Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.130.087
Truy cập hiện tại 4.352 khách
Phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026: Đừng để học sinh và phụ huynh bị động
Ngày cập nhật 23/10/2024

TTH - Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo thông tư quy định về việc tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 (thay thế cho quy định hiện hành) nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận, nhất là những người có con đang học lớp 9, năm học 2024 - 2025.

Theo thông tin đã được công bố, dự thảo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giao cho các sở giáo dục và đào tạo địa phương lựa chọn môn thi thứ ba cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 (ngoài hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn) bằng cách bốc thăm ngẫu nhiên một trong các môn còn lại và việc bốc thăm, công bố môn thi này phải hoàn thành trước 31/3 hàng năm.

Nếu quy định này được ban hành thì việc tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025 sẽ có thay đổi lớn so với các năm trước đây, khi các thí sinh chỉ phải thi 2 môn: Toán, ngữ văn hoặc 3 môn: Toán, ngữ văn và ngoại ngữ (tùy theo từng tỉnh, thành phố) và việc tuyển sinh theo phương thức này đã ổn định qua rất nhiều năm, nên phụ huynh và học sinh đều có sự chủ động trong thi cử.

Có thể hiểu, dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nhằm hướng các em học sinh cần phải tập trung vào học đều các môn, như mục đích, yêu cầu của Chương trình 2018 hướng tới, khắc phục tâm lý "môn chính, môn phụ" vốn đã tồn tại trong một bộ phận phụ huynh và học sinh. Thực ra, thi tuyển sinh đầu cấp thì chưa thể khẳng định phương án nào là tối ưu, nhưng nếu phương án "bốc thăm" để chọn môn thi thứ 3 (ngoài 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn) thì sẽ xuất hiện một số bất cập sau:

Thứ nhất, vì là bốc thăm ngẫu nhiên nên có khả năng một môn được "bốc trúng" liên tục qua nhiều năm; hoặc ngược lại, mỗi năm lại có một môn được "bốc trúng".

Thứ hai, dù chỉ là kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, nhưng để đỗ được vào các trường trung học phổ thông ở nhóm trên luôn có sự cạnh tranh rất lớn. Do đó, mỗi học sinh, khi đã xác định trường để thi đều phải tập trung thời gian cả năm học để ôn luyện. Nếu theo phương án dự kiến do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thì đến tháng 4, tức là chỉ còn khoảng 2 tháng trước kỳ thi, học sinh mới biết môn thứ 3 nào được chọn để thi thì rất bất lợi cho các em.

Thứ ba, ở bậc trung học cơ sở, các học sinh cũng đã cơ bản bộc lộ khả năng, thiên hướng và môn học yêu thích của mình. Nhưng nếu tất cả đều phải thi chung một môn vào lớp 10, thì xét trên khía cạnh là hướng tới khơi gợi, phát triển năng lực cá nhân của học sinh là chưa thực sự công bằng.

Cũng theo Chương trình 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) thì ở bậc trung học phổ thông, học sinh được học 4 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1, lịch sử và 4 môn/hoạt động giáo dục bắt buộc khác, cộng với 4 môn được lựa chọn (trong số các môn: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật). Việc lựa chọn các môn học tùy thuộc vào khả năng, thiên hướng và sở thích của học sinh.

Do vậy, để thống nhất với chương trình học ở bậc trung học phổ thông, việc thay đổi phương án tuyển sinh vào lớp 10 cần bảo đảm phù hợp với định hướng học tập của các em sau này. Nếu giữ nguyên phương thức tuyển sinh như những năm qua (nghĩa là học sinh thi 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ - như ở Thừa Thiên Huế) cũng có yếu tố hợp lý, bởi đây là 3 môn học bắt buộc ở cả bậc trung học cơ sở và bậc trung học phổ thông, hơn nữa việc tổ chức thi ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) cũng có tác dụng khuyến khích học sinh cần tập trung hơn cho môn học này, phù hợp với định hướng nâng cao khả năng tiếng Anh cho học sinh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Nếu cần thiết phải thay đổi thì nên chăng, không nên lựa chọn môn thứ ba để thi tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên (có vẻ mang tính cào bằng) mà nên tổ chức thi nhiều môn/tổ hợp môn; học sinh có quyền lựa chọn một môn/tổ hợp môn mà mình yêu thích, có khả năng, để đủ 3 môn (cùng với toán và ngữ văn), tương tự như thi tốt nghiệp trung học phổ thông (chẳng hạn, học sinh có thể lựa chọn môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, ngoại ngữ...)? Điều này sẽ không gây bị động, lúng túng, thậm chí là cả tâm lý thấp thỏm của phụ huynh và học sinh. Mặc dù tổ chức theo cách này đòi hỏi ngành giáo dục địa phương vất vả, tốn kém hơn nhưng với phương châm "lấy người học làm trung tâm", sự vất vả và tốn kém này cũng là xứng đáng.

Việc lựa chọn phương án tuyển sinh vào lớp 10 nào cũng cần được xét đến các yếu tố liên quan và mục đích, yêu cầu của giáo dục. Song cần phải quan tâm thỏa đáng đến quyền và lợi ích của học sinh, đừng để các em và phụ huynh các em phải ở vào thế bị động.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày