Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.038.092
Truy cập hiện tại 132 khách
Chọn người nói tiếng nói người dân
Ngày cập nhật 11/02/2011
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn

 

Bên lề Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn (ảnh), Ủy viên Hội đồng bầu cử Trung ương đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.

- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, yếu tố nào đảm bảo cho quá trình bầu cử diễn ra suôn sẻ?

Bộ trưởng TRẦN VĂN TUẤN: Điểm quan trọng đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, cử tri thấy rõ được ý nghĩa của cuộc bầu cử, thể hiện đầy đủ trách nhiệm công dân để chọn ra người đại diện cho mình tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Tiếp đó, phải tập huấn nghiệp vụ, giúp tổ chức bầu cử các cấp nắm rõ những gì phải làm, đảm bảo đúng luật, dân chủ. Ngoài ra, phải phân trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan liên quan để tạo sự phối hợp đồng bộ. Việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, lắng nghe những vấn đề phát sinh để sớm giải quyết kịp thời cũng rất quan trọng. Cùng với đó, phải đảm bảo tốt an ninh trật tự, đề phòng các yếu tố có thể ảnh hưởng tới bầu cử...

- Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về yêu cầu “hạn chế cán bộ trong bộ máy chính quyền tham gia Quốc hội và HĐND”?

Đã đưa vào tiêu chuẩn như thế thì Hội đồng bầu cử các địa phương khi tiến hành hiệp thương sẽ chú ý hạn chế bớt những đồng chí đang làm việc trực tiếp trong cơ quan hành chính Nhà nước để tăng ĐB của các khu vực khác. Yêu cầu này nhằm giúp ĐB có điều kiện lắng nghe dân nhiều hơn. Đây là yêu cầu chung đối với giới thiệu ĐBQH và ĐB HĐND các cấp.

- Vì sao lại đưa ra yêu cầu này, thưa Bộ trưởng?

Có thực tế là các đồng chí nắm giữ vị trí trong chính quyền thường bận hơn và nhiều khi chủ quan theo ý nghĩ của mình. Tăng ĐB ở khu vực khác thì họ có điều kiện lắng nghe ý kiến của dân nhiều hơn.

- Tỷ lệ cán bộ trong chính quyền tham gia Quốc hội và HĐND có cố định không?

Tùy theo tình hình cụ thể, Hội đồng bầu cử sẽ xác định tỷ lệ hợp lý. Trung ương chỉ định hướng tỷ lệ mang tính tương đối, còn chuẩn bị thế nào là tùy theo điều kiện bố trí của từng địa phương.

- Tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia ứng cử kỳ này có tăng?

Người ngoài Đảng tham gia ứng cử luôn được bố trí tỷ lệ hợp lý. Thực tế là chúng ta đưa chỉ tiêu phấn đấu nhưng khi lựa chọn cũng trùng hợp. Bởi những người đạt tiêu chí đa phần cũng trở thành đảng viên. Quy chế nêu vậy nhưng không quá cứng, bởi tìm ra người đạt không đơn giản.

- Người tự ứng cử sẽ có cơ hội như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Luật và các văn bản hướng dẫn đều khuyến khích và quy định cụ thể về tự ứng cử. Người tự ứng cử hoàn toàn có cơ hội, điều kiện thực hiện quyền của mình, để nói ra những dự định của mình (sẽ làm gì) sau khi trúng cử, rồi tuyên truyền về quá trình đóng góp, thưởng thành, phấn đấu, năng lực... được các tổ chức bầu cử tiếp nhận và người dân biết để tiến hành bầu.

- Bầu cử lần này có giới hạn con số tự ứng cử không?

Luật nêu rõ người dân có quyền ứng cử song không nói rõ là tỷ lệ phần trăm hay con số bao nhiêu. Các hội đồng bầu cử phải tôn trọng quyền đó.

- Bộ trưởng lý giải vì sao số lượng người tự ứng cử thường không cao?

Yêu cầu đối với ĐBQH hoặc ĐB HĐND các cấp rất cao. Người tự ứng cử thường phải cân nhắc kỹ xem có đủ điều kiện để trúng hay không. Có những người được đào tạo cơ bản, có năng lực nhưng uy tín trong dân chưa hẳn đã cao. Luật khuyến khích vấn đề này song thực tế người tự ứng cử vẫn còn ít. Chúng ta luôn tạo điều kiện cho người tự ứng cử tham gia các cuộc hiệp thương hay tiếp xúc với cử tri để tìm ra được những người nhiệt tình với dân với nước, có năng lực ra ứng cử.

- Nếu người tự ứng cử được tự vận động tranh cử thì khả năng trúng sẽ cao hơn?

Tranh cử phải thực hiện theo khuôn khổ pháp luật. Trong cuộc tiếp xúc cử tri, anh có quyền trình bày những chính kiến, ý tưởng, mong muốn, dự định khi trúng cử... và phải công bằng với các ĐB khác chứ không phải ĐB tự ứng cử được tham gia nhiều cuộc tiếp xúc hơn.

- Trường hợp ĐBQH hoặc ĐB HĐND trong khóa vừa qua không có hoặc có rất ít đóng góp thì có được tiếp tục giới thiệu ứng cử?

Khi chọn ĐBQH và ĐB HĐND, người ta xem tiêu chí quan trọng là phải chọn được người đại diện được cho dân ở các diễn đàn, nói tiếng nói của dân và bảo vệ quyền lợi cho dân. Những người ở nhiệm kỳ trước không làm được điều đó thì kỳ tới đây chắc chắn dân sẽ cân nhắc để không bầu tiếp.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.

  • Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội

Ngoài những tiêu chuẩn chung, lần này, đặc biệt là đối với các đại biểu chuyên trách, tiêu chuẩn lựa chọn ĐBQH nhấn mạnh thêm các tiêu chuẩn khác như lòng yêu nước, trung thành, trung thực, được nhân dân tín nhiệm và có năng lực để tham gia đảm nhận các công việc chuyên môn tại các ủy ban và hội đồng dân tộc... Tỷ lệ nữ cố gắng đạt 30% (nhưng qua các kỳ bầu cử vừa rồi đều không đạt – PV); tỷ lệ trẻ cũng khoảng xấp xỉ 30%, tính từ độ tuổi 40 trở xuống; tỷ lệ ĐB ngoài Đảng dao động từ 15% - 20% (khóa XII đạt tỷ lệ khoảng 18%). Tỷ lệ ĐB khóa XII tái cử khoảng 40%.

Theo Bảo Vân- Báo SGGP

Các tin khác
Xem tin theo ngày