Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.151.507
Truy cập hiện tại 1.248 khách
Liên kết chuỗi dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ
Ngày cập nhật 09/09/2024

TTH - Xây dựng mô hình liên kết giữa bốn nhà “Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông” trong bốn khâu “Nghiên cứu - Phát triển - Sản xuất - Thị trường” là mắt xích quan trọng để phát triển các ngành nghề, lĩnh vực; trong đó, có ngành công nghiệp dược liệu.

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ

Hiện nay, có khoảng 315,35ha với những loài cây dược liệu quý như: Sa nhân, ba kích, thiên niên kiện, đinh lăng, hà thủ ô, thổ phục linh, sâm cau, tràm gió... đã được trồng tập trung ở các địa phương của Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Hương Thủy, Phú Lộc, Quảng Điền...

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 19 nhiệm vụ KH&CN về dược liệu. Các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, lựa chọn các loài dược liệu tiềm năng để phát triển, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc; trong đó, đã xây dựng, hoàn thiện các quy trình từ nhân giống, sản xuất giống; trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cũng như xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu. Đơn cử như trồng sâm cau ở Quảng Điền; tràm gió ở Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc; bạc hà, cà gai leo, ba kích tím ở Phong Điền...

Nhờ đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất các giống dược liệu thuộc nhóm ưu tiên, đạt năng suất và chất lượng cao nên đã góp phần hình thành nhiều cơ sở sản xuất, phát triển các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Các nhiệm vụ KH&CN còn chú trọng xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng trọt theo hướng an toàn sinh học (GACP, VietGap…). Một số loài dược liệu được hỗ trợ nghiên cứu, như: Tràm gió, ba kích tím, thổ phục linh, nhân trần cát, hà thủ ô, giảo cổ lam, chùm ngây, gừng đen, bình vôi, lan Kim Tuyến, sâm Ngọc Linh, sâm Bố Chính, đinh lăng, đẳng sâm...

Nhiều hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp đã tiếp cận những tiến bộ KH&CN và chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất. Đặc biệt, các hộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã vận dụng chuyển đổi canh tác, sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu cho thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây thuần nông khác và đã thoát nghèo bền vững.

Các nhiệm vụ KH&CN còn tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng như các công nghệ thu tinh dầu, tách chiết sản xuất viên nang, cao chiết… Những thành phẩm đầu tiên đã được thương mại hóa, như: Viên nang xuyên tâm liên, cao xuyên tâm liên, trà gừng đen, trà lan Kim Tuyến túi lọc, trà hòa tan và hoa ngâm mật ong từ sâm Bố Chính, các sản phẩm giải khát, thanh nhiệt từ atiso đỏ. Đây là tín hiệu đáng mừng, bước đầu giúp các địa phương phát huy thế mạnh về tài nguyên dược liệu để liên kết chuỗi giá trị, tăng năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

Liên kết các nhà

Ngành KH&CN xác định rõ, muốn phát triển ngành công nghiệp dược liệu đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa nhiều khâu, nhiều yếu tố; trong đó, trước hết tỉnh cần quy hoạch vùng nguyên liệu đối với từng địa phương. Tiếp đến là đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng trồng, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, cơ chế chính sách hỗ trợ và thị trường đầu ra. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển ngành dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, như hệ thống cơ sở hạ tầng của các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn, tập trung. Sản xuất một số loại dược liệu chính còn nhỏ lẻ, manh mún, bị động. Chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư cơ sở chế biến sâu, nên giá trị sản phẩm còn thấp. Doanh nghiệp mạnh về dược liệu có mặt trên địa bàn gần như chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, nên việc liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm chưa ổn định, thiếu bền vững.

Ngành KH&CN đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu thị trường, tiềm năng nhân rộng các loài dược liệu, để trên cơ sở đó quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, yêu cầu các bên tham gia cần hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất để liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở, doanh nghiệp và 6 HTX đầu tư sản xuất dược liệu, nghiên cứu dự án trồng dược liệu trên địa bàn. Trong đó, có các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả: Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công Thành, Công ty CP Dược liệu Bạch Mã, Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Liên Minh Xanh, Công ty TNHH MTV Sâm Bố Chính Hoàng Gia, Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Hương Cát, Công ty TNHH Sản xuất thương mại La San, Công ty TNHH Bạch Mã Herbals, Công ty Lộc Mai... Ngoài doanh nghiệp, hộ cá thể, HTX còn có các viện, trường đại học cùng tham gia nghiên cứu, chế biến về dược liệu và cho ra nhiều sản phẩm phục vụ thị trường.

Từ những thành phần kinh tế trên, bước đầu đã hình thành và phát triển liên kết theo mô hình doanh nghiệp/HTX hay doanh nghiệp với nhóm hộ cá thể cung ứng nguồn nguyên liệu. Mạnh nhất như ở A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc... đã liên kết theo chuỗi giá trị từ đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua, tiêu thụ sản phẩm, chế biến đến kết nối đầu ra với các cơ sở bán buôn, bán lẻ và người tiêu dùng. Những cái bắt tay đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhà được duy trì sẽ thúc đẩy hành trình phát triển ngành dược liệu trên địa bàn, góp phần gia tăng giá trị chuỗi liên kết, giữ vững an ninh về thuốc và an sinh xã hội.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày