Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.030.639
Truy cập hiện tại 2.735 khách
Nghiên cứu đổi cách tính lương hưu
Ngày cập nhật 06/08/2012

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, đến năm 2029, quỹ lương hưu tại Việt Nam có thể cạn kiệt nếu không cải cách chế độ hưu trí.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân đưa ra nhận định này tại Hội thảo “Đánh giá tài chính quỹ hưu trí ở Việt Nam- Kết quả dự báo và những khuyến nghị” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã tổ chức ngày 2/8.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những dự báo tài chính của chương trình trợ cấp hưu trí hiện tại của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cho rằng, tăng dần tuổi nghỉ hưu là giải pháp để cân đối  tài chính giữa nguồn thu và chi cho quỹ, cùng với đó là sửa đổi cách tính lương hưu để tăng tính bền vững của quỹ hưu trí trong dài hạn.

Chuyên gia ILO tại Việt Nam Carlos Galian cho biết, qũy lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và có thể cạn kiệt vào năm 2029. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam. Tỷ lệ này có thể tăng trong thời gian trước mắt khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động  (từ 15 tuổi trở lên) chiếm 58,5% cơ cấu dân số.

Tuy nhiên, quá trình lão hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh và một tỷ trọng lớn dân số sẽ không còn được hưởng trợ cấp xã hội trong tương lai. Tăng dần tuổi nghỉ hưu được cho là một biện pháp quan trọng để cân đối tài chính giữa nguồn thu và chi cho quỹ.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, thúc đẩy bảo đảm và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội trong đó bảo hiểm xã hội và chế độ hưu trí ở vị trí trung tâm luôn là một chủ trương nhất quán và là định hướng xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay trong quá trình phát triển. Chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội giai đoạn 2011-2015 sẽ xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để phù hợp với thực tế.

Hiện tại, có hơn 10,1 triệu người tham gia chế độ bảo hiểm bắt buộc, tất cả các công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều được tham gia bảo hiểm xã hội. Cán bộ công chức trong khu vực nhà nước được tham gia chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và các công dân Việt Nam khác trong độ tuổi từ 15 đến 55 (đối với nữ) và đến 60 (đối với nam) không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện./.

Minh Phương (Nguồn: chinhphu.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày