Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.031.257
Truy cập hiện tại 2.974 khách
Chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới
Ngày cập nhật 30/09/2021

TTH - Phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương ngày 8/9 vừa qua đã thống nhất bổ sung tên gọi, chức năng và nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban chỉ đạo. Đây là yêu cầu cần thiết giúp cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới hiệu quả hơn.

 

Trong một vài nhiệm kỳ gần đây, công tác chống tham nhũng đã thu được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng, gắn đấu tranh chống tham nhũng với công tác xây dựng Đảng vững mạnh. Một loạt vụ án tham nhũng đã được phát hiện và chỉ đạo xử lý quyết liệt. Nhiều cán bộ thoái hóa, kể cả những cán bộ cấp cao bị xử lý nghiêm với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Những kết quả đạt được đã tạo thêm niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, nhìn lại chúng ta mới tập trung chủ yếu chống tham nhũng, những vi phạm về tiêu cực ít được xử lý, trong khi đây là lĩnh vực phức tạp không kém tham nhũng. Tham nhũng và tiêu cực đều là hành vi trái phép, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự tồn tại của chế độ, danh dự của người đảng viên. Cho nên, công tác chống tham nhũng phải gắn kết với chống tiêu cực, nhất là tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến - tự chuyển hóa”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ, chống tham nhũng không chỉ đấu tranh về tham nhũng kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống.

Trong tình hình hiện nay phải chống các biểu hiện tiêu cực, xem đây là loại “giặc nội xâm” như đối tượng được xác định trong chống tham nhũng. Nghị quyết Trung ương (khóa 12) chỉ rõ tính chất nguy hiểm của tiêu cực ảnh hưởng nhiều mặt, tác động mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên và ảnh hưởng đến sự vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị. Nếu không được ngăn chặn tích cực sẽ là mối nguy hiểm cho sự tồn vong của Đảng, nguy cơ “chệch hướng” chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang thực hiện. Tham nhũng dù có mất mát tài sản, công quỹ nhưng có thể được khôi phục, nhưng nếu cán bộ dính vào tiêu cực như những biểu hiện trong Nghị quyết Trung ương (khóa 12) sẽ rất nguy hiểm, mất mát rất lớn. Tiêu cực thể hiện ở những hình thức, mức độ khác nhau, nhiều biểu hiện trở thành những vấn đề lớn, tác động không lành mạnh đến dư luận xã hội.

Trung ương bổ sung, nâng tầm chỉ đạo phòng, chống tiêu cực sẽ có hiệu ứng tích cực, tác động mạnh mẽ đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ. Lâu nay, mặc dù có nhiều nghị quyết, quy định nhưng đấu tranh với những hành vi tiêu cực, nhất là suy thoái tư tưởng, chính trị đang còn ít. Nhiều biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống chậm được phát hiện, một bộ phận cán bộ sống xa hoa, quan liêu, xa rời quần chúng, sa vào chủ nghĩa cá nhân không được kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời. 

Có người đã đặt vấn đề tại sao đến nay phải đổi tên của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp Trung ương? Thực ra đổi tên chỉ là hình thức, thực chất là bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực để tăng thêm quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương mà lâu nay chỉ đạo chống tham nhũng rất có hiệu quả.

Trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta rất quan tâm công tác xây dựng Đảng, nhất là chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”... Công tác phòng, chống tham nhũng đạt được hiệu quả tích cực sau khi chuyển giao chức năng từ Chính phủ sang Ban Bí thư Trung ương, dưới chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư. Đó là điều kiện thuận lợi cho Ban chỉ đạo có đủ thẩm quyền quyết định những vụ án lớn, xử lý đối tượng giữ chức vụ cao, tăng thêm chức năng, nhiệm vụ mà không phát sinh bộ máy mới, tạo thuận lợi cho xử lý đồng bộ vi phạm.

Trong các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống đã bao hàm có biểu hiện của tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, nếu tách riêng như lâu nay là chưa xác định hết sai phạm từ biểu hiện tiêu cực để thống nhất xử lý. Tiêu cực và tham nhũng có quan hệ với nhau, tiêu cực là môi trường nuôi dưỡng tham nhũng. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì phải chống từ gốc, từ xa, triệt các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Chống tiêu cực tốt là cơ sở ngăn ngừa tham nhũng, đó cũng chính là biện pháp tốt nhằm trị “cả gốc lẫn ngọn”. Cùng với thực hiện 2 Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11,12) nhất là phòng, chống 27 biểu hiện tiêu cực được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tin chắc sắp tới đây, nhiều sự việc liên quan tham nhũng, tiêu cực sẽ có thêm những quyết sách mới, xử lý quyết liệt hơn.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày