Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.086.114
Truy cập hiện tại 145 khách
Làn sóng công chức xin nghỉ việc
Ngày cập nhật 07/08/2008

TP - Gần 6.500 cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM xin nghỉ việc từ giữa năm 2003 đến nay và đang có nguy cơ thành “phong trào” tại TP lớn nhất nước này quả là chuyện đáng bàn.

Nghỉ việc vì lương thấp? 

Từ cuối năm 2007 đến nay, tại phường Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP HCM) lần lượt Bí thư, 2 phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, 2 Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội LHPN phường đã xin nghỉ việc.

Trong đó, Bí thư Đảng ủy (là quận ủy viên Q.1) sau khi xin thôi việc đã đồng ý nhận chức Chủ tịch HĐND nhưng chỉ được vài ngày lại từ chối. Hiện nay, phường này vẫn còn thiếu vị trí Chủ tịch HĐND, 1 Phó bí thư Đảng ủy, 1 Phó chủ tịch Hội LHPN và 1 Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ.

Khi nguyên Phó GĐ Sở KH-ĐT Lương Văn Lý xin nghỉ ra lập công ty riêng, không ít ý kiến cho rằng đó là “cú sốc” nhưng tính đến tháng 6/2008 thì TPHCM đã có thêm Phó GĐ Sở Thương mại Lê Văn Công và Phó GĐ Sở Du lịch Lê Nhựt Tân xin thôi việc ra làm riêng.

UBMTTQ VN TPHCM đang làm văn bản khuyến nghị với UBND TPHCM về “làn sóng rũ áo từ quan” và đề nghị TP xem lại không chỉ lương bổng mà cả chế độ đãi ngộ, cơ chế, môi trường làm việc…

Tuy nhiên từ gần 1 năm nay, UBND TPHCM đã nhận ra vấn đề này nhưng biện pháp nào khả thi nhất nhưng vẫn chưa tìm ra.

Nói như Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thì TP biết nhưng không thể can thiệp được vì cơ chế ràng buộc quá chặt.

UBND TP cũng đã kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cải cách tiền lương, mở rộng khoảng cách mức lương tối đa và tối thiểu, đổi mới phương pháp đánh giá, sử dụng CBCC-VC theo hướng phân phối theo lao động, có cơ chế phát huy nhân tài… để giữ chân CBCC-VC.

Vừa qua, UBND TPHCM đã phải báo cáo Bộ Nội vụ về tình trạng cán bộ, công chức bỏ việc “rộng khắp” tại địa phương này với con số lên gần 6.500 người.

Trong đó, số cán bộ bỏ việc ở khối quản lý nhà nước kể cả CBCC xã - phường là 698 người; khối sự nghiệp giáo dục: 3.034 người; khối sự nghiệp y tế: 849 người và sự nghiệp khác là 1.841 người.

Đông nhất phải kể đến Y tế là 576, Sở GD&ĐT 288, Sở GT&CC (nay là Sở GT&VT) 247 người...

Thành phần nghỉ việc có đủ, từ lãnh đạo Sở cho đến trưởng phó phòng ban, GĐ các đơn vị trực thuộc, chuyên viên lâu năm…

Có nơi như Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Sở Thương mại… có trên 20 kỹ sư, trưởng các bộ phận chuyên môn xin ra ngoài làm!

Trong văn bản gửi Bộ Nội vụ thì UBND TPHCM nhận định nguyên nhân chính khiến quá nhiều CB-CC,VC nghỉ việc là do chính sách, chế độ, lương bổng chưa hợp lý.  Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Thành Tài cho rằng: “Chế độ chính sách đối với CBCC công tác ở xã - phường vẫn còn nhiều bất hợp lý và chưa tương xứng với trách nhiệm công việc được giao.

Cán bộ chuyên trách (CBCT) và cán bộ không chuyên trách (CBKCT) xã - phường không được hưởng lương theo thang lương công chức Nhà nước; CBCT (là cán bộ lãnh đạo) nhưng lương thấp hơn lương công chức chuyên môn và cũng không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo…”.

Không chỉ cán bộ xã phường mà cán bộ lãnh đạo các sở, ngành nếu chỉ nhìn vào lương (kể cả thu nhập ngoài lương) với đại đa số không quá 5 triệu đồng/tháng thì quả là quá thấp so với thời giá hiện nay.

Một Phó GĐ Sở nhận tất cả các khoản không quá 5 triệu đồng/tháng nhưng sau khi nghỉ việc ông đi làm tại một quỹ đầu tư lương không dưới 4.000 USD/tháng đã khiến không ít người ở lại chạnh lòng.

Chủ tịch UBND một phường lớn tại Q.1, TPHCM cho biết tổng thu nhập của anh không quá 2,5 triệu đồng/tháng trong khi bạn cùng lớp ĐH giờ chẳng còn ai lương dưới 500 USD/tháng.

Nguyên Phó GĐ Sở KH&ĐT Lương Văn Lý khẳng định: “Lương Phó GĐ Sở không đủ để tôi lo cho gia đình”. Tuy nhiên, lương có phải là lý do chính khiến họ không còn hứng thú với “quốc doanh”, nhất là hàng ngũ  lãnh đạo sở, ngành?

… Hay môi trường làm việc?

Trong đơn xin nghỉ việc của mình, nguyên Phó GĐ Sở Du lịch Lê Nhựt Tân cho hay ông thấy môi trường làm việc không phù hợp. Trao đổi với Tiền phong, những người xin từ chức ra làm riêng đều khẳng định lương thấp chỉ là một trong những nguyên nhân và đối với nhiều người đó chưa phải là lý do quan trọng nhất.

Anh N.Đ.C, nguyên Trưởng phòng một sở nói: “Không chỉ Sở tôi mà nhiều cơ quan khác người đông nhưng số làm việc thực sự, hết mình vì công việc rất hiếm. Ai đòi hỏi công việc vào nề nếp, quy củ, đấu tranh với tiêu cực, nhũng nhiễu bị xem là “chơi trội” và nhiều khả năng phải ngồi chơi xơi nước…”.

Đây cũng là lý giải cho tình trạng tại sao nhiều năm qua TPHCM cải cách hành chính nhưng ở nhiều ngành, quận, huyện dân, doanh nghiệp vẫn kêu ca phàn nàn.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM cũng đặt nghi vấn: “Kinh tế không phải là nguyên nhân chính mà có thể do công tác tổ chức cán bộ, việc đánh giá, nhận xét, đối xử có vấn đề”.

Chính Chủ tịch phường Nguyễn Cư Trinh Lưu Trung Hòa cũng thừa nhận: “Cấp trên quan tâm đến vấn đề nào là phải chạy theo vấn đề đó nên bị động, chán chường”.

Quan trọng hơn, tâm lý phải là “người Nhà nước” đang phai dần và nhiều cán bộ trẻ cho rằng làm việc Nhà nước hay dân doanh nếu tốt đều đem lại lợi ích cho đất nước như GĐ Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ nhận xét: “Anh em có rời cơ quan hành chính ra ngoài làm thì cũng làm giàu cho thành phố, cho kinh tế Việt Nam”.

Hà Phan- Báo Tiền phong

Các tin khác
Xem tin theo ngày