Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.039.894
Truy cập hiện tại 597 khách
Quốc hội thảo luận việc thống nhất bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cùng ngày
Ngày cập nhật 26/10/2010

Chiều 25/10, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày.

Thống nhất một số quy định trong hai luật bầu cử

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng chủ trương tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp cùng một năm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và kéo dài nhiệm kỳ HĐND.

Như vậy, trong năm 2011, sẽ tiến hành bầu cử đồng thời đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày thì sẽ có một số vấn đề vướng mắc phát sinh cần phải giải quyết.

Đó là, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu HĐND có quy định khác nhau về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc chỉ đạo bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử, số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu, trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện các bước trong quy trình bầu cử...Vì vậy, để tổ chức thực hiện bầu cử chung trong cùng một ngày có tính khả thi, bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm thì cần phải có sự thống nhất về một số quy định giữa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND.

Chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách

Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, theo đó chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày; không đặt vấn đề sửa đổi cơ bản Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND.

Về bầu cử đại biểu HĐND tại các địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chính phủ đang tiến hành tổng kết việc thực hiện thí điểm và sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, trình Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này tại kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) và một số đại biểu khác đề nghị dự thảo Luật không quy định những vấn đề đặc thù đối với việc bầu cử tại các địa phương đang tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Vấn đề này Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết hướng dẫn thực hiện.

Đại biểu Ý Nhi cũng nhất trí việc Ban soạn thảo Luật bổ sung nhiệm vụ cho các tổ bầu cử giải quyết khiếu nại lần đầu của cử tri trong khu vực bỏ phiếu. Việc bổ sung nhiệm vụ này là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế cũng như Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị tại địa điểm bỏ phiếu cần quy định rõ tiêu chuẩn để cử tri có cơ sở lựa chọn bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Vấn đề vận động tranh cử cũng cần có những quy định cụ thể để đại biểu thực hiện đúng luật và thuận lợi để cử tri lựa chọn.

HMT- theo chinhphu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày