Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.145.831
Truy cập hiện tại 2.794 khách
Tín dụng đã phục hồi
Ngày cập nhật 09/10/2024

TTH - Càng về cuối năm, nhu cầu đầu tư của người dân, doanh nghiệp càng tăng. Đây là cơ sở quan trọng tạo đà thúc đẩy tín dụng tăng trưởng.

Tăng trưởng đến quý III đạt 8%

Sau gần 6 tháng tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí trong quý đầu tiên của năm 2024, tăng trưởng còn ở mức âm thì trong quý III năm 2024, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đã có những bước tiến mạnh mẽ. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 79.200 tỷ đồng, tăng 1,85% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng ngắn hạn đạt 38.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,9%, tăng 3,6% so với đầu năm; tín dụng trung dài hạn đạt 40.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,1%, tăng 0,24% so với đầu năm.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho thấy, đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng trên địa bàn đã đạt hơn 81.000 tỷ đồng, tăng gần 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy chỉ trong 3 tháng của quý III, tăng trưởng tín dụng đã bứt tốc khá ngoạn mục với mức tăng 7,76%. Đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn gặp nhiều rào cản. Điều đó cũng khá phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế, nhất là xu hướng mùa vụ đầu tư của người dân, doanh nghiệp (DN).

Theo quy luật “mùa vụ” của hoạt động tín dụng, những tháng đầu năm, người dân và DN sẽ hạn chế các hoạt động đầu tư lớn, vì thế nhu cầu tín dụng giai đoạn này sẽ khó tăng trưởng. Càng vào những tháng cuối năm, DN, người dân tập trung đầu tư vào các dịch vụ hàng hóa phục vụ nhu cầu cuối năm nên nhu cầu tín dụng giai đoạn này cũng sẽ tăng trưởng mạnh.

Mức tăng trưởng tín dụng này cũng khá phù hợp với tình kinh tế, xã hội trên địa bàn trong thời điểm hiện tại. Bởi, các động lực tăng trưởng như: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, du lịch đều đang phục hồi khả quan. Hiện, tốc độ tăng GRDP trong 9 tháng qua tăng từ 7,5 - 8,0%, cao hơn mức tăng trưởng 7,03% của cả năm 2023.

Ngoài ra, một số chỉ số tăng trưởng tốt cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 16,8%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 50,2% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội cũng tăng 14,6%; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 12,3% so cùng kỳ...

Theo ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, không chỉ đảm bảo về cơ bản mục tiêu tăng trưởng, dòng vốn tín dụng đã được hệ thống ngân hàng đẩy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, dư nợ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn chiếm tỷ trọng 70% tổng dư nợ toàn địa bàn, đạt khoảng 56.000 tỷ đồng. Riêng đối với các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn đạt 16.057 tỷ đồng; tín dụng DN nhỏ và vừa đạt 11.938 tỷ đồng; tín dụng đối với xuất khẩu đạt 4.816 tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất giảm mạnh

Cùng với đẩy vốn ra nền kinh tế, NHNN Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân. Bằng chứng dù mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại trong quý III, song, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn ở mức thấp. Thậm chí, mặt bằng lãi suất từ đầu năm 2024 đến nay tiếp tục có xu hướng giảm so với cuối năm 2023. Hiện nay, các TCTD đã thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, đặc biệt triển khai rất nhiều chương trình tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn.

Theo thống kê của NHNN tỉnh, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh phổ biến bình quân chỉ từ 4%-6%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân từ 7%-10%/năm. Trong đó, một số lĩnh vực ưu tiên, gói tín dụng ưu đãi được áp dụng mức lãi suất chỉ từ 2,5%-4%/năm. Có thể nói, mặt bằng lãi suất được các ngân hàng duy trì ở mức thấp đã góp phần đẩy vốn vào nền kinh tế, hỗ trợ tích cực đà phục hồi.

Bên cạnh thúc đẩy tín dụng, lãnh đạo NHNN tỉnh cũng khẳng định, NHNN tỉnh đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng không thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Bên cạnh đó, phải tăng cường các hoạt động kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nhờ đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi, song, tỷ lệ nợ xấu trên toàn địa bàn vẫn được kiểm soát an toàn. Hiện, nợ xấu trên địa bàn đang duy trì ở mức 1,98%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của toàn quốc (khoảng 4,5%).

Để tiếp tục đảm bảo duy trì chất lượng tín dụng trên toàn địa bàn, NHNN tỉnh tăng cường công tác giám sát an toàn vi mô; giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cấp tín dụng trong cùng một hệ sinh thái của ngân hàng, cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng ngoài địa bàn, hoạt động cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động đại lý bảo hiểm…, nhằm phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng khi phát hiện có biến động bất thường trong hoạt động của TCTD trên địa bàn. Triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cũng như chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt chính sách này nhằm hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ, ông Phạm Bá Nam chia sẻ.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày