Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.153.884
Truy cập hiện tại 1.908 khách
Chọn Huế làm nơi nuôi dưỡng ước mơ
Ngày cập nhật 03/09/2024

TTH.VN - “Huế là vùng đất học, nơi có truyền thống văn hóa đặc sắc; Huế yên bình và nhẹ nhàng như tính cách của em. Em quyết định chọn Đại học Huế làm nơi học tập, để nuôi dưỡng ước mơ hướng tới tương lai”, tân sinh viên Lương Thị Mai Anh chia sẻ.

Chọn Huế

Từ Lạng Sơn nằm ở vùng Đông Bắc bộ, cách TP. Huế 800km, cô tân sinh viên Lương Thị Mai Anh vừa tròn 18 tuổi quyết định chọn Huế làm nơi học tập trong 4 năm đại học sắp đến. Vừa đặt chân đến Huế, Mai Anh bắt xe đến ngay Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, nơi có ngành Báo chí mà cô đã trúng tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2024.

Lương Thị Mai Anh cho biết, đây là lần đầu tiên em đi xa nhà một mình. Sự háo hức kèm với bao nhiêu lo lắng là cảm xúc đan xen khi bước chân vào Huế. Nhưng khi đến trường, cách mà thầy cô, các anh chị đón tiếp, hỗ trợ làm cho em không còn lo lắng nữa. Thay vào đó là sự an tâm. Biết em từ Lạng Sơn vào, các thầy cô, anh chị khóa trước nhanh chóng hỗ trợ hoàn thiện thủ tục nhập học. Sau đó là hỗ trợ tìm kiếm phòng trọ. Thật may là em đã chọn được một phòng trọ chỉ cách trường khoảng 1km. Nhờ sự kết nối, em ở ghép với một bạn cùng ngành học quê tại Nghệ An, để cùng san sẻ kinh phí chỗ trọ.

“Huế là vùng đất học, nơi có truyền thống văn hóa đặc sắc; Huế yên bình và nhẹ nhàng như tính cách của em. Từ những yếu tố đó, em quyết định chọn Đại học Huế làm nơi học tập, để nuôi dưỡng ước mơ hướng tới tương lai. Chưa có nhiều thời gian để đi thăm thú vùng đất Cố đô xinh đẹp, song cảnh vật, đời sống qua thời gian ngắn trải nghiệm ở nơi đây cho em cảm giác thoải mái, gần gũi, thân quen”, tân sinh viên Lương Thị Mai Anh chia sẻ.

Cũng từ miền Bắc, Hà Thị Hồng Nhung, quê ở Phú Thọ tranh thủ vào Huế sớm để ngày 4/9 sẽ nhập học vào Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế. Tân sinh viên ngành Sư phạm Sinh học cho biết, những ngày vừa qua, em dành gần như hết thời gian để đi khám phá vùng đất mà mình sẽ gắn bó ít nhất là 4 năm tới.

Theo Hà Thị Hồng Nhung, Huế khác hẳn với Phú Thọ. Vùng đất Cố đô cổ kính, yên bình và thật sâu lắng. Di chuyển qua các tuyến đường ở thành nội cảm giác rất thanh bình. Khi vào bên trong Đại Nội thật ấn tượng với hệ thống di sản đồ sộ mà Huế đang sở hữu. Hay buổi tối đi ra cầu gỗ Lim trên sông Hương, dạo mát ở tuyến đường đi bộ ven sông cảm thấy con người như dịu lại.

“Em đến Huế chưa lâu, chưa hiểu hết vùng đất này. Song những trải nghiệm ban đầu đã cho em cảm giác mong muốn gắn bó lâu dài với vùng đất Cố đô”, Hà Thị Hồng Nhung nói.

Chắp cánh những ước mơ

Đại học không phải là con đường duy nhất để hướng đến tương lai, song là con đường thuận lợi và ít chông chênh hơn so với những con đường khác. Với nhiều em, đường đến giấc mơ đại học thật khó khăn, nếu không có những “đôi cánh thiên thần” chắp cánh kịp thời.

Em Nguyễn Thị Hồng Ánh mồ côi cha từ nhỏ, mẹ mắc bệnh thần kinh nên phải thường xuyên điều trị dài ngày. Khi Ánh lên 12 tuổi và em gái chưa đầy 1 tuổi, hai chị em đã được tiếp nhận vào Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Ánh đạt 28,25 điểm khối C00 (Ngữ văn 9 điểm, Lịch sử 9,5 điểm và Địa lý 9,75 điểm). Ánh đã đậu vào Khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế.

Giấc mơ bước tới giảng đường đại học của Nguyễn Thị Hồng Ánh gặp muôn vàn khó khăn, nhất là chi phí ăn học. Thật may mắn, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế đã kịp thời trao học bổng “Tiếp sức đến trường” trị giá 50 triệu đồng trong 4 năm học để Nguyễn Thị Hồng Ánh tiếp tục thực hiện giấc mơ. Học bổng do nhà trường kêu gọi sự chung tay của giảng viên, các mạnh thường quân, các nhà tài trợ, cựu học viên, sinh viên. Ngoài ra, Trung tâm Phục vụ sinh viên Đại học Huế cũng quyết định tài trợ 4 năm ở miễn phí tại Ký túc xá của Đại học Huế cho Ánh.

Một trường hợp đặc biệt khác là tân sinh viên Trần Thị Quyên. Em sinh ra và lớn lên tại Nghệ An. Mẹ Quyên bị bệnh thần kinh. Hai mẹ con sống với bà ngoại năm nay gần 70 tuổi sức già yếu và bị bệnh thường xuyên. Thế là bao nhiêu gánh nặng đè lên đôi vai bé nhỏ của em. Mặc dù cuộc sống đầy thử thách với vô vàn khó khăn liên tiếp, niềm tin mãnh liệt vào giảng đường đại học đã trở thành nguồn động lực giúp Quyên vừa mưu sinh hỗ trợ gia đình, vừa không ngừng nỗ lực học tập. Thành quả của những ngày tháng vất vả ấy đã được đền đáp xứng đáng khi Quyên chính thức trở thành tân sinh viên Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế.

Trước những khó khăn của Quyên, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế quyết định miễn học phí năm đầu tiên cho em. Các năm tiếp theo, học lực của Quyên đạt từ loại khá trở lên, nhà trường sẽ tiếp tục miễn học phí. Ngoài ra, Trường đại học Kinh tế đã kết nối các mạnh thường quân, cơ quan, doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ ban đầu cho em chỗ ở miễn phí trong 4 năm đại học, tặng xe đạp, máy tính xách tay, một công việc làm thêm tốt tại căng tin nhà trường…

Không giấu vẻ xúc động, Trần Thị Quyên đặt quyết tâm, trong thời gian theo học tại Trường đại học Kinh tế, em sẽ sắp xếp việc học để có thể làm thêm, trang trải cuộc sống hàng ngày cho bản thân. Em sẽ cố gắng học thật tốt để được nhận học bổng miễn học phí và có được bằng tốt nghiệp loại giỏi. Khi ra trường có một công việc ổn định, chăm lo được cho mẹ và bà.

PGS.TS. Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế tâm sự, Trần Thị Quyên đã viết nên câu chuyện cảm động về sự kiên cường và quyết tâm vượt qua nghịch cảnh để chạm đến ước mơ. Câu chuyện của em là minh chứng sống động cho sức mạnh của niềm tin và ý chí, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tất cả về khả năng vươn lên từ khó khăn. Về phía nhà trường, sẽ luôn đồng hành, sát bên để nâng cánh ước mơ cho Quyên. Ngoài ra, trường cũng sẽ cố gắng để có thể hỗ trợ các trường hợp khó khăn khác; qua đó, có thêm những ước mơ đẹp trở thành hiện thực.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày