Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.341.199
Truy cập hiện tại 7.805 khách
Không chấp nhận 800 nghìn phiếu bầu cử viết tay
Ngày cập nhật 17/05/2011
Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí ngày 16-5 về thông tin tại tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ có 800 nghìn phiếu bầu cử đại biểu HĐND xã phải viết tay do không có điều kiện in.

Ông Thắng nói:

Chúng tôi đã yêu cầu địa phương kiên quyết chỉ đạo, khắc phục ngay việc viết phiếu bầu bằng tay, mà phải in phiếu bầu. Nếu phiếu bầu viết tay sẽ không bảo đảm việc xếp thứ tự ứng viên theo vần ABC. Khi viết tay thì việc sắp xếp sẽ không chuẩn, không đúng quy định. Nếu những địa bàn khó khăn, huyện phải giúp đỡ để in phiếu bầu HĐND cấp xã, không để tình trạng phiếu bầu viết tay.

Phiếu bầu viết tay sẽ được thực hiện ở những xã nào ở Thanh Hóa, thưa ông?

Tại buổi giao ban sáng 16 - 5 thì lãnh đạo Sở Nội vụ Thanh Hóa mới báo cáo con số này. Hiện, Phó Giám đốc sở Nội vụ Thanh Hóa chưa báo cáo được cụ thể ở xã nào, huyện nào còn phiếu bầu viết tay. Tôi đã yêu cầu các đồng chí đó kiểm tra thông tin và báo cáo với Bộ Nội vụ và có biện pháp khắc phục ngay. Đảm bảo phiếu bầu cử phải được in.

Bộ có yêu cầu các địa phương khác rà soát lại việc in phiếu bầu không?

Hầu hết các địa phương cho biết, phiếu bầu cử đã được in cho tất cả các tổ, đơn vị bầu cử. Thậm chí, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngoài in phiếu bầu cử theo 4 màu (đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã) thì tiểu sử ứng viên cũng in theo 4 màu để cử tri dễ phân biệt.

Thực ra, Thanh Hóa là trường hợp rất đặc biệt. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm là địa phương này có dân số đông, số đơn vị hành chính nhiều nhất cả nước với 632 xã, phường, thị trấn, 27 huyện, thị xã, thành phố; số đơn vị, tổ bầu cử lên tới trên 5.000, cũng nhiều nhất cả nước. Đó là hoàn cảnh khách quan. Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để khắc phục việc phiếu bầu viết bằng tay.

 

Ở Lạng Sơn có tới 349 khu vực bỏ phiếu tại nhà dân, điều này có gây lo ngại gì không, thưa ông?

Tại một số địa phương còn khó khăn, vùng sâu, xa mà không có nhà văn hóa, trường học, hay trụ sở doanh nghiệp thì phải mượn nhà dân để làm khu vực bỏ phiếu. Không chỉ lần này mà những năm trước cũng đã có việc đó.

Một số nhà dân có điều kiện, diện tích, sân vườn thì vẫn bố trí được. Điều quan trọng là phải làm tốt công tác trang trí, chuẩn bị, phối hợp với chủ gia đình cho mượn nhà; phải đảm bảo tài sản của chủ nhà bởi không thể bê toàn bộ tài sản của họ ra khỏi nhà.

Đến nay, việc bầu cử sớm tại một số địa bàn được tiến hành ra sao?

Theo quy định của Hội đồng Bầu cử T.Ư, những nơi giao thông đi lại khó khăn, như ở giàn khoan, huyện đảo xa đất liền…phải có thời gian mới đưa hòm phiếu về được thì được bỏ phiếu sớm hơn quy định. Theo quy định, bỏ phiếu sớm vẫn phải đảm bảo trình tự, thủ tục bỏ phiếu theo luật định, đáp ứng được đúng quy trình, chất lượng bầu cử.

Nhưng tại xã Pha Mu, huyện Than Uyên (Lai Châu) lại xin bầu HĐND xã chậm 6 tháng, vì sao thưa ông?

Đây là trường hợp bất khả kháng, do xã này bị ảnh hưởng của việc làm thủy điện Bản Chát - Huội Quảng. Trong thời điểm bầu cử, người dân xã đó phải chuyển đến một vài nơi khác do tỉnh Lai Châu đang mở đường, xây dựng hạ tầng để ổn định dân cư tại chỗ.

Tại nơi họ chuyển đến, người dân vẫn bầu đại biểu HĐND huyện, tỉnh và đại biểu QH bình thường. Còn đại biểu HĐND cấp xã sẽ bầu sau khi người dân trở về nơi cư trú sau 5- 6 tháng nữa.

Đến nay, việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan các ứng viên thực hiện thế nào?

Về cơ bản, việc giải quyết đơn thư tố cáo liên quan ứng cử viên đại biểu QH, HĐND các cấp lần này tương đối thuận lợi. Vì qua các đại hội đảng bộ các cấp, nhiều ứng viên đã được xác nhận về tư cách, quá trình đóng góp ý kiến từ cơ sở. Vì thế, số lượng đơn thư ít hơn các kỳ khác và cơ bản đã được giải quyết. Đơn thư chủ yếu là những trường hợp mới.

Cảm ơn ông.

 

HMT-theo tienphong.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày