Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.159.324
Truy cập hiện tại 383 khách
Tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1.5
Ngày cập nhật 01/05/2024

Ngày Quốc tế Lao động 1.5 là ngày kỷ niệm và Ngày Hành động của phong trào công nhân và người lao động trên toàn cầu. Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động 1.5 bắt nguồn từ Chicago, một thành phố công nghiệp nổi tiếng của Mỹ. Năm 1886, tại Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết: “Từ ngày 1.5.1886, ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ”. Ngày 1.5, Ngày Quốc tế lao động sắp tới cũng là dịp nghỉ ngơi, để rồi trở lại với công việc một cách nhiệt thành, đầy sáng tạo như tinh thần bất diệt, trường tồn của ngày nghỉ lễ đặc biệt này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5.1955. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sự ra đời của Ngày Quốc tế Lao động

Ngày 1.5.1886, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm buộc giới chủ thực hiện yêu cầu của họ. Nó bắt đầu với cuộc bãi công của thành phố Chicago, với khoảng bốn mươi nghìn người không đến nhà máy làm việc. Họ tổ chức mít tinh và biểu tình trên khắp thành phố với biểu ngữ: "Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.

Cuộc bãi công đang thu hút một lượng người tham gia ngày càng tăng. Trong cùng một ngày, ở các trung tâm công nghiệp khác trên Mỹ, đã có 5.000 cuộc bãi công diễn ra, với 340.000 công nhân tham gia. Tại các thành phố như Washington, New York, Baltimore, Boston..., hơn 125.000 công nhân đã đạt được quyền làm việc 8 giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình bị đàn áp mạnh mẽ. Các nhà máy đã sa thải công nhân bãi công, thuê nhân công từ các khu vực khác, sử dụng bạo lực và cảnh sát để đàn áp. Các xung đột gây ra nhiều thương vong, với hàng trăm công nhân thiệt mạng hoặc bị thương, và nhiều nhà lãnh đạo Công đoàn bị bắt giữ. Sự kiện bi kịch tại Haymarket vào năm 1886 tại Chicago, Mỹ, đã gây ra cái chết của 4 người, hơn 70 người bị thương và hơn 100 người bị bắt giữ. Tuy nhiên, cuối cùng, các chủ nhà máy phải chấp nhận các yêu sách của công nhân.

Ba năm sau sự kiện bi kịch tại Chicago, vào ngày 20 tháng 6 năm 1889, Đại hội Quốc tế Cộng sản II đã tổ chức tại Paris, Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, đại hội này đã quyết định chọn ngày 1.5 hàng năm làm ngày kỷ niệm về sức mạnh và cuộc đấu tranh chung của tầng lớp vô sản trên toàn thế giới.

Ngày 1.5 được coi là ngày kỷ niệm những thành công đã đạt được, thể hiện sự quyết tâm để hoàn thành những nhiệm vụ mới và thể hiện tình đoàn kết với những người lao động của các quốc gia khác. Ngày 1.5 cũng được tổ chức như một ngày biểu dương cho lực lượng lao động và cuộc đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Phong trào Cách mạng ở nước ta gắn liền với ngày 1.5
Từ những năm 20 của thế kỷ 20, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam thông qua những tác phẩm của mình. Những tác phẩm này đã giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ hơn về phong trào cộng sản, công nhân và công đoàn trên toàn cầu. Ngày 1.5 liên quan đến các cuộc đấu tranh cách mạng trong và ngoài nước.

Ngày 1.5.1925, công nhân ở Chợ Lớn, Đường sắt Dĩ An và Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô viết. Công nhân của Nhà máy đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn đã bãi công vào tháng 8 năm 1925 để đòi tăng lương và để hỗ trợ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải ở Trung Quốc. Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa quốc tế vô sản và chủ nghĩa yêu nước, đánh dấu một mốc son trong sự phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, chuyển từ tự phát sang tự giác.

Cao trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931 bắt đầu với cuộc đấu tranh diễn ra vào ngày 1.5.1930. Nhiều nơi trên khắp đất nước, từ Bắc đến Nam, treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh và tuần hành thị uy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vận động của Công hội đỏ, công nhân và nông dân đã tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5, thể hiện tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới và đấu tranh cho quyền lợi. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn quốc đoàn kết đấu tranh để chứng minh sức mạnh vô địch và nghị lực phi thường của khối liên minh công - nông.

Đặc biệt, tại Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy Cưa và Nhà máy diêm Bến Thủy (Nghệ An), hàng nghìn thợ thuyền cùng nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ và giảm sưu thuế. Cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định trong 21 ngày gian khổ cũng góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo.

Các cuộc cách mạng từ năm 1936 đến năm 1939, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương và ngày Quốc tế Lao động đều được tổ chức công khai, đặc biệt là cuộc mít tinh được tổ chức vào ngày 1.5.1938 tại trường Đấu xảo Hà Nội, hiện là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 16 giờ ngày 1.5.1938, nhưng ngay từ xế trưa, những người tham gia đã tràn ngập trên các ngả phố. Tổng cộng, có trên 25.000 người từ 25 đoàn khác nhau. Sức mạnh của nhân dân lao động được thể hiện trong cuộc mít tinh lớn nhất trong vận động dân chủ.

Sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c.NV.CC vào ngày 18.2.1946 coi ngày 1.5 là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia. Sắc lệnh số 56 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ký vào ngày 29.4.1946, quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1.5). Ngày 1.5.1946 là Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên trong lịch sử nước ta. 20 vạn nhân dân lao động đã tham dự mít tinh trọng thể kỷ niệm ngày này tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1.5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng, ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Ngày nay, trong suốt 38 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của quốc gia, giai cấp công nhân Việt Nam đã tăng về số lượng và chất lượng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người lao động đã tiếp cận nhanh với khoa học và công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương làm chủ công nghệ và kỹ thuật cao.

Theo laodong.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày