Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.130.649
Truy cập hiện tại 4.605 khách
Một nhân cách cao thượng của người Cộng sản
Ngày cập nhật 22/07/2024

TTH - Sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, hưởng thọ 80 tuổi”.

Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo nhiều trí thức cảm phục nhận xét, cán bộ, Nhân dân yêu mến đồng thuận, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đó là một nhân cách đạo đức mẫu mực, một nhà chính trị học xuất sắc, trí tuệ mẫn tiệp, lập trường vững vàng, nhà văn hóa lớn của đất nước, một nhà báo chính luận tài năng của cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Có thể nói, về mọi phương diện, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1967, đồng chí về công tác ở Tạp chí Cộng sản, Cơ quan lý luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trưởng thành từ một cán bộ biên soạn tư liệu, rồi làm biên tập, thư ký, trưởng phòng, đến lúc giữ chức Tổng Biên tập, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có gần 30 năm làm báo chuyên nghiệp, viết nhiều tác phẩm tiêu biểu về thể loại chính luận. Sau này, trên nhiều cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đồng chí vẫn thường xuyên viết bài và dành nhiều thời gian cho báo chí.

Là người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, chúng tôi đã đọc nhiều bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng in trên Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân dân, nhiều cuốn sách của đồng chí được xuất bản; có nhiều dịp được nghe đồng chí nói chuyện khi đồng chí còn làm Chủ tịch Quốc hội, cả khi đồng chí vào thăm Thừa Thiên Huế năm 2014; lần nữa trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí phát biểu chỉ đạo tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam năm 2015. Với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, làm nghề gì cũng thế, đặc biệt là người làm báo trước hết phải công tâm, phải giữ mình ngay thẳng thì ngòi bút không bị bẻ cong, và phải biết hy sinh cái lợi ích riêng nhỏ mọn, dấn thân đến tận cùng vấn đề mà cuộc sống sinh động tạo nên, để mặt tốt ngày một tốt hơn, mặt xấu ngày một ít đi làm cho xã hội nước ta ngày càng tốt đẹp hơn.

Về mặt lý luận, những bài viết của đồng chí có tác dụng sắc bén như một sự khai mở cách tiếp cận quan điểm mới, tư duy mới nhưng không xa rời thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đồng chí luôn trăn trở trên từng bài viết, bài nói, làm rõ nội hàm mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để cán bộ, đảng viên, nhất là giới báo chí và Nhân dân nhận thức đúng, không bị lệch lạc về chủ trương đường lối mà Đảng ta xây dựng. Tư duy nghiên cứu của đồng chí là kết hợp lý luận chủ nghĩa Mác Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Là một nhà lãnh đạo, nhà báo chính luận xuất sắc của Đảng, đồng chí hiểu sâu sắc vai trò, vị trí, tác dụng to lớn của báo chí trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí cổ vũ, động viên, khích lệ và tin tưởng ở đội ngũ báo chí cách mạng. Sự cởi mở và dân chủ để báo chí dấn thân vào chỗ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” với trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, báo chí phải chính xác và đã góp phần cùng Ban Chỉ đạo đưa nhiều vụ việc tiêu cực ra ánh sáng, làm cho bộ máy của Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, chí công vô tư và nhân văn. Mỗi khi cán bộ (kể cả cán bộ cao cấp) vi phạm phải xử lý, đồng chí nói rằng đau xót lắm, tiếc lắm nhưng không thể du di cho qua, mà phải làm nghiêm minh đến nơi đến chốn để dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong công cuộc xây dựng Đảng, đồng chí Tổng Bí thư luôn được Nhân dân tin yêu, vô cùng kính trọng. Đồng chí đã để lại một di sản quý báu về đạo đức của người cộng sản và cả về lý luận chính trị, về báo chí cách mạng cũng vô cùng phong phú của nước ta.

Đối với Thừa Thiên Huế, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm và đánh giá cao những bước đi trong xây dựng Đảng, trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong việc bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Huế mà cha ông để lại. Đồng chí nhắc nhở và luôn nhấn mạnh rằng: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn”. Văn hóa phải được đặt ngang với chính trị, kinh tế…

Hôm nay, dẫu biết rằng sinh tử là quy luật của đời người. Nhưng khi biết tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, lên đường theo tổ tiên về với thế giới người hiền, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, tiếc thương vô hạn về một nhân cách cao thượng, một tâm hồn minh triết của Người Cộng sản. Cầu mong anh linh đồng chí thảnh thơi siêu thoát, sớm trở thành bậc chân thánh hộ quốc an dân, phù trợ cho giang sơn đất nước Việt Nam yêu quý ngày một yên bình và phát triển.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày