Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.190.621
Truy cập hiện tại 422 khách
Lính trẻ - Những ngày trong tâm dịch
Ngày cập nhật 20/09/2021

TTH - Thời gian quân ngũ của họ chỉ mới tính bằng tháng, nhưng khi đất nước cần, có lệnh, họ đã sẵn sàng “ra trận”, vào nơi hiểm nguy. Gần 200 chiến sĩ nghĩa vụ thuộc các đơn vị của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đang có mặt ở các khu cách ly tập trung, nơi tuyến đầu chống dịch.

 

Thay màu áo lính mang đồ bảo hộ

Sau 3 tháng huấn luyện, được biên chế ở Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 6, Bộ CHQS) tỉnh, thì dịch bệnh bắt đầu phức tạp trở lại, các khung cách ly được mở rộng, chiến sĩ Nguyễn Văn Tuyến  được lệnh lên tuyến đầu chống dịch, phục vụ tại khung T10 (Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế).

“Mới nhận lệnh em cũng lo. Lo là mình không quen việc, chứ không sợ. Bởi đơn vị em rất nhiều người đã tham gia phục vụ ở các khu cách ly, có người phục vụ 3, 4 đợt liên tục. Khi đến nhận nhiệm vụ, mọi người đã chỉ bảo em rất tận tình, nhất là cách cư xử với bà con, cách bảo vệ bản thân trước dịch bệnh, nên giờ em đã thạo việc”, Tuyến chia sẻ.

Với nhiệm vụ đưa cơm, nước, dọn dẹp vệ sinh ở khu cách ly, hàng ngày, Tuyến cùng đồng đội phải mang những bộ đồ bảo hộ cồng kềnh, tiếp xúc trực tiếp với các công dân cách ly.

 “Không phải chú bộ đội ấy ngắm cây, thưởng hoa vào buổi trưa đâu, mà là nằm nghỉ tí lấy sức kẻo mệt đó mọi người ạ, thương vô cùng những người lính trẻ”.  Đó là những dòng đăng trên facebook một công dân đang thực hiện cách ly tại khung T6 (Ký túc xá Trường Bia) khi bắt gặp một người lính đưa cơm tạm ngả lưng nơi bãi cỏ sau khi đẩy một xe cơm nặng đi phát từng phòng cho người dân.

Trong những ngày đầu tới nhận nhiệm vụ, chiến sĩ Trần Duy Mẫn (phục vụ tại khung T6) cùng đồng đội có lẽ đã “sốc” bởi lượng công dân về hàng ngày quá đông, có ngày hơn 1.000 người được tiếp nhận vào khung. Cùng với đó là một lượng lớn công việc, những áp lực về thời gian, công suất được đặt ra. Trần Duy Mẫn chưa tròn 20 tuổi. Khi xung phong tham gia nghĩa vụ quân sự, có lẽ Mẫn cũng không nghĩ ngoài nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện trong quân đội, có ngày anh được sát cánh cùng đồng đội nơi tuyến đầu chống dịch.

“Vất vả là điều đương nhiên, nhưng chúng tôi có sức trẻ, nên cũng chẳng ngại gian khó. Hôm nay không ngủ thì những ngày sau ngủ bù, cũng chẳng sao. Khi bước vào quân ngũ, tuyên thệ dưới lá cờ Tổ quốc, mang trên mình màu áo lính là chúng tôi nguyện cống hiến cho dân tộc, sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, dẫu có hiểm nguy, khó khăn bao nhiêu”, Trần Duy Mẫn bộc bạch.

Động lực từ trái tim

“Tuổi trẻ là cống hiến”. Đó là câu nói ngắn gọn mà chiến sĩ Ngô Viết Long, phục vụ tại Khung T5 (Trung tâm GDQP, Đại học Huế) nói với chúng tôi khi được hỏi về những vất vả, khó nhọc trong khi làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Mỗi ngày, Long cùng đồng đội nấu hàng ngàn suất cơm phục vụ cho các công dân tham gia cách ly. Rửa rau, kho cá, nấu canh…, những việc mà ở nhà, Long chưa từng đụng tay tới, nhưng khi nhận nhiệm vụ, việc gì Long cũng trôi tròn.

Có lẽ đây là quãng thời gian rất đáng nhớ của Long trong quân ngũ. Bởi chính vất vả, hiểm nguy khi dịch bệnh luôn rình rập để hoàn thành nhiệm vụ mà Long cũng như những đồng đội của mình mới thấy tuổi trẻ thật ý nghĩa, bởi vì được cống hiến, được sống hết mình.

Chiến sĩ Nguyễn Gia Hóa, phục vụ ở Khung T3 (Trường Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam), bám trụ khu cách ly từ những ngày đầu dịch bùng phát trở lại, có lẽ trong thời gian quân ngũ thì thời gian anh ở đơn vị ít hơn ở khung cách ly.

Hóa chia sẻ: “Ở đây thời gian đầu chưa quen công việc thì cũng lo và hơi sợ vì có nhiều ca dương tính, chỉ cần sơ suất là có thể bị nhiễm bệnh. Nhưng, trước đại dịch, cuộc sống của mọi người không còn bình yên như trước. Là một thanh niên lại là một người lính, những cống hiến của mình sá gì so với đội ngũ y tế, hay những vất vả này làm sao so với bà con mình ở các vùng dịch như TP. Hồ Chí Minh đang phải gánh chịu. Góp phần nhỏ để đẩy lùi dịch bệnh, đó chính là động lực để chúng tôi nỗ lực mỗi ngày với nhiệm vụ của mình”.

Bất cứ nhiệm vụ nào, dù gian khó, hiểm nguy, đối diện với những nguy cơ, rủi ro luôn rình rập…, nhưng những người lính trẻ như Long, Mẫn, Tuyến... khi nhận nhiệm vụ ở các khu cách ly, nơi tuyến đầu chống dịch, họ đã cùng chung một ý chí, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sát cánh cùng đồng đội; cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết thanh xuân và trách nhiệm của một người lính đối với đất nước, với đồng bào.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Mặc dù bước vào quân ngũ chưa lâu, có chiến sĩ hơn một năm, có chiến sĩ mới vài tháng, nhưng khi được trui rèn trong môi trường quân ngũ, những chiến sĩ nghĩa vụ luôn có bản lĩnh vững vàng, luôn nỗ lực và trách nhiệm với nhiệm vụ của mình. Chính những cống hiến của các chiến sĩ trẻ là tấm gương sáng để người dân cách ly ý thức hơn về trách nhiệm và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. 

Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có những chiến sĩ sẽ tiếp tục với con đường binh nghiệp, có những chiến sĩ sẽ ra quân, nhưng tôi tin, bất cứ nhiệm vụ nào, các chiến sĩ vẫn sẽ luôn phát huy tinh thần của một người lính. Đó là cống hiến và chẳng bao giờ sờn lòng, nản chí trước khó khăn, thử thách.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày