Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.041.886
Truy cập hiện tại 218 khách
Một số hình phạt thời Lê sơ qua bộ Luật Hồng Đức
Ngày cập nhật 19/03/2010

Quốc triều hình luật (hay còn gọi là luật Hồng Đức hay Lê triều hình luật) thời Lê sơ thế kỉ 15 là một trong những bộ luật xưa nhất và tương đối hoàn chỉnh nhất về công tác lập pháp thời phong kiến Việt Nam, trong đó có hẳn một chương quy định rõ những hình phạt đối với các hành vi sai trái của quan lại, các tội về chức vụ

Giống như các bộ luật phong kiến khác, luật Hồng Đức thể hiện rõ bản chất giai cấp của nó. Mục tiêu hàng đầu của nó là để bảo vệ vương quyền, địa vị và quyền lợi của giai cấp phong kiến, củng cố trật tự xã hội và gia đình gia trưởng phong kiến. Nó là sự pháp điển hóa tư tưởng chính trị và đạo đức Nho giáo, tiếp thụ nhiều thành tựu lập pháp của Trung Hoa, chịu ảnh hưởng của cả luật pháp nhà Đường và nhà Minh. Tuy vậy, có thể nói bộ luật thành văn này có những điểm không giống với các bộ luật của nhà nước phong kiến Trung Quốc cả về nội dung lẫn bố cục và không thể phủ nhận các điểm đặc sắc và tiến bộ của nó. Trong đó chương III (chương Vi chế - làm trái luật, quyển hai) bao gồm 144 điều (trong tổng số 722 điều, chiếm tỷ lệ gần 1/5 của bộ luật) quy định về hình phạt cho các hành vi sai trái của quan lại, các tội về chức vụ là một ví dụ điển hình. Có thể kể một vài quy định: Các quan tại chức không có lý do mà không vào chầu, hay là nhân xin phép mà nghỉ kéo dài hạn thêm hàng tuần, hàng tháng phải phạt 10 quan; các hình quan không có lý do mà không họp hội đồng để xử kiện thì cũng xử phạt như thế (Điều 100). Viên quan sai đi công cán, xem xét việc gì khi về tâu trình không đúng sự thực thì phải tội biếm (giáng chức quan, gồm năm bậc: 1 tư, 2 tư, 3 tư, 4 tư, 5 tư) hay đồ (đồ hình: giam cầm, bắt làm việc khổ sai); nếu vì thân tình hay thù oán mà cố ý làm sai sự thực thì sẽ chiếu theo sự tình nặng nhẹ mà tăng thêm tội; nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm hai bậc (Điều 120). Các quan viên làm việc ở sở mình mà ngồi đứng không đúng phép thì xử tội biếm hay phạt (Điều 129). Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 quan đến 9 quan thì xử tội biếm hay bãi chức, từ 10 quan đến 19 quan thì xử tội đồ hay lưu (đầy đi xa), từ 20 quan trở lên thì xử tội chém (Điều 138). Những quan viết chiếu chỉ mà triều đình chưa kịp công bố đã đem truyền tin tức cho người ngoài biết thì xử tội xuy đánh 50 roi, biếm 1 tư; nếu việc cơ mật thì tăng thêm tội (Điều 219),...

Có thể nói tuy bộ luật Hồng Đức có những quy định không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhưng về tinh thần thượng tôn luật pháp, cách hành xử của người xưa vẫn còn nguyên giá trị, đáng để hậu thế suy ngẫm./.

HMT sưu tầm

Các tin khác
Xem tin theo ngày