Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.191.026
Truy cập hiện tại 491 khách
Đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn
Ngày cập nhật 11/08/2021

(TG) - Trong bối cảnh Đảng ta tích cực nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động tăng cường công kích, xuyên tạc, phủ nhận các quan điểm, đường lối, chính sách trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta. Chúng rêu rao, tuyên truyền luận điệu cho rằng đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII là chủ quan, duy ý chí, phi thực tế, thiếu nguồn lực...  Từ đó quy chụp, cho rằng đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng ta trước đây và hiện nay là sai lầm, phi thực tế, nhằm làm mất uy tín của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước ta trong bối cảnh hiện nay.

NHỮNG LUẬN ĐIỆU PHI LOGIC VÀ DÃ TÂM ĐEN TỐI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Để lập luận, minh chứng, chúng đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau để tấn công, chống phá. Chúng lớn tiếng cho rằng, cách tiếp cận, phương pháp xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII là phi khoa học, không dân chủ, khách quan vì chỉ do một vài cơ quan, cá nhân dự thảo, không dựa trên những tổng kết công khai, công tâm, khách quan (!). Chúng phủ nhận các nội dung, quan điểm, chính sách của Đảng ta về phát triển kinh tế, về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng... , phủ nhận các đánh giá về thành tựu, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chúng “lớn tiếng” cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, chúng thổi phồng những hạn chế, thiếu sót trong phát triển kinh tế ở nước ta, đồng thời cho rằng các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế, phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, 2045 trong Văn kiện Đại hội XIII là viển vông, tù mù, hư ảo (!); các định hướng, giải pháp phát triển kinh tế như định hướng phát triển nhanh, bền vững đất nước, các đột phá chiến lược, các nhiệm vụ trọng tâm… là viển vông, phi thực tế, mang tính chất "tuyên truyền, mị dân", thiếu nguồn lực để thực hiện (!). Chúng cho rằng, thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển kinh tế ở Việt Nam thời gian qua đã bị thất bại và hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, không giải quyết được những tồn tại, mâu thuẫn nảy sinh nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến nước ta như dịch bệnh Covid-19, thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu…, từ đó suy diễn, phủ nhận đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng ta; cho rằng Việt Nam cần từ bỏ hẳn chính sách kinh tế hiện nay, từ bỏ "định hướng xã hội chủ nghĩa", chuyển sang phát triển kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa (!).

Thông qua những quan điểm, luận điểm này, đã bộc lộ dã tâm, mưu đồ đen tối là xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng ta nói chúng và trong Văn kiện Đại hội XIII nói riêng, từ đó phủ nhận, bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Đảng ta phải thoái lui, từ bỏ con đường  đi lên chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản; từ đó gây tâm lý hoài nghi, dao động, giảm sút niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là niềm tin vào vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Đảng ta. Qua những lý lẽ đưa ra có thể thấy đây là những quan điểm, luận điểm hết sức phản động, sai lầm, phi khoa học, không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn, chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong phân tích, đánh giá; nhiều nhận xét là chủ quan, vô căn cứ và mang tính áp đặt.

NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG, NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH ĐƯỜNG LỐI, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII LÀ KHOA HỌC, HIỆN ĐẠI, NHẤT QUÁN

Để xác định đường lối, chính sách phát triển kinh tế của một đất nước trong một thời kỳ có đúng đắn, phù hợp với thực tiễn hay không, tiêu chí đầu tiên là nền tảng tư tưởng, nguyên tắc, phương pháp tiếp cận, xây dựng các đường lối, chính sách đó. Nếu nền tảng tư tưởng, các nguyên tắc, phương pháp đó là khoa học, hiện đại, nhất quán thì kết quả là các đường lối, chính  sách đó sẽ đúng đắn, khách quan, và ngược lại, sẽ sai lầm, phi thực tế.

Có thể khẳng định rằng, đường lối, chính sách kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII được tiếp cận, xây dựng, hoàn thiện trên các nền tảng tư tưởng, nguyên tắc khoa học, hiện đại, nhất quán, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc, phương pháp kế thừa, phát triển; kiên định và đổi mới; kết hợp nhuần nhuyễn tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận.

Thứ nhất, nền tảng tư tưởng để xây dựng, hình thành đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đại hội XIII của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những học thuyết cách mạng, khoa học, đã chỉ ra bản chất và xu hướng phát triển về kinh tế ở các quốc gia cũng như trên thế giới mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời đại, là cơ sở giúp cho Đảng ta nhận thức đúng đắn về bản chất và những quy luật kinh tế trong thực tiễn sinh động phát triển đất nước hiện nay, từ đó đề ra đường lối, chính sách phát triển kinh tế phù hợp, khoa học.

Thứ hai, nguyên tắc, phương pháp kế thừa và phát triển.

Đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII đã kế thừa, phát triển những nội dung cơ bản, những nhận định, đánh giá, dự báo, quan điểm, mục tiêu và những định hướng lớn về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế trong Văn kiện các Đại hội của Đảng trong thời kỳ đổi mới, nhất là Đại hội XI, Đại hội XII, đến nay vẫn đúng đắn, chuẩn xác, còn nguyên giá trị, đồng thời bổ sung, phát triển nhiều vấn đề, nội dung mới, phản ánh sự thay đổi, yêu cầu và những xu hướng, khuynh hướng mới của thực tiễn thế giới, đất nước.

Thứ ba, nguyên tắc, phương pháp kiên định và đổi mới.
 

Đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII thể hiện sự kiên định, nhất quán, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Sự kiên định còn được thể hiện ở việc khẳng định nền kinh tế nước ta được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và  sự quản lý của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa để định hướng, chi phối việc phát triển nền kinh tế hướng tới các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời, những đường lối, chính sách này cũng thể hiện sự đổi mới, là quá trình liên tục cập nhật, bổ sung những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễncông cuộc đổi mới đất nước, là bước phát triển cao hơn về đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng ta nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.

Thứ tư, nguyên tắc, phương pháp kết hợp nhuần nhuyễn tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận.

Trước hết, phải khẳng định rằng các đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, được xây dựng công phu, nghiêm túc trên cơ sở chắt lọc, tổng hợp, tích hợp kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII là kết quả của việc tổng kết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, của các chủ thể trong nền kinh tế, là sự chắt lọc, tổng hợp, tổng kết thực tiễn toàn diện, hệ thống, bài bản một số vấn đề lý luận, thực tiễntrong quá trình phát triển kinh tế ở đất nước ta trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp độ qua 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), tập trung vào giai đoạn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng. Trong đó, có nhiều những mô hình mới, kinh nghiệm hay, những gương điển hình tiên tiến từ thực tiễn trong nước và thế giới được đúc rút, nâng tầm lý luận, chuyển tải vào Văn kiện Đại hội XIII.

Bên cạnh đó, đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn là kết quả chắt lọc về nghiên cứu lý luận của các chương trình, đề tài, đề án, công trình nghiên cứu.. do các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học thuộc các cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của cả nước thực hiện như Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội… Nhiều nội dung nghiên cứu mới, những xu hướng vận động mới trong đời sống kinh tế được làm rõ ở các công trình nêu trên được phản ánh, đưa vào trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

CÁC BƯỚC XÂY DỰNG, XÁC ĐỊNH CÁC ĐƯỜNG LỐI, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII ĐẢM BẢO TÍNH KHOA HỌC, DÂN CHỦ, KHÁCH QUAN

Nội dung về đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII không phải là sản phẩm riêng có của một cá nhân, tổ chức nào. Đó là kết quả của việc trao đổi, cân nhắc, thảo luận, tranh luận nhiều lần, nhiều vòng từ Tổ biên tập, Tiểu ban, đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; được sự góp ý, tham gia của đông đảo các cơ quan quản lý, các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, các cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu, các nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực; được lấy ý kiến sâu rộng của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên, nhân dân thông qua Đại hội đảng bộ các cấp, qua Đảng đoàn Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với nhiều hình thức rất phong phú. Cuối cùng, các đường lối, chính sách này được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thảo luận, góp ý, hoàn chỉnh và biểu quyết thông qua. 

Rõ ràng, nội dung các báo cáo thực sự là kết tinh của tinh thần dân chủ, phản ánh những vấn đề được đa số đồng tình, nhất trí; những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chưa đủ độ chín trong đường lối, chính sách phát triển kinh tế chưa đưa vào Văn kiện, tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận, không gượng ép, không võ đoán.

 NHẬN ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ TRONG VĂN KIỆN ĐẢM BẢO TÍNH KHOA HỌC, CHÍNH XÁC, KHÁCH QUAN, NHIỀU ĐIỂM MỚI PHÙ HỢP BỐI CẢNH HIỆN NAY

Về dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong Văn kiện Đại hội XIII, đã chú trọng phân tích, cập nhật những vấn đề mới, biểu hiện mới, xu hướng mới, yêu cầu mới, thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đặt ra đối với đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nhanh, sâu rộng; tình hình thế giới, khu vực thay đổi nhanh, có nhiều đột biến, đặc biệt là sự tác động toàn diện, mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn cầu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, trước mắt là đại dịch Covid 19.

Đánh giá thành tựu, hạn chế trong phát triển kinh tế của đất nước ta trong  Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là những đánh giá khách quan, khoa học, phản ánh đúng tình hình đất nước, không tô hồng, không bôi đen. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được nâng lên. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên[1]. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là động lực, nguồn lực quan trọng để đất nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Tuy nhiên, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận và chỉ  ra những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế: Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; Kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức; Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn; Việc phát triển đồng bộ các vùng, miền, địa phương trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng vẫn còn nhiều hạn chế; Xu hướng già hóa dân số, đô thị hóa tăng nhanh, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự phát triển đất nước... Những hạn chế, bất cập này được Đảng ta xác định cần kiên quyết khắc phục và giải quyết trong thời gian tới.

Về mục tiêu phát triển kinh tế của Văn kiện Đại hội XIII, ngoài việc xác định mục tiêu cho nhiệm kỳ năm 5 tới, Văn kiện Đại hội XIII còn xác định mục tiêu cho chiến lược 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. Theo đó, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.  Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Các  mục tiêu của Đại hội XIII nêu trên là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, khả thi, vừa thể hiện bản chất khoa học trên cơ sở xác định vị thế của Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã đạt được, bối cảnh quốc tế và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức trong thời gian tới vừa thể hiện sự cụ thể hóa cho từng giai đoạn, và khát vọng phát triển đến giữa thế kỷ Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng.

Về định hướng, nội dung phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII đã tiếp tục khẳng định những nhận thức đúng đắn của Đảng ta được thực tiễn chứng minh, đồng thời bổ sung những nhận thức, cách tiếp cận theo tư duy mới về hệ quan điểm chỉ đạo, về mục tiêu phát triển, về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn, về nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững…

Trong đó, một số nội dung mới về đường lối, chính sách phát triển kinh tếtrong Văn kiện Đại hội XIII là sự phản ánh, cập nhật, phát triển sáng tạo những những vấn đề kinh tế mới nảy sinh từ bối cảnh và thực tiễn đất nước ta hiện nay. Tiêu biểu là những nhận thức, quan điểm mới về việc đề cao vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số… trong đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới; về cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng; về mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong vận hành nền kinh tế; …

Ngoài ra, Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rõ một số khâu đột phá và định hướng giải pháp khả thi, thiết thực, có đầy đủ cơ sở, điều kiện, nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội…

NHÂN DÂN TÍCH CỰC THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN NGAY TỪ KHÂU DỰ THẢO  VĂN KIỆN

Về thực tiễn, đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ngay từ khâu dự thảo đã được nhân dân đón nhận, quan tâm tham gia đóng góp ý kiến, đồng thời thể hiện sự nhất trí về cơ bản, được hoan nghênh, đánh giá cao.

Thực tế này là do phương pháp tiếp cận, xác định các đường lối, chính sách phát triển kinh tế  trong Văn kiện Đại hội XIII hoàn toàn đúng đắn, khoa học, trên cơ sở nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc  kế thừa và phát triển, kiên định và đổi mới, kết hợp thực tiễn và lý luận, đồng thời, những quan điểm, nội dung về đường lối, chính sách phát triển kinh tế bám sát hơi thở cuộc sống, của thực tiễn, phản ánh đầy đủ, khách quan những đòi hỏi thực tế trong công cuộc phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay.

Rõ ràng, đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, có chất lượng, có tính kế thừa và phát triển về tư duy, lý luận, thật sự khoa học, kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Những đường lối, chính sách này có tính khái quát cao; vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta về phát triển kinh tế đất nước./.

 TS. Nguyễn Mạnh Hùng

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày