Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.036.217
Truy cập hiện tại 976 khách
Bài phát biểu xúc động của Thủ tướng trong ngày khai giảng
Ngày cập nhật 05/09/2016

“Người khuyết tật không chỉ đơn thuần là đối tượng chính sách mà còn là nguồn lực phát triển đất nước khi chúng ta bước vào kỷ nguyên trí tuệ. Tôi đã rất xúc động khi đọc được câu chuyện của cô Nguyễn Thúy Ngà, thầy Phạm Đình Thắng, dù khiếm thị nhưng vẫn tận tình dạy dỗ học trò. Thầy chính là một Lục Vân Tiên thời nay”...

Trên đây là trích đoạn trong bài phát biểu ngắn gọn, xúc động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày khải giảng năm học mới vào sáng 5/9 tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Hòa chung trong không khí rộn ràng của ngày khai giảng, sáng 5/9, tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, lễ khai giảng đặc biệt được diễn ra với sự tham dự của Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Sau lễ chào cờ và đọc thư của Chủ tịch nước, Hiệu trưởng Phạm Thị Kim Nga nhắn gửi học sinh “trong giây phút này hãy nhìn sang người bạn bên cạnh để thấy có nhiều bạn không được may mắn nhìn thấy màu sắc thân thương của sân trường. Cô mong rằng học sinh cùng nhau học tập, chia sẻ bằng sự chân thành nhất”.

Trong bài phát biểu ngắn gọn không quá 15 phút, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khai giảng là sự kiện quan trọng được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mọi gia đình đặc biệt quan tâm. Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu thành lập 34 năm là câu chuyện thành công về quan điểm “tất cả người dân, bình thường hay khiếm thị, nói rộng hơn là người khuyết tật đều được quyền tiếp cận với giáo dục một cách bình đẳng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (ảnh : Mạnh Thắng)

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương trường đã hoàn thành sứ mệnh của mình, bằng trách nhiệm, tình yêu thương sâu sắc vào tiềm năng con người, nhà trường đã xây dựng một môi trường giáo dục hòa đồng, sâu sắc, nhân văn, để các học sinh học tập, vui chơi, kết bạn cùng nhau.

Môi trường ấy có ý nghĩa, đáng được trân trọng. Ý nghĩa hơn vì Việt Nam có hơn 2 triệu người khiếm thị. Người khuyết tật không chỉ đơn thuần là đối tượng chính sách mà còn là nguồn lực phát triển đất nước khi chúng ta bước vào kỷ nguyên trí tuệ.

“Các cháu thân thương, người thường học thành tài đã khó, người khuyết tật càng khó hơn. Vì thế, đừng chịu đầu hàng số phận, hãy luôn ý thức rằng bên cạnh mình có những thầy cô đồng hành, bạn bè sẻ chia, ngôi trường này chính là ngôi nhà thứ hai của các em, là chỗ dựa cho các em khiếm thị trong cuộc sống này. Để vượt qua hoàn cảnh, đừng tự ti, mặc cảm, tôi mong muốn các học sinh luôn đùm bọc, yêu thương nhau”.

(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

Thủ tướng nhắc đến sự xúc động khi đọc được trên báo câu chuyện cô Nguyễn Thúy Ngà, thầy Phạm Đình Thắng khiếm thị nhưng vẫn tận tình dạy dỗ học trò. “Thầy Thắng chính là một Lục Vân Tiên thời nay. Làm thầy cô giáo đã khó, làm thầy cô giáo của học trò khiếm thị lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi sự hy sinh, tình yêu thương các em.

Hôm qua, tôi đã nghe bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói đội ngũ giáo viên là nhân tố đột phá của chấn hưng giáo dục Việt Nam. Tôi hoàn toàn nhất trí điều này. Đối với phụ huynh học sinh, dù có mặt hay không có mặt ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng việc kết hợp giữa nhà trường và gia đình tạo sự thành công trong giáo dục. Chúng ta tạo mọi điều kiện cho các em trưởng thành, làm người có ích, lòng yêu thương, sự chia sẻ làm nên nhân cách, phẩm giá của con người. Vì vậy, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để việc chăm lo cho học sinh được tốt nhất”, Thủ tướng nói.

Được biết, Trường PHCS Nguyễn Đình Chiểu hiện có 1.700 học sinh, trong đó 200 em khiếm thị. Năm học mới này, trường đón thêm 19 học sinh khiếm thị.

Cô trò Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu trong ngày khai giảng (ảnh: Mạnh Thắng)

Qua 34 năm xây dựng, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã có nhiều thành tích. Khối tiểu học, 84,5% học sinh hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khối THCS, với 99,2% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, 89,1% học sinh đạt học lực khá và giỏ. Nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quận các môn Lịch Sử , Ngoại ngữ và tích hợp liên môn.

Đặc biệt, năm học vừa qua, nhiều học sinh khiếm thị đã phấn đấu để đạt nhiều thành tích. Trường có một học sinh được tuyên dương học sinh khuyết tật trên toàn quốc, một học sinh được cử thanh dự cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 11 và một học sinh đoạt giải cuộc thi viết thư UPU.

Đội thể thao của nhà trường tham gia Hội thi thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc đã xuất sắc dành giải nhất toàn đoàn với 4 HCV, 6 HCB và 8 HCĐ. Đội văn nghệ của học sinh khiếm thị tiếp tục dành giải xuất sắc tiêu biểu toàn đoàn tại Liên hoan nghệ thuật dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của toàn TP Hà Hà Nội.

Đội ngũ cán bộ của nhà trường cũng đạt nhiều danh hiệu giáo viên giỏi, Chiến sĩ thi đua, Lao động tiên tiến... Với những thành tích đáng tự hào, năm học 2015- 2016, nhà trường tiếp tục được đề nghị khen thưởng tập thể Lao động xuất sắc cấp Thành phố.

Trong phần kết thúc bài phát biểu để chuẩn bị tham gia trồng cây ở ngôi trường đặc biệt này, Thủ tướng cho rằng: “Dù đất nước còn nhiều khó khăn, song Đảng, Nhà nước sẽ ngày càng quan tâm, cũng tin tưởng các em sau này tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Rồi từ mái trường này, sẽ có thêm nhiều người nghị lực trưởng thành như: Đào Thu Hương, thủ khoa khiếm thị của Đại học Sư phạm; Khúc Hải Vân, hiệp sĩ mù Công nghệ thông tin đã trưởng thành".

Mỹ Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày