với thầy cô giáo, nhà trường và cha mẹ khi mình bị bắt nạt là điều rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh. Bởi bất cứ học sinh nào cũng có thể là nạn nhân và thậm chí là người gây ra bạo lực học đường.

Ngoài những hình thức xử lý nghiêm thì nhà trường cũng cần có những buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường. Khi học sinh ý thức được thì chắc chắn các em sẽ tập trung học tập và đoàn kết, vui chơi cùng nhau dưới mái trường.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày