Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.135.527
Truy cập hiện tại 6.948 khách
50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian
Ngày cập nhật 16/07/2024

TTH - Thừa Thiên Huế là vùng đất mang dấu ấn của thời di dân mở nước hơn 700 năm. Vì thế, cội nguồn văn hóa hình thành từ sự dung hợp bản sắc văn hóa của cư dân bản địa cùng cư dân Việt từ khắp các vùng miền của đất nước. Văn hóa dân gian luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng người Huế.

Di sản văn hóa dân gian có một đặc tính riêng, không bất biến mà thăng trầm theo thời cuộc. Trong thời đại 4.0, văn hóa dân gian đang đứng trước thử thách lớn: Nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng…  bị lu mờ; sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nếp sống công nghiệp, đô thị gián tiếp khiến hoạt động văn hóa và nghệ thuật dân gian dần không còn phù hợp; nhiều hoạt động văn hóa chỉ duy trì phần “lễ”, phần “hội” bị lược bỏ một cách đáng tiếc…

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ khi Chính phủ phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, việc phục hồi lễ hội truyền thống mới bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Một số địa phương của Thừa Thiên Huế đã chủ động khôi phục một số lễ hội dân gian có tính truyền thống, lâu đời ở các làng, xã, dẫu nhiều lễ hội không được tái hiện nguyên vẹn do đã gián đoạn một thời gian dài. Sự phục hồi này tuy chậm, nhưng đã thật sự tạo cơ hội cho nhiều lễ hội dân gian có giá trị văn hóa được quan tâm, gìn giữ. Tuy nhiên, cho đến nay việc quản lý, giám sát và tư vấn cho hoạt động phục dựng các lễ hội dân gian vẫn còn không ít những bất cập. Hơn bao giờ hết, công tác này cần được quan tâm để các lễ hội dân gian giữ được màu sắc đặc trưng của văn hóa vùng đất. Tránh để diễn ra những sự việc đáng tiếc, để lại ấn tượng xấu trong lòng người dân và khách du lịch.

Dịp đầu năm, trò chơi văn hóa dân gian ở Huế có thể kể đến chơi đu, như đu tiên, đu nhún, đu rút, đu giàn xay… thường là tâm điểm cho một loạt các hoạt động văn hóa khác tạo nên lễ hội đón xuân. Ấy vậy mà theo thời gian, các lễ hội thưa dần, trò chơi dân gian cũng mất theo. Một số nơi tuy còn tổ chức dịp xuân chơi trò chơi truyền thống nhưng nghèo nàn, như chơi đu chỉ còn lại đu nhún, diễn ra ở hội xuân các làng Gia Viên (Phong Hiền), Thế Chí Tây (Điền Hòa), Phước Yên (Quảng Thọ). Đến đầu năm nay, trò đu tiên được phục dựng trở lại ở làng Phú Gia (Lộc Tiến). “Nhiều người nhầm lẫn các trò đu này là một, vì vậy việc phục dựng trò đu tiên giúp người dân biết được sự khác biệt giữa đu nhún, đu tiên. Trong tương lai, trò đu rút, đu giàn xay sẽ được nghiên cứu và tái hiện”, ông Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh cho biết.

Trong 50 năm qua, Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế luôn phối hợp các trường đại học, cơ quan văn hóa tiến hành sưu tầm, nghiên cứu về lễ hội văn hóa dân gian ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, thu được nhiều kết quả khá khả quan. Các công trình nghiên cứu của hội viên đa phần được hội đầu tư kinh phí in ấn, hỗ trợ xuất bản và tạo điều kiện để tái hiện vào đời sống văn hóa cư dân nhằm giữ gìn và lan tỏa những nét văn hóa đang mai một. Thế nhưng, nghiên cứu là một chuyện, phục dựng là một chuyện khác.

Theo ông Thế, nhiều loại hình văn hóa dân gian bị thời gian bào mòn, những người trực tiếp tham gia các lễ hội ngày xưa phần lớn đã mất hoặc không đủ minh mẫn, sức khỏe để tham gia công tác phục dựng. Kinh phí để phục dựng lễ hội cũng là một vấn đề lớn. Đồng thời, để phù hợp với nhu cầu thưởng thức văn hóa đương đại, các lễ hội dân gian cần có sự “cải biên” để tạo sự hấp dẫn với người dân nói chung, người trẻ, khách du lịch nói riêng. “Cải biên” nhưng phải đảm bảo giữ được nét truyền thống, ý nghĩa của lễ hội cũng là một vấn đề khó trong công cuộc phục dựng lễ hội văn hóa dân gian.

Việc phục dựng và thực hành lễ hội cần phải được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, xây dựng kịch bản, kèm nội dung thuyết minh đầy đủ để người tham gia lễ hội biết được ý nghĩa từng “công đoạn” của lễ hội. “Đối với các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu, được người dân thực hành thường xuyên hoặc theo định kỳ, đề nghị ngành văn hóa nên có kế hoạch nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể để tạo điều kiện cho người dân thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy hiệu quả lễ hội”, ông Thế tâm sự.

Trong quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế, nhiều lễ hội văn hóa của thế giới được du nhập vào đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Tuy vậy, sức sống của lễ hội văn hóa Việt Nam vẫn còn đó, vẫn được lưu truyền, bảo tồn và phát huy. Bởi lễ hội văn hóa dân gian chính là giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của từng địa phương. Việc phục dựng và thực hành lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương thông qua phát triển du lịch. Với Cố đô Huế, khai thác giá trị của văn hóa dân gian là thế mạnh mà các nhà làm kinh tế cần nhìn nhận.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày