Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.041.426
Truy cập hiện tại 64 khách
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật viên chức
Ngày cập nhật 19/04/2010

Viên chức được kinh doanh, làm thêm; được kéo dài thời gian làm việc; được bổ nhiệm, nâng ngạch “công bằng” với công chức… là những điểm mới được bàn tới khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật viên chức ngày  13/4.

Dự luật viên chức lần đầu được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến ở cơ quan thường trực của QH sẽ là căn cứ điều chỉnh, quản lý 1,6 triệu lao động trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước, tham gia nhiều lĩnh vực dịch vụ công quan trọng trong xã hội.

 

Theo đó, viên chức là những người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng làm việc, được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý, làm việc trong các đơn vị sự nghiệp và hưởng lương từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật. Viên chức gồm viên chức quản lý và viên chức chuyên môn, nghiệp vụ.

 

Dự thảo luật “rộng cửa” quy định cho viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc; được ký hợp đồng vụ, việc với các cơ quan, tổ chức khác mà pháp luật không cấm; được tham gia góp vốn, thành lập Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư…

 

Quy định nhận được nhiều “phiếu thuận” dù vẫn có ý kiến lo ngại tình trạng viên chức vì thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ mà làm giảm chất lượng cung cấp các dịch vụ công.

 

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn nêu một thực tế, dù có cấm việc làm thêm ngoài giờ thì cũng không ngăn được cảnh “chân ngoài dài hơn chân trong”; cấm việc kinh doanh, điều hành doanh nghiệp “phụ” thì vẫn không thiếu cách lách như đứng tên con cháu, người thân…

 

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai vẫn băn khoăn cho rằng quy định “mở” nên chăng cũng phải cân nhắc tính lại lương tối thiểu theo giờ thay vì theo tháng khi có những thầy giáo dạy thêm cũng tới cả nghìn giờ/năm, vượt quá mọi mức kiểm soát. Cũng như thế, bác sĩ mở phòng khám riêng thì khó kiểm soát được thời gian, chất lượng công việc tại bệnh viện thế nào.

 

Theo bà Mai, nhiều lĩnh vực dịch vụ công như giáo dục, y tế dù có giao cho đối tượng nào thực hiện cũng phải làm rõ tính chất phi lợi nhuận, không thể đằng thẳng như hình thức một doanh nghiệp, áp đủ mọi cách thức để vì lợi nhuận hàng đầu được.

 

Chủ nhiệm Ủy ban dân nguyện Trần Thế Vượng nhìn vấn đề từ khía cạnh khác: Tất cả các trường học, bệnh viện công đều là xây dựng, đầu tư bằng tiền ngân sách. Giáo viên, bác sĩ khai thác ngay những nguồn lực này để làm thêm. Có những bệnh viện, cả nhóm bác sĩ góp tiền mua nguyên cả đoàn xe vận chuyển bệnh nhân để làm thêm, tăng thu nhưng những khoản như khu xử lý rác thải thì chỉ… “đổ đầu” ngân sách.

 

Để hạn chế tình trạng “dấp dính” trong - ngoài, chính - phụ, các đại biểu yêu cầu dự luật cần có cơ chế đánh giá, quản lý viên chức chặt chẽ và biện pháp xử lý sàng lọc, loại bỏ với những người không hoàn thành công việc.

 

Dự thảo luật viên chức cũng nêu hướng mở với nhóm đối tượng người Việt định cư ở nước ngoài vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam trở thành viên chức làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Việc tuyển dụng nhóm Việt kiều này vào các lĩnh vực dịch vụ công của nhà nước được đánh giá sẽ đem lại lợi ích tận dụng nguồn chất xám, huy động tri thức và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của đội ngũ này, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn cần đi trước đón đầu.

 

Dự luật “nhắm” tới 300.000 người Việt ở nước ngoài được đào tạo ở trình độ bậc đại học, trên đại học hoặc công nhân kỹ thuật bậc cao. Nhiều người trong số đó giữ vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc các doanh nghiệp ở các nước, có khả năng làm việc khá tốt trong môi trường khoa học công nghệ tiên tiến và làm chủ phương pháp quản lý chuyên nghiệp.

 

Luật viên chức sẽ được đưa ra thảo luận lần đầu tại Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 5 tới.

 

Minh Phương (Theo Báo Dân trí)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày