Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.128.722
Truy cập hiện tại 3.712 khách
Dân là chủ và dân làm chủ
Ngày cập nhật 04/09/2024

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng đến mục tiêu cao nhất “Dân tộc độc lập – dân quyền tự do – dân sinh hạnh phúc”. Bởi hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ triết lý từ ngàn xưa của Khổng Tử “Dân vi bản” (dân là gốc) và của Mạnh Tử “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý nhất, sau đó mới đến nước, còn vua thì xem nhẹ). Từ đó, Hồ Chí Minh xác định địa vị cao nhất là Nhân dân “Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”  và “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cho nên dân luôn là chủ. Với ý nghĩa đó, mục tiêu đầu tiên của cách mạng Việt Nam mà Hồ Chí Minh vạch ra là: Cách mạng Việt Nam phải là cách mạng dân chủ mới, trong đó nhiệm vụ cốt lõi là “Độc lập dân tộc, người cày có ruộng” và thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu trong lĩnh vực chính trị…, nhằm tiến đến xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “Của dân, do dân, vì dân” với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo Hồ Chí Minh “Dân là gốc, dân làm chủ”. Người cho rằng dân chủ nghĩa là dân làm chủ, đó là ước muốn ngàn đời, là cái quý báu nhất của Nhân dân, như Người đã từng nói “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân, dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân. Thực hành dân chủ như chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, thực hiện tiến bộ và phát triển”. Người đã viết trong bài báo Dân vận (ngày 15/10/1949) rằng: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Trong đó, điểm cốt lõi, triết lý cơ bản và xuyên suốt là đề cao vai trò, địa vị của Nhân dân, xem “Dân là gốc”, như Người từng nói “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”. Suốt đời, Người chỉ phấn đấu, hy sinh cho quyền lợi của Nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đến khi về với thế giới người hiền, Người vẫn không quên căn dặn “Trước hết là công việc đối với con người”.

Hồ Chí Minh khẳng định sự cần thiết phải thực hiện quyền lợi và dân chủ cho toàn thể Nhân dân, bởi Nhân dân lao động trong bất cứ thời đại nào đều là lực lượng cơ bản của cách mạng. Người từng chỉ ra: Không có lực lượng của dân thì việc dễ mấy, nhỏ mấy cũng không thể hoàn thành được. Vì vậy, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng và Chính phủ phải đối phó với biết bao khó khăn, thử thách, sự bao vây, cô lập của thù trong, giặc ngoài... Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: Chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, có mặc, có nhà ở, được học hành, được tự do đi lại, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng quyền tự do mà họ xứng đáng được hưởng với tư cách người chủ và “Làm cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình”... Đó chính là tinh thần trọng dân, vị dân mà Người luôn hướng tới, nhằm đảm bảo cho dân chủ được thể chế hóa và thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, các cấp độ của đời sống xã hội. Điều này, trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph. Ănghen cũng đã chỉ ra: Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do cho tất cả mọi người. Đây là mục đích tự thân của lịch sử, là bản chất nhân đạo, nhân văn của xã hội – Xã hội chủ nghĩa. Có thể nói “Dân”  là linh hồn, là sinh khí dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh theo cách hiểu “Quan nhất thời – dân vạn đại”.

Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ quyền lợi và địa vị của Nhân dân, cho nên trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng và thực hành dân chủ trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống. Thậm chí, phút cuối cùng trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn không quên hướng về Nhân dân, mong ước Nhân dân phát huy cao nhất quyền làm chủ, để có cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc, bởi “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của Nhân dân đưa cách mạng tiến lên”. Thực tế cho thấy, dân chủ càng được phát huy, thực thi sâu rộng thì càng tạo nguồn sức mạnh vô biên để xây dựng vững chắc thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo, càng thiết thực nâng cao khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín và độ bền vững của một Đảng cầm quyền. Như vậy, phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của toàn dân. Người thường nói: Đề ra công việc, đẻ ra nghị quyết không khó, vấn đề là thực hiện nó. Ai thực hiện? - Tập thể, quần chúng. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí, mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh được “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” và “Có dân chủ thì mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”.

Điều quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời trăn trở là làm sao mọi quyền lực của dân với tư cách là người làm chủ phải được đảm bảo, tôn trọng. Bởi, người dân chỉ thấy được vị thế là chủ của mình, thấy được giá trị của độc lập, tự do khi họ được ăn no, mặc ấm..., và ngược lại Người chỉ rõ “Nước nhà độc lập, mà dân vẫn đói rét, cực khổ, không được hưởng tự do, hạnh phúc, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng và thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa đó là vai trò, địa vị của Nhân dân “Dân là gốc”, “Dân là chủ và dân làm chủ”. Nền dân chủ đó không gì khác ngoài mục đích đảm bảo quyền con người, quyền công dân được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, xã hội..., hướng trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách xã hội và an sinh xã hội cho con người, vì con người. Triết lý vị dân, thân dân, trọng dân của Người mãi soi sáng cho Đảng, Nhà nước ta thực hiện trọn vẹn mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, là động lực của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày