Sẽ khởi nghiệp từ dự án trên giảng đường
Lê Thị Hoài Chúc, sinh viên năm cuối, Khoa Chăn nuôi - Thú y thuộc Trường đại học Nông lâm, ĐHH tự hào khi sắp tốt nghiệp đại học với ngành nghề mà mình đã chọn và yêu thích từ khi còn học phổ thông. Được học tập trong môi trường đào tạo có bề dày truyền thống lĩnh vực nông nghiệp, Chúc không chỉ được tích lũy kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành mà còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm, thực tiễn để trau dồi kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và trong phòng thí nghiệm.
Từ một sinh viên chập chững trong những ngày đầu bước vào giảng đường đại học với những ấp ủ đam mê, nhiều bỡ ngỡ, nay cô sinh viên năm cuối này đã rành rõi các kiến thức khoa học về chẩn đoán bệnh trên gia súc, gia cầm, kiến thức từ phòng thí nghiệm, phân lập và nuôi cấy vi khuẩn, kỹ thuật PCR, hay sử dụng thuốc phòng trừ dịch bệnh…
Chúc bảo, trong nhiều kiến thức, vốn sống tích lũy được trên giảng đường, em luôn mong muốn bản thân mình “giỏi một việc, biết nhiều việc” nên nảy sinh ý tưởng xây dựng một dự án (DA) cấp trường, cấp ĐHH để không chỉ trau dồi kiến thức, “giỏi một việc” mà hướng đến khởi nghiệp ngay sau khi rời ghế nhà trường.
Quá trình học tập và tìm hiểu, Chúc nhận thấy, bệnh tiêu chảy trên gà nuôi lâu nay diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của gà, thậm chí thiệt hại đến kinh tế của người dân khi xảy ra dịch bệnh. Trong khi đó, phần lớn người chăn nuôi trên cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế còn sử dụng, lạm dụng kháng sinh trong phòng trừ bệnh tiêu chảy trên gia cầm. Từ đó, Chúc cùng nhóm bạn sinh viên của Khoa Chăn nuôi - Thú y thực hiện DA sản xuất chế phẩm Bacillus subtilis B23 trong phòng bệnh tiêu chảy trên gà nuôi.
Chúc chia sẻ, quá trình nghiên cứu, sản xuất chế phẩm này, em cùng nhóm bạn sinh viên cộng sự gặp khá nhiều thuận lợi, được sự trợ giúp tích cực của thầy, cô trong khoa hướng dẫn và tạo điều kiện về thiết bị, máy móc, nghiên cứu và thí nghiệm. Nhóm sinh viên thực hiện DA dù khác khóa học, lớp học nhưng đã có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý cũng là yếu tố thuận lợi. Về kinh phí phục vụ DA, các em được nhà trường tạo điều kiện hỗ trợ.
DA của Chúc và nhóm cộng sự của mình mới đây đã đoạt giải Nhì tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (KN&ĐMST) ĐHH lần VII” diễn ra đầu tháng 10 vừa qua. Thành công bước đầu này đã mở ra nhiều cơ hội, triển vọng cho các em sinh viên trên bước đường khởi nghiệp trong tương lai gần.
Chúc khẳng định: DA này mới chỉ là thành quả bước đầu, từ đây em sẽ cùng nhóm bạn cộng sự tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. Sau khi tốt nghiệp, dù làm việc ở đâu, chúng em vẫn theo đuổi đam mê, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện DA này khá lớn, từ vài tỷ đồng trở lên để mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất như tủ an toàn sinh học, tủ ấm, tủ lắc, tủ lạnh…
Thực tiễn và khả thi
Một nhóm bạn sinh viên khác cũng của Khoa Chăn nuôi - Thú y thuộc Trường đại học Nông lâm, ĐHH cũng thành công khi thực hiện một DA tương tự và đoạt giải tại cuộc thi “Ý tưởng KN&ĐMST ĐHH lần VII” vừa qua. Đó là DA sản xuất chế phẩm probiotic từ nấm men Saccharomyces cerevisiae, Lactobacillus plantarum và Bacillus subtillis được phân lập từ ruột gà, dùng trong chăn nuôi gia cầm. Chế phẩm này giúp gà kích thích sinh trưởng, tăng trọng nhanh, giảm mùi hôi của phân chuồng. Sản phẩm này từ nấm men nên có thể lên men với các phụ phẩm trong nông nghiệp như khoai, sắn, bắp ngô… tạo ra giá trị dinh dưỡng, kích thích vị giác của gà, đặc biệt là gà bản địa.
Một nhóm sinh viên ngành công nghệ thực phẩm - Khoa Cơ khí công nghệ thuộc Trường đại học Nông lâm, ĐHH, do Trần Thị Thu Uyên làm trưởng nhóm cũng thành công với ý tưởng “Sản xuất mực khô tẩm gia vị (mực SPICED)” đã xuất sắc giành giải Ba tại cuộc thi “Ý tưởng KN&ĐMST ĐHH lần VII”. Sau khi DA thành công bước đầu, tham gia chương trình Hueuni Demo Days đã nhận được cam kết hợp tác đầu tư của một nhà đầu tư.
Thu Uyên chia sẻ, ước mơ khởi nghiệp từ DA “Sản xuất mực khô tẩm gia vị” (mực SPICED) gần như trở thành hiện thực khi một cuộc khảo sát thị trường TP. Huế và một số vùng lân cận cho thấy, người tiêu dùng khá hài lòng về vị ngon và giá cả hợp lý của sản phẩm. Chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, nguyên liệu chế biến sản phẩm mực SPICED không lớn, chỉ tầm vài trăm triệu đồng, hoàn toàn khả thi với một sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học.
Theo baothuathienhue.vn