Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.040.119
Truy cập hiện tại 681 khách
Câu chuyện tăng lương: Chuyện dài nhiều tập
Ngày cập nhật 13/10/2010

Nhà nước chủ trương cải cách chế độ tiền lương đã qua hàng chục năm, nhưng so với yêu cầu cuộc sống hiện nay thì chủ trương đó xem ra vẫn còn giẫm chân tại chỗ, thậm chí có thể nói đã bị thụt lùi khi tăng lương không theo kịp tăng giá. Việc cải thiện đời sống của người lao động nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức đang là bài toán chưa lời đáp.

Đề án cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước ta bắt đầu phôi thai từ năm 1993. Cụ thể, ngày 23/5/1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 25-CP quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang; qua đó, xác định mức lương tối thiểu chung là 120.000 đồng/tháng. Trong thời gian gần 17 năm (từ năm 1993 đến tháng 3 năm 2010), Chính phủ đã 6 lần tăng lương tối thiểu, theo diễn tiến như sau: Năm 2003: 210.000 đồng/tháng (Nghị định 03/2003/NĐ-CP), Năm 2004: 290.000 đồng/tháng (Nghị định 203/2004/NĐ-CP), năm 2005: 350.000 đồng/tháng (Nghị định 118/2005/NĐ-CP), năm 2006: 450.000 đồng/tháng (Nghị định 94/2006/NĐ-CP), năm 2008: 540.000 đồng/tháng (Nghị định 166/2007/NĐ-CP) và hiện nay, mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức là 650.000 đồng (Nghị định 33/2009/NĐ-CP). Dự kiến đến ngày 01/5/2010, lương tối thiểu của cán bộ, công chức sẽ được tăng lên 730.000 đồng/tháng (bằng mức lương tối thiểu khối doanh nghiệp Nhà nước hiện nay).

Nhìn vào bức tranh tăng lương ở trên có thể thấy sự tăng biến về mặt số học, với mức tăng bình quân mỗi lần dao động từ xấp xỉ 12% - 18%. Tuy nhiên, so với việc tăng giá cả thị trường "phi mã" trong thời gian qua thì việc tăng lương chỉ giống như muối bỏ bể, và đời sống của người lao động ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết. Chúng ta thử làm một bài toán chi tiêu hàng tháng để thấy rõ điều này.

Hiện nay, một người tốt nghiệp Đại học làm việc cho cơ quan Nhà nước hưởng lương bậc 1 có hệ số 2,34; tổng thu nhập hàng tháng như sau:

Tiền lương tháng = 2,34 x 650.000 (trừ chế độ bảo hiểm và phí công đoàn 8,5%) = 1.391.000 đồng + công tác phí (200.000 đồng) = 1.591.000 đồng.

Các khoản chi tối thiểu mỗi tháng:

- Ăn sáng: 300.000 đồng

- Tiền cơm 2 bữa: 900.000 đồng (tương đương giá cơm "bụi")

- Xăng xe, điện thoại: 300.000 đồng

- Điện, nước sinh hoạt, dầu gội, xà phòng giặt...: 200.000 đồng

- Các khoản chi cần thiết khác: 200.000 đồng

Như vậy, chỉ tính các khoản "chi thường xuyên" hàng tháng của mỗi công chức đã là 1.900.000 đồng (vượt thu hơn 300.000 đồng). Chưa kể đến những khoản chi "mềm" khác như cưới, hỏi, sinh nhật trong cuộc sống đời thường, thử hỏi cán bộ, công chức xoay xở thế nào với bài toán thu, chi luôn hiện diện hàng ngày, hàng giờ trước mặt(?).

Tiền lương đã thấp nhưng áp lực tăng giá ngày càng đè nặng lên cuộc sống người lao động, nhất là công nhân làm việc tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất làm phát sinh nhiều cuộc đình công, gây mất trật tự, an ninh - xã hội. Lương tăng chậm - giá tăng nhanh giống như hai bức tường thành bóp chặt người lao động, buộc họ phải thu mình đối diện với nỗi lo "cơm - áo - gạo - tiền" mỗi ngày. Theo thống kê sơ bộ, chỉ số giá tiêu dùng của quý I năm nay đã tăng xấp xỉ 4%, trong đó giá cả hầu hết các loại yếu phẩm đều tăng. Chẳng nói đâu xa, nhìn lại việc tăng giá xăng đến chóng mặt trong thời gian qua đã là cơ khổ! Xăng vừa là mặt hàng thiết yếu của người dân, vừa là nhân tố nhạy cảm tác động đến giá cả hầu hết các loại hàng hóa khác. Do đó, người dân là đối tượng chịu tác động trực tiếp và bất khả kháng của giá cả thị trường. Đã vậy, sắp tới "nhà xăng" còn định tiếp tục tăng giá vì lý do rất cổ điển là "đang bị lỗ"(?). 

Giá ơi thương lấy lương cùng!

Tuy rằng khác loại nhưng chung là tiền.

Thương nhau lương giá đi liền

Ghét nhau lương giá hai miền xa xôi.

Gió đưa cái giá về trời,

Cho lương ở lại chịu đời đắng cay.

Giá ơi ta bảo giá này:

Giá lên nhanh quá có ngày…chết lương!

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Đồng lương vật giá phải thương nhau cùng.

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông cho vật giá…rẻ rề,

Lương tăng vùn vụt là mê lắm rồi.

Bắc thang lên hỏi ông trời

Giá lương như thế, dân thời sống sao?

Ông trời ổng biểu kệ tao,

Mày đi hỏi sếp chứ tao biết gì!

Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 xác định: Đến năm 2005, lương của cán bộ, công chức cơ bản được cải thiện, họ có thể sống được bằng đồng lương, nuôi được gia đình... Nhưng so với yêu cầu cuộc sống hiện nay thì chủ trương đó xem ra vẫn còn dẫm chân tại chỗ, thậm chí đã bị thụt lùi. Cán bộ, công chức chưa thể tự nuôi sống bản thân mình thì lấy gì để bảo đảm cuộc sống của gia đình(?!).

Khi đề cập đến câu chuyện tăng lương, mới đây ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn xác nhận việc cải cách chế độ tiền lương là một trong những nội dung chưa đạt mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010. Ông nhận định, cùng một trình độ như vậy, công việc như vậy, nhưng ở ngoài khu vực tư nhân, lương cao hơn gấp nhiều lần. Điều đó chỉ ra rằng, những bất cập trong chế độ tiền lương của Nhà nước ta hiện nay cũng được các Bộ, ngành chức năng nhìn thấy, chỉ có điều, đó lại là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi... chưa sửa được"(!).

Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã bàn về chính sách tiền lương và đi đến kết luận: "Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội". Đảng cũng chỉ ra: "Trong thực tế, công chức là những người trực tiếp sáng tạo và vận hành thể chế của nền hành chính, nhưng với mức lương quá thấp như hiện nay thì rất khó cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế (thiệt hại do tăng trưởng chậm là rất lớn, vì mỗi % GDP là hàng nghìn tỉ đồng). Do đó, cần có giải pháp đột phá để giải quyết lương đối với công chức, bảo đảm tiền lương công chức phải đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động và phải coi đây là điều kiện của cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay".

Chủ trương do Đảng ta đề ra vô cùng thiết thực và hợp lòng dân, nhưng quá trình thực hiện cải cách tiền lương không phải nói là làm được. Vẫn biết tăng lương là phải đảm bảo bù trượt giá, tùy thuộc tình hình quan hệ cung - cầu lao động và khả năng phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP của ta trong những năm qua còn quá khiêm tốn, nguồn ngân sách hạn chế nên chưa thể cải cách cơ bản chế độ tiền lương cho người lao động. Thôi thì chúng ta cứ tạm thời tự động viên nhau rằng, hãy cố gắng sống với đồng lương còm cõi đó và hãy cố gắng tin tưởng, chờ đợi vào sự cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ trong thời gian tới. Còn việc tăng lương có diễn biến thế nào, cứ đợi hồi sau sẽ rõ./.

Phương Trần-SNV

Các tin khác
Xem tin theo ngày