Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.167.123
Truy cập hiện tại 66 khách
Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới
Ngày cập nhật 18/03/2024

TTH - Khảo sát của Booking.com chỉ ra 7 xu hướng du lịch được du khách yêu thích trong năm 2024. Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để đáp ứng các xu hướng mới về du lịch. Vấn đề đặt ra là sự chủ động trong việc nắm bắt và khai thác lợi thế.

7 xu hướng du lịch mới

Một kết quả khảo sát do Booking.com ủy thác nghiên cứu với 27.730 khách du lịch ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, 7 xu hướng du lịch được du khách Việt Nam cũng như du khách trên toàn thế giới yêu thích trong năm 2024. Trong đó yếu tố môi trường, du lịch bền vững vẫn được du khách Việt Nam và thế giới coi trọng.

Theo kết quả khảo sát này, 7 xu hướng chính được du khách ưa chuộng cho các chuyến du lịch trong năm 2024 gồm: Du lịch để làm mới bản thân, du lịch trốn nóng, du lịch ngẫu hứng, khám phá ẩm thực, du lịch chữa lành, tối ưu ngân sách nhờ AI (dùng tới sự hỗ trợ của AI để lên một kế hoạch chi tiêu tường tận và tối ưu ngân sách để có trải nghiệm cao cấp) và du lịch bền vững.

Điển hình như du lịch khám phá ẩm thực, kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn du khách Việt (94%) muốn thử ẩm thực bản địa và khám phá hương vị truyền thống trong năm 2024. Các trải nghiệm du lịch bản địa được dự báo tăng mạnh trong năm 2024, đưa du khách tới những hành trình ẩm thực với các câu chuyện hấp dẫn, đồng thời mang lại thêm niềm tự hào và thu nhập cho các cộng đồng trên toàn cầu.

Trên thực tế, thị trường khách nội địa vẫn là dòng khách chính của du lịch Thừa Thiên Huế. Với nhiều lợi thế sẵn có, du lịch Huế hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của du khách trước những xu hướng mới, từ du lịch khám phá ẩm thực hay những xu hướng du lịch đã nói. Nếu ẩm thực Huế thời gian qua được các tổ chức về văn hóa ẩm thực trong và ngoài nước vinh danh, thì điểm đến Thừa Thiên Huế luôn được nhắc tên là điểm đến hấp dẫn của du lịch chữa lành, an toàn, thân thiện, du lịch bền vững và có đa dạng loại hình du lịch đáp ứng du khách.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, Thừa Thiên Huế là mảnh đất giàu tài nguyên và tiềm năng du lịch. Dựa trên những tiềm năng ấy, ngành du lịch, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và cộng đồng doanh nghiệp luôn nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm du lịch phù hợp. Quan điểm của tỉnh là phát triển du lịch nhanh, bền vững, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá với những mô hình phát triển mới, mang tính khác biệt với một tầm nhìn tổng hòa trong mối liên kết vùng, quốc gia và quốc tế. Ngành du lịch cũng thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các xu hướng du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm du lịch

Yếu tố quan trọng để thu hút du khách chính là sản phẩm du lịch. Các xu hướng du lịch mới cũng đòi hỏi các đơn vị làm du lịch phải chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường, khai thác các tour tuyến, sản phẩm du lịch mà khách có nhu cầu.

Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, hằng năm, thông qua các chương trình farmtrip, Hội Lữ hành thường xuyên kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, nghiên cứu để mở các tour tuyến, xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Các sản phẩm du lịch hiện có cũng được đầu tư có chiều sâu hơn, tạo ra nhiều trải nghiệm cho du khách.

Hiện nay, sản phẩm du lịch ở Huế khá đa dạng, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì mảnh đất sông Hương núi Ngự vẫn còn thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới gắn với các xu hướng du lịch mà khách có nhu cầu. Đơn cử như Huế có tiềm năng về du lịch chữa lành, nhưng việc khai thác các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn với du khách gắn với công tác xúc tiến, quảng bá bài bản vẫn chưa xứng tầm. Nói cách khác, du lịch chữa lành ở Huế vẫn chưa có sản phẩm đa dạng và chuyên sâu. Hay với du lịch ẩm thực, mặc dù sở hữu nền ẩm thực phong phú với nhiều nét đặc sắc và đang từng bước khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực”, nhưng Huế chưa có các chương trình food tour “gây thương nhớ” cho khách.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch của du khách có rất nhiều thay đổi, ngành du lịch phải làm mới nhiều sản phẩm du lịch để đáp ứng yêu cầu của du khách. Trong đó, dựa trên các tài nguyên sẵn có, ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp tập trung đầu tư, khai thác, tạo ra các sản phẩm phù hợp với các xu hướng mới. Anh Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đại Bàng nêu ví dụ: “Chẳng hạn như nhu cầu đi du lịch tự túc của khách tăng, doanh nghiệp phải triển khai bán các dịch vụ lẻ theo nhu cầu của khách. Xu hướng khách thay đổi, doanh nghiệp cũng phải linh hoạt thích ứng”.

Theo Sở Du lịch, việc nghiên cứu, khảo sát thị trường phải được triển khai thường xuyên. Từ dữ liệu khảo sát theo tâm lý, nhu cầu của du khách sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Thừa Thiên Huế vẫn đang tiếp tục thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức hút đối với du khách.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày