Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.175.205
Truy cập hiện tại 49 khách
Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn mới
Ngày cập nhật 23/08/2023

Ngày 3-8-2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học nhánh 1: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn mới".

Quang cảnh Hội thảo khoa học nhánh 1: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn mới" _ Ảnh: T.Linh

Ngày 3-8-2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học nhánh 1: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn mới". Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Trần Thanh Lâm, Vũ Thanh Mai đồng chủ trì hội thảo.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các địa phương, ban, bộ, ngành, học viện, cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng Đảng.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 1-12-2022, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới", trong đó có hội thảo nhánh 1 về chủ đề: "Công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng"; hội thảo nhánh 2 về chủ đề: "Công tác xây dựng Đảng về đạo đức".

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cùng với đó tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định..., đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cả phương diện lý luận và thực tiễn, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, cần có sự thống nhất cao về nội dung của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng.

Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trước những diễn biến nhanh, phức tạp và xuất hiện những vấn đề mới chưa có trong tiền lệ của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng làm thay đổi tư duy, nhận thức, lối sống, phương thức hoạt động của con người..., đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cả phương diện lý luận và thực tiễn. Các ý kiến phát biểu trực tiếp và tham luận gửi tới hội thảo đã đi sâu làm rõ các vấn đề về khái niệm; nội dung; nhận thức mới và đổi mới công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong tình hình mới. 

Cụ thể, các đại biểu đã đi sâu, phân tích về bốn vấn đề cơ bản: Khái niệm xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng; nội dung xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng; làm rõ những nhận thức mới đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng; đổi mới công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong tình hình mới. 

Đối với khái niệm công tác xây dựng Đảng về chính trị, các đại biểu thống nhất cho rằng, công tác xây dựng Đảng về chính trị là xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Xây dựng Đảng về chính trị có vị trí quyết định cho các nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng về chính trị thể hiện bản chất, bản lĩnh chính trị của Đảng, đồng thời là căn cứ hàng đầu để xác định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng Đảng về chính trị có nhiều nhiệm vụ, tập trung vào xây dựng, thực hiện và hoàn thiện đường lối chính trị.

Đối với khái niệm công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, nhiều ý kiến cơ bản thống nhất cho rằng công tác này là nghiên cứu hoàn thiện lý luận; truyền bá, giáo dục, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng của Đảng. Các đại biểu cho rằng, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, có vai trò đi trước, mở đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội.

Phân tích các kết quả và những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, các ý kiến đánh giá, đường lối chính trị của Đảng là đúng đắn. Dân chủ xã hội chủ nghĩa trên thực tế được phát huy trên thực tế. Kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được giữ vững. Bản lĩnh chính trị của đảng viên ngày càng được tôi luyện, nâng cao. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường trên các mặt lý luận, tuyên truyền, cổ động, văn hóa - văn nghệ, báo chí, xuất bản, khoa giáo, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, công tác xây dựng Đảng về chính trị còn những hạn chế, nhất là trong tổ chức thực hiện các nghị quyết; công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, tính thuyết phục, tính chiến đấu chưa cao. Do vậy, cần đặc biệt coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, không ngừng hoàn thiện lý luận đổi mới và lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đổi mới phương thức tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội. Công tác tư tưởng chính trị phải thể hiện vị trí, vai trò “đi trước” để định hướng, khai thông tư tưởng, dư luận xã hội; “đi cùng” để cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước; “đi sau” để tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, góp phần bổ sung những vấn đề mới, luận giải và đề xuất hướng giải quyết những vấn đề còn có cách tiếp cận khác nhau.

Kết luận hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm và toàn diện của các đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo, là luận cứ khoa học và thực tiễn quan trọng tạo cơ sở, tiền đề cho Hội thảo khoa học quốc gia: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới” do Ban Tuyên giáo tổ chức trong thời gian tới./.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

Các tin khác
Xem tin theo ngày