Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.167.984
Truy cập hiện tại 369 khách
Đa dạng hóa các hình thức hướng nghiệp cho học sinh
Ngày cập nhật 14/03/2024

TTH - Hướng nghiệp cho học sinh là việc làm rất cần thiết, đây là bước khởi đầu quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề trong tương lai.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Trong đó, hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, việc hướng nghiệp chủ yếu giúp học sinh tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, ở cấp trung học cơ sở giúp các em có “ý thức hướng nghiệp…” và lên cấp trung học phổ thông sẽ giúp các em “có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân...”.

Để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới, các cơ sở giáo dục đã có nhiều hình thức hướng nghiệp cho học sinh phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục, đối tượng học sinh và cơ sở vật chất của nhà trường, của địa phương. Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm thực tế ở các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, các cơ sở đào tạo nghề có uy tín...; tổ chức nói chuyện chuyên đề, mời chuyên gia hoặc những người thành đạt trong nghề trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với học sinh. Giáo viên giảng dạy chủ đề trải nghiệm, hướng nghiệp trong nhà trường cũng đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học để giúp học sinh khám phá bản thân, phát hiện năng lực, sở thích, niềm đam mê, những khó khăn và những yêu cầu cần có của nghề nghiệp để từ đó các em có thể định hướng chọn nghề, chọn ngành học phù hợp.

Nắm bắt được yêu cầu của xã hội, nhu cầu của học sinh và của các nhà trường, nhiều cơ sở đào tạo nghề, nhiều trường cao đẳng, đại học đã có sự liên kết với các sở giáo dục, các trường trung học để tổ chức tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh với nhiều hình thức: Tọa đàm về chủ đề nghề nghiệp; Giới thiệu các ngành học mới; Tổ chức gian hàng và phát tờ rơi; Dán áp phích giới thiệu; Tổ chức trải nghiệm với các chủ đề thiết thực như: Một ngày làm sinh viên truyền thông số; Một ngày làm kỹ sư Trắc địa – Bản đồ; Trải nghiệm làm gốm thủ công; Trải nghiệm tạo mô hình kiến trúc với máy CNC; Trải nghiệm kiến tạo hành tinh xanh... Một số cơ sở đào tạo còn tự bỏ kinh phí tổ chức mời lãnh đạo các trường cùng học sinh tham quan, trải nghiệm, để giới thiệu một cách trực quan về các mô hình đào tạo, cơ sở vật chất của trường, các ngành học đáp ứng nghề nghiệp tương lai…, thu hút học sinh theo học.

Sự đa dạng hóa các hình thức hướng nghiệp đã giúp các nhà trường thực hiện được sứ mệnh của mình, học sinh được trải nghiệm, mở rộng thêm sự hiểu biết để đưa ra quyết định chọn nghề, chọn ngành, chọn trường đào tạo. Điều các em học sinh cần lưu ý là, không để sự hào nhoáng về cơ sở vật chất của trường được giới thiệu hoặc bị thuyết phục bởi bài thuyết trình giới thiệu về ngành học, trường học mà ra quyết định lựa chọn. Nhiều em quyết định vội vàng, khi theo học được một thời gian thì thất vọng, chán nản, bỏ học.

Việc học được một ngành đúng sở trường và khuynh hướng phát triển của bản thân sẽ giúp các em lĩnh hội kiến thức nhanh chóng và phục vụ tốt cho nghề nghiệp sau này. Việc chọn sai nghề, sai ngành học và miễn cưỡng theo đuổi ngành nghề không phù hợp như cá bơi ngược dòng, sẽ làm các em cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và chịu áp lực lớn khi học tập, làm việc và rất khó để thành công. Do vậy, các em cần cẩn trọng khi ra quyết định hướng nghiệp cho bản thân. Việc định hướng nghề nghiệp phải xuất phát từ sở thích, niềm đam mê, năng lực, sở trường của các em, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của thị trường lao động. Sau khi chọn được nghề tương lai của mình, các em hãy tìm hiểu kỹ và chọn theo học trường nào đào tạo có chất lượng chuyên ngành để thực hành nghề mà các em chọn.

Việc đa dạng hóa các hình thức hướng nghiệp hiện nay là việc làm cần thiết để cung cấp thêm thông tin cho học sinh và nhà trường lẫn cha mẹ các em. Có thể nói đây là cách tốt nhất để giúp học sinh chọn được ngành nghề phù hợp. Việc chọn được nghề mình yêu thích, đam mê, được đào tạo tốt để có năng lực thực hành nghề thì các em mới hạnh phúc và thành công trong nghề.

Theo baothuathienhue.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày