Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.145.956
Truy cập hiện tại 2.830 khách
Rà soát các khu vực có nguy cơ chia cắt khi lũ lụt
Ngày cập nhật 19/09/2024

TTH.VN - Sáng 19/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến đã có buổi làm việc với Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Sau buổi làm việc, đoàn đã kiểm tra một số công trình xung yếu trên địa bàn tỉnh.

Cùng làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; TUV, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNN Nguyễn Đình Đức; TUV, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Trần Quốc Thắng.

Báo cáo công tác triển khai, ứng phó bão số 4, Phó Chủ tịch Hoàng Hải Minh cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên đất liền thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 3, giật cấp 6, nhiều điểm có mưa to và rất to. Lượng mưa trên toàn tỉnh tính đến 7h ngày 19/9 phổ biến từ 150-300mm.

Để phòng chống bão, lũ, hiện, các đơn vị đã lập, phê duyệt các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai theo quy định, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo nhiệm vụ được giao. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động ban hành các công điện ứng phó bão số 4. Đồng thời đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và công tác ứng phó thiên tai tại nhà máy thủy điện đang vận hành trên địa bàn tỉnh năm 2024. Hiện nay, đang vào thời kỳ cuối mùa khô, mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện đang ở mức thấp, các hồ đang vận hành đảm bảo an toàn. Tình trạng các công trình đê điều và phương án hộ đê vẫn đảm bảo.

Đến 11h30 ngày 18/9, toàn bộ phương tiện tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Các địa phương chủ động chuẩn bị phương án sơ tán di dời dân để đối phó với bão, lũ quét, sạt lỡ đất. Các lực lượng đã xây dựng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; duy trì nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, trực sẵn sàng chiến đấu, trực cứu hộ, cứu nạn….

Lắng nghe các ý kiến trao đổi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến chỉ đạo các đơn vị cần chủ động rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt phải ứng phó kịp thời khi người dân cần; đảm bảo thông tin liên lạc 24/24, dự báo kịp thời cho người dân chủ động; chủ động di dời dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao. Về lâu dài cần nghiên cứu bố trí tái định cư cho người dân tại các địa bàn an toàn, phải có sự chuẩn bị tốt nhất, không bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Sau buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến đã đi khảo sát tại Cảng cá Thuận An, kiểm tra công trình Kè chắn sóng tại xã Phú Thuận và thăm Khu neo đậu tàu trú tránh bão Phú Hải. 

Trước đó, chủ đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị thi công lắp đặt biển, biển hiệu đảm an toàn giao thông tại khu vực thi công đơn nguyên bên trái cầu vượt đường sắt (thị trấn Phong Điền), trong đó đoạn cuối hơn 3 km (xã Điền Lộc) đang lu lèn nền để thảm nhựa và đổ bê tông theo hình thức cuốn chiếu đã được lên phương án phòng ngừa mưa lũ do ảnh hưởng bão.

Cùng thời điểm, Công ty CP Xây dựng Thành Đạt (đơn vị thi công) đã chủ động đưa phương tiện máy móc đến ở vị trí cao, an toàn để tránh lũ và tổ chức ứng trực 24/24 đảm bảo thông tin phối hợp ứng cứu công trình nếu xảy ra sự cố sạt lở đất đá ở các vị trí đang thi công.

Lãnh đạo chủ đầu tư cho biết, đến trưa 19/9, các đơn vị nhà thầu liên quan tiến hành rà soát các điểm xung yếu, đang thi công có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cùng phương tiện máy móc thi công. 

Công trình đường Phong Điền- Điền Lộc dài hơn 16km, đến nay đã hoàn tất hơn 70% khối lượng, như đoạn tuyến qua khu vực thị trấn Phong Điền và xã Phong Chương; san lấp làm nền đường qua khu vực thuộc xã Điền Lộc, cùng hệ thống cầu, cống trên tuyến… với giá trị hơn 400 tỷ đồng trong tổng vốn xây dựng công trình gần 650 tỷ đồng.

Trong 2 ngày 18-19/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Phú Lộc đã triển khai lực lượng về các xã, thị trấn để rà soát, cùng với lực lượng tại địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 và tình hình mưa lớn. Bên cạnh việc hỗ trợ các trường học, người dân giằng chống lại nhà cửa; các đơn vị cũng triển khai lực lượng lập rào chắn ở các khu vực xung yếu, nguy cơ ngập lụt sâu, cầu yếu.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện rà soát, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh đánh bắt, nuôi thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng gió mạnh, sóng lớn, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét. Đặc biệt là 72 hộ thuộc khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất gồm: 32 hộ tại núi Phú Gia, 9 hộ tại thôn Thổ Sơn thuộc xã Lộc Tiến; 8 hộ tại thôn Trung Phước Tượng và thôn Trung An thuộc xã Lộc Trì; 10 hộ dọc tuyến Quốc lộ 49B đoạn qua xã Lộc Bình; 13 hộ tại thôn Bạch Thạch thuộc xã Lộc Điền.

Đồng thời, chủ động phương án sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu vực thấp trũng, ngập sâu thuộc khu vực ven biển và đầm phá, ven sông suối, vùng hạ du hồ Truồi, hồ Thủy Yên để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Các đơn vị, địa phương cũng đã rà soát, chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân thuộc vùng có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở…

Kịp thời di dời dân các khu vực thấp trũng là chỉ đạo của Bí thư Thị ủy Hương Thủy Lê Ngọc Sơn tại buổi kiểm tra công tác ứng phó với mưa bão các khu vực xung yếu trên địa bàn thị xã ngày 19/9.

Thực địa tại cầu ông Rồng, đập Cam Thu, cầu chữ V và 2 điểm thường xuyên bị ngập sâu khi có mưa to ở thôn 2 và thôn 7 xã Thủy Phù cho thấy, mực nước các khu vực này lên khá nhanh, có một số tuyến đường ngập từ 20-30cm.

Tại Khu Công nghiệp Phú Bài (mở rộng), qua kiểm tra, hệ thống thoát nước ở đây đảm bảo chống ngập tốt, nhất là khu vực sân bay Phú Bài và tuyến QL1A.

Bên cạnh tập trung huy động lực lượng, phương tiện tiến hành nạo vét số lượng rác, cây cối… ùn ứ tại cầu ông Rồng và cầu chữ V nhằm khơi thông dòng chảy, Bí thư Thị ủy Lê Ngọc Sơn đề nghị chính quyền địa phương chủ động triển khai các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên cập nhật tình hình mưa bão để ứng phó kịp thời.

"Cùng với chuẩn bị phương tiện ghe, thuyền, lương thực, thực phẩm, địa phương nhanh chóng rà soát, thống kê số hộ ở các khu vực thấp trũng, nguy cơ bị ngập sau khi mưa lớn kéo dài để có phương án di dời đến nơi an toàn từ sớm”, Bí thư Thị ủy Lê Ngọc Sơn lưu ý.

Tại 2 xã vùng núi là Dương Hòa và Phú Sơn, vào mùa mưa bão, đây là 2 địa phương thường xảy ra một số điểm sạt lở nhẹ và nước ngập chia cắt một số thôn. Khắc phục tình trạng này, chính quyền xã Phú Sơn đã cho khơi thông dòng chảy, gia cố taluy ở một số điểm sạt lở tại thôn 2.

Trong khi đó tại Dương Hòa, công trình cầu Rệ kết nối trung tâm xã với 2 thôn Buồng Tằm và thôn Hạ cơ bản hoàn thành. Cùng với gia cố ta luy, nâng cốt nền đoạn ngầm tràn này, tình trạng 2 thôn Buồng Tằm và thôn Hạ bị chia cắt như ở những mùa mưa bão trước đã được giải quyết.

Hiện, TX. Hương Thủy đã có kế hoạch dự trữ 50.000 kg gạo, 200 thùng mì ăn liền, 500 lít xăng, dầu. Còn ở dự trữ cấp xã, phường, các địa phương dự trữ 70.500 kg gạo, 23.500 lít nước uống, 1.400 lít xăng dầu và hơn 4.000 kg mì ăn liền…

Trong 3 ngày từ 17 - 19/9, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đã huy động toàn bộ lực lượng chủ động tháo dỡ các đèn pha chiếu sáng, gia cố các công trình, đồng thời cắt tỉa cây, thu dọn cành tược trên địa bàn các công viên, điểm xanh; rà soát, cắt mé, hạ độ cao những cây xanh nguy hiểm, có cành nhánh to, mục thân… trên các tuyến đường của thành phố. Đến trưa 19/9, công tác cắt tỉa cây xanh ứng phó với bão số 4 cơ bản hoàn thành. Hiện, trung tâm đã gửi thông báo đến các cơ quan, đơn vị và người dân trong các trường hợp cây gãy đổ thì chủ động liên hệ với trung tâm để trung tâm có biện pháp xử lý kịp thời nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Để ứng phó với cơn bão số 4, UBND TP. Huế đã có công điện yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các phường, xã theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số ngày 17/9/2024. Đồng thời, theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Lãnh đạo các đơn vị, địa phương chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến sự cố công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước, Nhân dân.

Ngày 19/9, lãnh đạo huyện Phong Điền đã đi kiểm tra công tác ứng phó tại các địa phương vùng thấp trũng và các xã ven biển trên địa bàn huyện.

Đoàn kiểm tra đã đến thôn Ma Nê (xã Phong Chương), thôn Tân Bình (xã Phong Bình), khu vực ven biển ở xã Điền Hương, thôn 10 của xã Điền Hòa và một số vùng xung yếu trên địa bàn huyện.

Qua ghi nhận, các địa phương đã có sự chủ động trong công tác ứng phó, như tiến hành cắt tỉa cây xanh; lên phương án để tổ chức di dời các hộ dân ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn; bố trí các lực lượng, cũng như phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có các tình huống xảy ra...

Bên cạnh đó, chủ động lương thực, nhu yếu phẩm như mì tôm, nước uống, thuốc men cho người dân khi triển khai di dời. Chính quyền các địa phương cũng đã thường xuyên cập nhật và thông tin tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời cho bà con nhân dân.

Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo huyện Phong Điền đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình để chủ động ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông nhất là ở những nơi bị ngập lụt và khu vực nước chảy xiết. Tuyên truyền, vận động bà con tuyệt đối không đánh bắt cá trên các sông, đầm phá khi trời đang mưa và nước đang lớn, tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc…

Riêng tại thôn 10, xã Điền Hòa, hiện vẫn đang còn hơn 15 chiếc thuyền đánh cá của ngư dân ở bãi biển. Vì vậy, yêu cầu chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng, cùng với ngư dân năng nhanh chóng đưa tàu thuyền lên bờ và neo đậu an toàn trong chiều ngày 19/9.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày