Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.159.295
Truy cập hiện tại 364 khách
Quảng bá văn hóa vùng đất qua cầu truyền hình Olympia
Ngày cập nhật 21/10/2024

TTH - Tại chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024, hình ảnh của vùng đất văn hóa, vùng đất học Thừa Thiên Huế không chỉ tạo dấu ấn qua chiến thắng của học sinh Võ Quang Phú Đức, mà còn là những hình ảnh được truyền hình trực tiếp tại điểm cầu diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn.

Ấn tượng nhất là không khí cổ vũ sôi động của hàng ngàn người tại Quảng trường Ngọ Môn. Hơn 8.000 học sinh đã cùng tham gia đồng diễn, đội nón lá, xếp hình quốc kỳ trên nền phiên bản tiếng Việt ca khúc “Dreamers” của Jung Kook. Một màn đồng diễn độc đáo được tạo ra từ những chiếc nón lá – một đặc trưng của văn hóa Huế. Hình ảnh cờ đỏ sao vàng hiện lên từ hàng ngàn chiếc nón lá màu vàng và đỏ khiến nhiều người xúc động, tự hào.

Văn hóa Huế được thể hiện đậm nét qua việc tái hiện lễ Truyền lô cổ vũ cho Võ Quang Phú Đức. Vào thời Nguyễn, triều đình tổ chức lễ Truyền lô để công bố những người đỗ học vị tiến sĩ. Nghi thức rước bảng vàng, xướng danh những người đỗ tiến sĩ dưới Triều Nguyễn trải dài từ điện Thái Hòa tới lầu Ngũ Phụng được tái hiện như sự kết nối từ quá khứ đến hiện tại để gửi thông điệp ý nghĩa đến chàng trai Phú Đức.

Quán quân Olympia chia sẻ, khoảnh khắc chứng kiến sự cổ vũ nồng nhiệt từ quê nhà khiến em rất xúc động, tiếp thêm cho em sức mạnh tinh thần để thi đấu hết mình. Phú Đức kể lại: “Trước khi diễn ra chung kết, lúc em đang ở Hà Nội, bạn bè nhắn tin kể rằng, không khí tập luyện các tiết mục cổ vũ cho em tại điểm cầu đang rất khẩn trương. Huế đang mưa nên mọi người tập rất vất vả. Bạn ấy nói rằng, mọi người vì Đức tập luyện vất vả nên Đức cố gắng nhé. Chính điều đó khiến em càng quyết tâm để không phụ lòng mọi người”.

Thông điệp về truyền thống hiếu học, dòng chảy văn hóa còn được chuyển tải qua clip Phú Đức giới thiệu về quê hương trong trận chung kết. Chỉ một đoạn clip ngắn nhưng lồng ghép bao hình ảnh đẹp của Huế: Sông Hương, phá Tam Giang, Trường Quốc Học – Huế, Văn Miếu, thuyền rồng, áo dài, nụ cười của những người lao động chân chất, hồn hậu… Với thông điệp “Sông Hương - dòng sông tri thức”, Phú Đức muốn giới thiệu đến khán giả cả nước tinh thần hiếu học của mảnh đất Cố đô được tiếp nối qua bao thế hệ như dòng chảy sông Hương bao đời, hiền hòa nhưng đầy nội lực.

“Hình ảnh lồng ghép vào sao mà đẹp mà ý nghĩa quá. Hình ảnh Phú Đức mặc áo dài trước tấm bia chuyển cảnh đến em hiện tại, như thể quá khứ và tương lai vị trạng nguyên lồng ghép vào nhau. Đoạn clip ngắn nhưng đầy đủ nội dung truyền tải về văn hóa quê hương, truyền thống hiếu học của nhà trường, gia đình... quá tuyệt vời. Khi nhìn vào “hậu phương” của anh chàng, chắc hẳn ai cũng phải choáng ngợp bởi độ hoành tráng, đầu tư chỉn chu và không khí vô cùng sôi động”, khán giả Nguyễn Hoài Anh nhận xét.

Những hình ảnh về điểm cầu Thừa Thiên Huế lan truyền trên truyền thông và mạng xã hội trong những ngày qua nhận được nhiều đánh giá tích cực. Một khán giả nhận xét trên Facebook: “Huế đã rất khéo léo tận dụng cơ hội xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia qua chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 để quảng bá hình ảnh của mình. Việc được phát sóng trực tiếp trên VTV với lượng người xem đông đảo là một lợi thế lớn giúp Huế tiếp cận với công chúng một cách hiệu quả. Không chỉ quảng bá tinh thần hiếu học, Huế còn khéo léo lồng ghép những hình ảnh về văn hóa, con người và danh lam thắng cảnh của mình vào chương trình, khẳng định được sức hút bởi bề dày lịch sử, văn hóa. Qua đó, Huế đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt khán giả cả nước”.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày