Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.035.999
Truy cập hiện tại 932 khách
Tính sinh động và sáng tạo của mô hình chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay
Ngày cập nhật 08/02/2021

TCCS - Từ lý luận đến thực tiễn là một bước chuyển về chất của chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực có bước chuyển từng diễn ra trên thực tiễn, đó là quá trình chuyển biến từ mô hình Liên Xô đến mô hình chủ nghĩa xã hội cải cách, đổi mới. Sự chuyển đổi về chất ở đây là từ mô hình còn nhiều dấu vết của giáo điều, rập khuôn sang mô hình chủ nghĩa xã hội với tính sinh động và sáng tạo.

 

Thành tựu thực tiễn là thước đo của nhận thức lý luận, chủ nghĩa xã hội mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân (Trong ảnh: Nhân dân chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc) _Ảnh: Tư liệu

Có hai tác động thường xuyên đến tư duy và hành động xây dựng chủ nghĩa xã hội và quy định hiệu quả của chúng: Một là, các quy luật, nguyên lý mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã vạch ra, có tác động định hướng để từ đó xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học; hai là, “mảnh đất hiện thực” của mỗi quốc gia, có tác động quy định để từ đó, như lời V.I.Lê-nin, xây dựng “chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo”(1). Xét cho cùng, đó là hai mặt của một vấn đề: Hài hòa giữa lý luận và thực tiễn. 

Thành tựu về thực tiễn và lý luận của thời kỳ cải cách, đổi mới chỉ thực sự đạt được khi nào cả hai tác động trên hài hòa với nhau và đặc biệt là, hiểu rõ và làm đúng vấn đề có tính quy luật mà V.I.Lê-nin đã từng tổng kết: chủ nghĩa xã hội là sinh động, sáng tạo. 

Những bất cập, khủng hoảng rồi đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực giai đoạn 1917 - 1991 cũng xác nhận mối quan hệ trên. Các biểu hiện giáo điều, dập khuôn trong tư duy và hành động của nhiều nước xã hội chủ nghĩa phải chăng là, chiều này thì phản ánh việc chưa chuyển hóa được lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học; còn chiều kia, là chưa nhìn nhận được xây dựng chủ nghĩa xã hội như một quá trình rất sinh động và giàu sức sáng tạo? 

Xa hơn, lịch sử phát triển của tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng xác nhận điều đó. Chủ nghĩa xã hội trước C. Mác sở dĩ không tưởng, vì không tìm ra được quy luật, nguyên lý vận động của xã hội loài người, cụ thể là của giai đoạn từ chủ nghĩa tư bản đi lên chủ nghĩa xã hội. Nó “ưu tiên cho mộng tưởng chủ quan” của các nhà nhân đạo, để “sáng tạo” ra một xã hội công bằng, dân chủ, bình đẳng, tự do. Nó đưa ra các biện pháp không tưởng và cho rằng nhân loại nên làm theo. Ở đây, sức sáng tạo của các nhà không tưởng đã thay thế cho tư duy duy lý, khoa học; ước vọng chủ quan đã thay thế cho quy luật của sự vận động xã hội và cũng vì thế mà thất bại trên thực tế. 

Xây dựng chủ nghĩa xã hội tư duy của chủ thể thường bắt đầu từ một số vấn đề cơ bản sau đây: Vì sao có chủ nghĩa xã hội và phải cần đến nó? Quan niệm thế nào về mô hình chủ nghĩa xã hội sẽ xây dựng? Và, xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường nào? Điểm chung nhất trong việc giải quyết những vấn đề ấy vẫn là kết hợp hài hòa giữa nguyên lý, quy luật, phương pháp luận của chủ nghĩa xã hội khoa học với sự sáng tạo để xây dựng chủ nghĩa xã hội sinh động trên mảnh đất hiện thực của từng quốc gia. Cải cách, đổi mới đã giải quyết những vấn đề cơ bản ấy như thế nào? Trả lời được những vấn đề đó sẽ thấy những thành tựu mà cải cách, đổi mới đạt được nhờ giải quyết hài hòa giữa lý luận và thực tiễn để có chủ nghĩa xã hội đầy tính sinh động và giàu sức sáng tạo, bao gồm:

Vấn đề thứ nhất: Nhận thức về tính tất yếu kinh tế của chủ nghĩa xã hội trong cải cách, đổi mới 

C.Mác đã chỉ ra tính tất yếu kinh tế của chủ nghĩa xã hội trước tiên từ tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất trong chủ nghĩa tư bản phát triển. Theo quy luật cơ bản của các hình thái kinh tế - xã hội là quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu phải tìm tới hình thức “xã hội hóa” tức là xác lập chế độ công hữu, thông qua một cuộc cách mạng kinh tế. Từ đó, cùng với quá trình giai cấp công nhân nắm lấy quyền lực nhà nước, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, sự thay đổi của xã hội diễn ra từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng, xã hội xã hội chủ nghĩa dần được xây dựng. Tư tưởng căn bản của C.Mác - Ph.Ăng-ghen về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội được xây dựng theo quan niệm duy vật về lịch sử và các ông coi đó “là một quá trình lịch sử - tự nhiên”. 

Sản xuất sản phẩm gốm, sứ ở Liên Xô những năm 1985 _Ảnh: Sputnik

Thực tế của 100 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực vừa qua cho thấy, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa đều có điểm xuất phát về kinh tế là tiền tư bản chủ nghĩa hoặc chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa (có lẽ chỉ loại trừ một trường hợp là Cộng hòa Dân chủ Đức (1949 - 1989) được thừa hưởng cơ sở kinh tế của chủ nghĩa tư bản phát triển khá cao của Đức quốc xã, nhưng cơ sở vật chất hầu như đã bị chiến tranh tàn phá hết). Tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa rõ nét hơn về mặt xã hội chứ không phải từ mặt kinh tế. Trường hợp Việt Nam, việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và những nhận thức về tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam đều có điểm nhấn: chủ nghĩa xã hội là con đường giải phóng dân tộc và phát triển đất nước; Trung Quốc, Lào cũng tương tự... Tất yếu về mặt kinh tế của phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa ở giai đoạn đầu có lẽ chỉ nên nhìn nhận như một nhu cầu phát triển nhanh và bền vững chứ chưa phải là để giải quyết xung đột về trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất và tính chất tư nhân tư bản chủ nghĩa của quan hệ sản xuất. 

Nhưng nhận thức ấu trĩ một thời đã coi việc bỏ qua “giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”, tránh “con đường tư bản chủ nghĩa”, chống hiện tượng “tự phát đi lên chủ nghĩa tư bản”... Và vì thế mà “chúng ta đã quốc hữu hóa, đã tịch thu, đã đánh đổ, đã đập tan nhiều hơn là đã kịp tính toán”(2) để xây dựng xã hội mới. Theo đó, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản chủ nghĩa một thời đã không được nhìn nhận như những hình thức sản xuất tự nhiên của một nền sản xuất vốn còn phổ biến trình độ sản xuất nhỏ. Nhận thức cũ ấy đã không nhận thấy rằng, kinh tế tư nhân đang tiềm tàng một nguồn lực lớn của sản xuất xã hội và có thể góp phần cho chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ. 

Chỉ với tư duy cải cách, đổi mới, với quan niệm rằng “chủ nghĩa xã hội là phát triển sản xuất”; rằng tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội là ai cũng được làm ăn, “tự do mưu cầu hạnh phúc”, nhân dân được làm ăn và làm giàu; rằng chủ nghĩa xã hội cải cách, đổi mới với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới là phương thức hợp lý nhất để “Dân giàu, nước mạnh” trong xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Từ đó tất yếu kinh tế đi lên chủ nghĩa xã hội mới được tường minh hơn; rằng tạo ra điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, xã hội hóa lực lượng sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu chứ không phải xóa bỏ quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa, hay e ngại “tư hữu hằng ngày, hằng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”... 

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, trong đó việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (Trong ảnh: Xưởng lắp ráp máy thu hình National (Thành phố Hồ Chí Minh) hoạt động phục vụ nhu cầu của nhân dân) _Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Như vậy, cũng là tất yếu kinh tế nhưng ở những trình độ phát triển khác nhau thể hiện ra thật là sinh động. Với các nước đang phát triển, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu để phát triển sản xuất nhanh và bền vững. Đó là thành quả của tư duy đổi mới và cũng rất phù hợp với xu thế của phát triển hiện đại.

Vấn đề thứ hai: Quan niệm mới về chủ nghĩa xã hội

Quan niệm về chủ nghĩa xã hội hay mô hình của xã hội xã hội chủ nghĩa cũng được C.Mác - Ph.Ăng-ghen phác thảo, dự báo trên những nét cơ bản. Điểm đáng lưu ý là mô hình kinh điển đó, như mọi người hiện nay đều hiểu, là mô hình của chủ nghĩa xã hội phát triển. Còn mô hình của chủ nghĩa xã hội thời kỳ quá độ như thế nào, lại tùy thuộc vào sự quy định của “mảnh đất hiện thực” của mỗi quốc gia. V.I.Lê-nin là người có công lớn trong việc chỉ ra những khác biệt của mô hình chủ nghĩa xã hội trong từng giai đoạn, thời kỳ phát triển của hình thái kinh tế cộng sản chủ nghĩa. Đặc biệt là mô hình chủ nghĩa xã hội thời kỳ quá độ mà NEP là những chỉ dẫn kinh điển. 

Quan niệm cũ về mô hình chủ nghĩa xã hội khá kinh viện, giáo điều và rập khuôn mô hình Liên Xô, nên có nhiều điểm không phù hợp với nhiều quốc gia. Quan niệm đó đã bị cải cách, đổi mới từ bỏ(3). Thay vào đó là mô hình sinh động và sáng tạo của các nước đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ mô hình mang tính đơn nhất là chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô - được áp dụng khá phổ biến và ít biến thể vào nhiều quốc gia, thông qua cải cách, đổi mới, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, song vẫn mang tính chất xã hội chủ nghĩa như mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc gắn với cách mạng, mở cửa; mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, gắn với đổi mới, hội nhập; mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Cuba; mô hình chủ nghĩa xã hội ở Lào… 

Theo đó, lý luận về chủ nghĩa xã hội cũng ngày một đầy đủ và phù hợp thực tế hơn. Sự xuất hiện các mô hình chủ nghĩa xã hội và những biện pháp mới thời kỳ cải cách, đổi mới vừa khẳng định sức sống của chủ nghĩa xã hội, vừa là thành tựu lý luận quan trọng bậc nhất của chủ nghĩa xã hội hiện thực hiện nay. 

Về đại thể, có thể chỉ ra những điểm tương đồng của các mô hình chủ nghĩa xã hội sau đây: 

Một là, các nước kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa đều tiến hành cải cách, đổi mới từ sự khủng hoảng của một mô hình đã không còn phù hợp (mô hình Liên Xô) để sáng tạo ra những mô hình mới. Điểm nổi bật là nhận thức về mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước đều bám sát hơn vào thực tiễn và việc vận dụng lý luận cũng ngày càng nhuần nhuyễn hơn. Hướng và nội dung điều chỉnh là từ đặc điểm của quốc gia và xây dựng mô hình phản ánh những nguyên lý chung của chủ nghĩa xã hội khoa học và mang những đặc thù của dân tộc và thời đại. Độc lập, tự do, công bằng, dân chủ và phát triển là những giá trị lớn được phản ánh trong các mô hình này.

Hai là, quá trình cải cách, đổi mới của các nước đều bắt đầu từ sự điều chỉnh quan niệm về chủ nghĩa xã hội. Tất cả các nước đều điều chỉnh mô hình của mình theo nội hàm: chủ nghĩa xã hội trước hết là phát triển sản xuất. Mệnh lệnh thực tiễn ấy xuất phát từ quy luật kinh tế cơ bản của các hình thái kinh tế xã hội mà Mác đã vạch ra; hơn nữa “làm tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất lên”(4) không chỉ là nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân khi nắm chính quyền mà còn là cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở những nước đang phát triển. Phải phát triển sản xuất mạnh mẽ để từ đó đạt được công bằng, bình đẳng thực chất chứ không phải bình quân trong thiếu thốn. Đó là một nhận thức đúng.

Ba là, hầu hết các nước(5) đều coi lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là nền tảng lý luận cho quá trình đổi mới quan niệm về mô hình chủ nghĩa xã hội. Nhìn chung, những tiêu chí cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học đã được nhiều nước khẳng định: Đảng Cộng sản cầm quyền, nhất nguyên chính trị; công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu, thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ thể - chủ đạo; phân phối theo lao động là nguyên tắc chủ yếu kết hợp với phân phối theo kết quả sản xuất, kinh doanh, vốn góp và phúc lợi xã hội… Hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, hệ giá trị xã hội chủ nghĩa được thừa nhận là hệ giá trị chủ đạo của xã hội, công tác giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong xã hội được đẩy mạnh… 

Bốn là, các mô hình đều mang dấu ấn từ “mảnh đất hiện thực” và chấp nhận sự khác biệt trong quan niệm về chủ nghĩa xã hội. Có sự khác biệt trong các mô hình chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới, nhưng đó là sự phản ánh tính chất sinh động, sáng tạo trong việc vận dụng lý luận vào mỗi “mảnh đất hiện thực” của từng quốc gia. Tên gọi của mô hình mới cũng phản ánh một phần vấn đề này, chẳng hạn: chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chủ nghĩa xã hội ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, “cập nhật hóa mô hình kinh tế xã hội” ở Cuba… Ở đây có một điểm chung là đều chấp nhận sự khác biệt trong quan niệm về mô hình theo tinh thần “cầu đồng, tồn dị” (hướng tới cái tương đồng, chấp nhận những khác biệt). Tinh thần dân chủ, bình đẳng giữa các đảng, quan điểm không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau có thể là nguyên nhân của thái độ này. 

Năm là, đa số mô hình mới qua thể nghiệm đã được thực tiễn xác nhận đạt được thành công nhất định. Mô hình mới của chủ nghĩa xã hội trải qua đã vài thập niên (Trung Quốc hơn 40 năm; Việt Nam, Lào hơn 30 năm) và đã giúp chủ nghĩa xã hội hiện thực vượt qua tình trạng trì trệ, khủng hoảng về kinh tế - xã hội, giữ vững chế độ chính trị, phát triển mạnh mẽ và hội nhập tích cực, chủ động với thế giới. Thực tiễn đó xác nhận tính đúng đắn và khả năng cải cách, đổi mới nhận thức về mô hình chủ nghĩa xã hội của các nước. 

Tuy vậy, các mô hình này đều phải đối diện với một số vấn đề khá giống nhau trong quá trình cải cách, đổi mới, chẳng hạn: Lúng túng trong chuyển đổi cơ chế đảng lãnh đạo nhà nước, chậm thể chế hóa đường lối thành pháp luật, đổi mới chính trị có dấu hiệu chậm hơn so với yêu cầu của đổi mới kinh tế; năng lực khống chế những mặt trái của kinh tế thị trường, tăng trưởng kinh tế chưa thật sự đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững... Nhiều vấn đề cũng theo đó chưa được tường minh và cần nhiều hơn nữa những đổi mới về lý luận. 

Vấn đề thứ ba: Đổi mới biện pháp, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội

Con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (hoặc con đường lên chủ nghĩa xã hội) là khái niệm để chỉ các biện pháp, công cụ, lực lượng… sẽ được vận dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nó trả lời câu hỏi: Xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào? 

Nhận thức về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng là một quá trình dần hoàn thiện về lý luận. C.Mác - Ph.Ăng-ghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản từng đề cập tới 10 biện pháp để xây dựng xã hội mới và cũng lưu ý rằng “với những quốc gia khác nhau, biện pháp cũng rất khác nhau”. Vấn đề biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội là một trong những vấn đề được C.Mác - Ph.Ăng-ghen và sau này là V.I.Lê nin điều chỉnh nhiều lần nhất; và chính các ông cũng là những người khuyến khích mạnh mẽ nhất tinh thần sáng tạo của hậu thế đối với vấn đề này. 

Thông qua thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, nhiều biện pháp một thời kỳ đã được thừa nhận là hợp lý và sau đó, đặc biệt là giai đoạn sau 1945, các biện pháp của Liên Xô đã được vận dụng khá phổ biến ở nhiều nước khác nhau, có nhiều thành công, nhưng cũng không ít bất cập, hạn chế đã xuất hiện trên thực tế. Sự không phù hợp của những biện pháp được du nhập kết hợp với những nhược điểm của thể chế quan liêu, chủ nghĩa giáo điều, bệnh duy ý chí… đã khiến cho kinh tế và xã hội ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trì trệ và tích tụ các dấu hiệu của khủng hoảng. Sự biến chính trị ở Đông Âu và Liên Xô cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX cũng một phần bắt nguồn từ nguyên nhân là cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa phù hợp.

Từ quá trình cải cách, đổi mới, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã tiến hành đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đây, trải qua nhiều thử nghiệm và trả giá, quan niệm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nhiều quốc gia đã ngày càng rõ hơn trên những nét cơ bản. Đây là một trong những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Cải cách và đổi mới đã mở ra những quan niệm mới về các công cụ, biện pháp, phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng những tiêu chí thực tiễn để đánh giá tư duy mới. Chẳng hạn, nhiều thành tựu văn minh của nhân loại đã được nhìn nhận và vận dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, như kinh tế thị trường, động lực lợi ích, nhà nước pháp quyền, các quy luật công nghiệp hóa… Hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đều thừa nhận vai trò của kinh tế thị trường trong việc phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội và góp phần nâng cao đời sống nhân dân; thị trường không chỉ là cơ chế vận hành mà còn là thuộc tính nội tại của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cả trong chủ nghĩa xã hội. Theo đó, có quốc gia gọi đó là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, có quốc gia gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đều thừa nhận vai trò của kinh tế thị trường trong việc phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội và góp phần nâng cao đời sống nhân dân (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất các sản phẩm điện tử của Công ty TNHH Young Poong Electronics VINA tại Khu công nghiệp Bình Xuyên II (tỉnh Vĩnh Phúc)) _Ảnh: TTXVN)

Tóm lại, trong thời kỳ cải cách, đổi mới, dù mới chỉ qua khoảng gần nửa thế kỷ nhưng chúng ta đã thấy một chủ nghĩa xã hội mới với diện mạo và sức sống đầy sinh động, sáng tạo. Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học đã được làm mới, cập nhật và phát triển thêm rất nhiều theo hướng ngày càng gần gũi với “mảnh đất hiện thực” của từng nước và xu thế thời đại. Thành tựu thực tiễn là thước đo của nhận thức lý luận, chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là thành tựu lớn nhất của cải cách, đổi mới. Tương lai không thuộc về chủ nghĩa tư bản, mà sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan./.

------------------------

(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t. 35, tr. 64
(2) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 36, tr. 360
(3) Xem PGS,TS. Nguyễn An Ninh: "Mô hình Liên Xô và chủ nghĩa xã hội hiện thực một thế kỷ qua", Tạp chí Lý luận chính trị, 11-2017  
(4) C.Mác - Ph.Ăng-ghen: Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 4,  tr. 627 
(5) Triều Tiên lấy tư tưởng Chủ thể làm cơ sở tư tưởng và phương pháp luận để xây dựng chủ nghĩa xã hội

PGS, TS. NGUYỄN AN NINH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày