Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.032.088
Truy cập hiện tại 3.351 khách
Chống sùng bái cá nhân
Ngày cập nhật 15/09/2021

(TG) - Sùng bái cá nhân là đề cao đến mực cực đoan, thần thánh hóa, tuyệt đối hóa vai trò cá nhân của người đứng đầu, xem đó là người không ai có thể thay thế được. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thái độ phục tùng tiêu cực, mù quáng; triệt tiêu vai trò của tập thể và quần chúng. Vì thế, phòng chống sùng bái cá nhân được coi là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng.

 

QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ KINH ĐIỂN MÁC - LÊNIN VÀ HỒ CHÍ MINH

Các nhà kinh điển Mác - Lênin luôn coi tệ sùng bái cá nhân là một hiện tượng hoàn toàn xa lạ với bản chất, mục đích, lý tưởng của giai cấp vô sản; đi ngược lại với lợi ích của tập thể và nhân dân lao động. Hệ lụy của nó là tư tưởng “cuồng tín”, quan liêu mệnh lệnh, “vô hiệu hóa” dân chủ...

C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin luôn đấu tranh không mệt mỏi nhằm chống lại mưu toan đưa tư tưởng và thực tiễn sùng bái cá nhân vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Trong nhiều bức thư gửi G.B.Svai-xơ và V.Líp-nếch, C.Mác đã phê phán gay gắt sự sùng bái cá nhân. Một trong số đó, ông đã viết: “Sự gia nhập lần đầu tiên của Ăngghen và tôi vào hội bí mật của những người cộng sản diễn ra với một điều kiện không thể thiếu được là phải gạt bỏ khỏi điều lệ tất cả những gì góp phần vào sự mê tín sùng phục những cá nhân có uy tín”(1).

Đồng quan điểm của C.Mác, trong Thư của Ph.Ăngghen gửi Bê-ben, bên cạnh việc chỉ ra những sai lầm của một số thành viên trong Ban lãnh đạo Đảng Dân chủ - Xã hội Đức, Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh đến ý nghĩa tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gô-ta” của C.Mác đối với việc nâng cao trình độ lý luận - tư tưởng của đảng viên và khắc phục ảnh hưởng của tệ sùng bái cá nhân trong đảng. Theo đó, đảng cần quan tâm nắm vững lý luận cách mạng và sự phát triển của nó, mở rộng các cuộc thảo luận khoa học...

Nhất quán với quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin là một mẫu mực trong đấu tranh với tệ sùng bái cá nhân. Trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ ʺtả khuynh” trong phong trào cộng sản, V.I.Lênin phê phán sai lầm của một số người cộng sản “tả khuynh”, do lẫn lộn các khái niệm “lãnh tụ”, “đảng”, “giai cấp”, “quần chúng”, nên đem đảng đối lập với giai cấp, đưa ra những lý lẽ mị dân về “chuyên chính của lãnh tụ” và “chuyên chính của quần chúng”.

Cùng với triệt để lên án tệ sùng bái cá nhân - điều xa lạ với tinh thần của chủ nghĩa Mác và làm hạ thấp ý nghĩa của đảng, V.I.Lênin cũng kiên quyết lên án những hành động phá hoại sự thống nhất của đảng; lên án một số cá nhân phái “tả” nấp dưới khẩu hiệu “đả đảo lãnh tụ” để chiếm lấy cương vị lãnh đạo và gán ép ý chí cá nhân cho đảng, bỏ qua vai trò và ý kiến tập thể.

Theo quan điểm duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, điều tai hại của tệ sùng bái cá nhân trước hết là ở chỗ nó hạ thấp vai trò của nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản là người lãnh đạo tập thể quần chúng nhân dân. Về mặt công tác tư tưởng, tệ sùng bái cá nhân dẫn tới chủ nghĩa giáo điều, bệnh sách vở... Sùng bái cá nhân, thần thánh hóa cá nhân người lãnh đạo sẽ dẫn đến hậu quả là chỉ thấy vai trò quyết định tất cả của cá nhân người đó, phủ nhận cơ bản vai trò của quần chúng và cấp dưới, làm cho họ thiếu tin tưởng, không phát huy được năng lực sáng tạo. Cán bộ mắc “bệnh” sùng bái cá nhân thường đề cao vai trò của bản thân, coi mình trên cả tập thể, cao hơn tập thể; thậm chí còn có tư tưởng đứng trên và ngoài sự kiểm soát của tổ chức. Nguy hiểm hơn, những người này còn có tư tưởng nâng đỡ, đề bạt những kẻ thích xu nịnh, ca tụng, đề cao mình; đồng thời, có hành động khống chế, chèn ép những người trung thực, dám đấu tranh, nói thẳng, nói thật...

Thực tiễn đấu tranh chống sùng bái cá nhân I.V.Xta-lin của Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây đã chứng minh tính tất yếu phải loại bỏ tệ này. Sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước, mặc dù đã có những cống hiến lớn, song I.V.Xta-lin đã xem thường những lời cảnh báo của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, ở Liên Xô đã xuất hiện tình trạng chủ yếu dựa vào nghe báo cáo, xem công văn, gửi chỉ thị, ra mệnh lệnh để tìm hiểu tình hình và giải quyết vấn đề mà rất ít đi vào thực tế, tiếp xúc quần chúng. Sau thắng lợi của Chiến tranh Vệ quốc, tư tưởng sùng bái đối với I.V.Xta-lin  trong Đảng ngày càng nặng, khiến cho lãnh đạo lớp trên khó nghe được ý kiến của quần chúng, ý kiến của cấp dưới cũng khó đến cấp trên. Ngoài dẫn đến sự xa rời nguyên tắc tập thể lãnh đạo, tệ sùng bái cá nhân còn gây nên những vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa, đưa lại không ít tổn thất cho xã hội Xô-viết. Trước tình hình đó, Đảng cộng sản Liên Xô đã áp dụng các biện pháp nhằm loại trừ những hậu quả của tệ sùng bái cá nhân. Trước hết là nới rộng quyền của tập thể và lãnh đạo trong giải quyết những vấn đề về xây dựng kinh tế và văn hóa; nâng cao vai trò của các Xô-viết ở Trung ương và địa phương, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong hệ thống chính trị; tiến hành những biện pháp củng cố pháp chế, mở rộng quyền hạn và tự do của công dân...

Thấu triệt quan điểm của các nhà kinh điển Mác - Lênin, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu và chủ trương lên án, phê phán mạnh mẽ tệ sùng bái cá nhân. Cùng với đề cao vai trò là chủ, làm chủ của nhân dân, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của Đảng, vai trò tập thể lãnh đạo trong việc phát huy dân chủ; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng luôn là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam... Vì vậy, Người thường xuyên quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Người nhắc nhở: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp”(2). Trong Đảng phải nhất quyết tẩy trừ cho bằng được tư tưởng sùng bái cá nhân, “không thể nào dung túng tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả tai hại của nó”(3).

Trong Lời bế mạc Hội nghị lần thứ chín (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 4/1956) khi nói về Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc Mác - Lênin về việc thực hiện lãnh đạo tập thể và phản đối sùng bái cá nhân… Về vấn đề chống sùng bái cá nhân, chúng ta cần có sự nhận định toàn diện đối với đồng chí Xtalin. Đồng chí Xtalin có công lao to lớn với cách mạng, nhưng cũng có sai lầm nghiêm trọng. Đại hội đã dạy cho chúng ta một bài học phê bình và tự phê bình rất dũng cảm...”(4).

Theo Hồ Chí Minh, những thiếu sót và căn nguyên của tệ sùng bái cá nhân là: “Vì chúng ta còn kém về trình độ lý luận và về mặt nắm tình hình thực tế. Vì trong Đảng ta chưa xây dựng hẳn hoi các chế độ công tác thích hợp. Vì dân chủ nội bộ chưa thật mở rộng; vì phê bình và tự phê bình chưa được phát huy, nhất là phê bình từ dưới lên”(5). Nguyên nhân khách quan dẫn đến tư tưởng sùng bái cá nhân là: “Đảng ta lớn lên trong hoàn cảnh thuộc địa và nửa phong kiến, một nửa nước vừa mới thoát khỏi ách đế quốc và phong kiến, cho nên dễ bị những tư tưởng xấu, tư tưởng không vô sản, ảnh hưởng vào trong Đảng”(6).

Hồ Chí Minh chỉ rõ nguyên tắc Mác - Lênin trong lãnh đạo của Đảng và chống sùng bái cá nhân: “Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách; đều phải chống cái tệ sùng bái cá nhân và quan liêu mệnh lệnh; đều phải thật thà tự phê bình và phê bình thẳng thắn; đều phải thật sự dân chủ”(7).

Muốn phòng chống tệ sùng bái cá nhân, Hồ Chí Minh cho rằng phải vận dụng tổng hợp, linh hoạt các hình thức và phương pháp; song, phương pháp giáo dục là chủ yếu: “Để sửa chữa hiện tượng sùng bái cá nhân, chủ yếu là dùng phương pháp giáo dục; đồng thời nâng cao vai trò của Đảng, của tập thể, của nhân dân”(8). Đối với nội bộ Đảng, Người nhấn mạnh: “Phải khắc phục hiện tượng thiếu tập thể, thiếu dân chủ, khắc phục tác phong quan liêu mệnh lệnh, phải nghe ngóng ý kiến của cán bộ và nhân dân”(9). Người cũng yêu cầu: “Trong nội bộ Đảng có dân chủ rộng rãi, đồng thời có kỷ luật nghiêm khắc. Người đảng viên phải khiêm tốn, thành khẩn. Không có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng”(10).

BIẾT ƠN TIỀN NHÂN, TÔN VINH LÃNH TỤ KHÔNG PHẢI LÀ SÙNG BÁI CÁ NHÂN

Biết ơn tiền nhân, tôn vinh những cá nhân có nhiều cống hiến cho độc lập, tự do, hạnh phúc của Tổ quốc và nhân dân là một đức tính tốt đẹp của nhân loại. Điều đó thể hiện sự biết ơn người có công, biết học tập điều tốt đẹp của những người đi trước.

Mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có truyền thống biết ơn với những hình thức thể hiện khác nhau. Đơn cử như tại Hoa Kỳ, người ta đã tạc lên núi Rushmore chân dung 4 vị tổng thống để tôn vinh những người có công “mở nền độc lập” “chấn hưng đất nước”.

Truyền thống biết ơn là một nét văn hóa của người Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã luôn vô cùng biết ơn C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin - những người đã chỉ ra con đường cứu nước bằng cách mạng vô sản và xây dựng xã hội mới tốt đẹp, nhưng Người không áp dụng cứng nhắc mà vận dụng linh hoạt Chủ nghĩa Mác - Lênin vào tình hình thực tế ở Việt Nam để mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc mình.

Lòng biết ơn, sự tôn vinh, ghi nhận công trạng hoàn toàn khác xa với khái niệm “sùng bái cá nhân” mà các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao mỗi khi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tổ chức kỷ niệm những sự kiện lịch sử trọng đại, tưởng nhớ công ơn của những người con ưu tú của dân tộc.

 

 

Trong khi kiên quyết đấu tranh chống tệ sùng bái cá nhân, những người theo chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn luôn thừa nhận, tôn vinh vai trò của những người lãnh đạo, những nhà tổ chức quần chúng. Bởi, nếu không có Đảng, không có những cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, được đào tạo và tích cực thì giai cấp tiền phong không thể giành được sự thống trị về chính trị, không thể giữ vững và củng cố được chính quyền, không thể tiến hành đấu tranh thắng lợi chống kẻ thù của mình.

Việc phê phán, đấu tranh, lên án tệ sùng bái cá nhân tuyệt nhiên không có nghĩa là phủ nhận vai trò của những lãnh tụ có uy tín, được sự tín nhiệm to lớn và ủng hộ của quần chúng.

 

 

V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”(11); “... Thông thường thì các chính đảng đều nằm dưới quyền lãnh đạo của những nhóm ít nhiều có tính chất ổn định, gồm những người có uy tín nhất, có ảnh hưởng nhất, có kinh nghiệm nhất, được bầu ra giữ những trách nhiệm trọng yếu nhất và người ta gọi đó là các lãnh tụ”(12).

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng từng nhấn mạnh việc chống sùng bái cá nhân cần tránh đi đến một sai lầm là phủ nhận vai trò của lãnh tụ, bởi “Nhân dân và chính đảng của nhân dân cần phải có những người tiên tiến, có thể đại biểu cho lợi ích và ý chí của nhân dân (...). Phủ nhận tác dụng của cá nhân, phủ nhận tác dụng của những người tiên tiến và những người lãnh đạo là hoàn toàn sai...”(13).

Việc ghi nhận và tôn vinh vai trò lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta thực hiện trên quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều này bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc, cho rằng Đảng ta luôn “thần thánh hóa” và “sùng bái cá nhân” Hồ Chí Minh!

Trong Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 9 khóa II (tháng 4/1956) về việc quán triệt nguyên tắc lãnh đạo tập thể, đề cao vai trò của Đảng, đã nêu rõ: “Vấn đề giữ vững các nguyên tắc căn bản trong sinh hoạt của Đảng có liên quan mật thiết với vấn đề thái độ đối với lãnh tụ. Hiện nay trong Đảng ta, trong thái độ đối với lãnh tụ, có hiện tượng sùng bái cá nhân hay không, và nếu có thì hiện tượng đó đã ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng như thế nào?”(14). Trả lời cho câu hỏi này, Đảng ta khẳng định: “Hồ Chủ tịch là lãnh tụ của Đảng ta. Hồ Chủ tịch đã có công lớn trong việc sáng lập và giáo dục Đảng. Người đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, có một tinh thần đấu tranh triệt để. Người đã có tác dụng to lớn trong việc cổ vũ đoàn kết toàn dân, đã giáo dục chúng ta về tinh thần quốc tế chủ nghĩa, về đạo đức cách mạng. Sự nghiệp cách mạng của Đảng là một sự nghiệp vĩ đại, do công lao to lớn của toàn Đảng và toàn dân, công lao to lớn của Trung ương, của Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch là vị lãnh tụ sáng suốt của Đảng, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta đề cao vai trò của Hồ Chủ tịch, tôn kính Hồ Chủ tịch là đúng”(15); “Trong sinh hoạt của Đảng, Hồ Chủ tịch ở vào cương vị người lãnh đạo chủ yếu, đã tôn trọng những nguyên tắc lãnh đạo tập thể, không xảy ra hiện tượng độc đoán. Trong những vấn đề quan trọng và nhiều khi ngay cả những vấn đề không quan trọng lắm, Hồ Chủ tịch cũng tôn trọng ý kiến của Trung ương và Bộ Chính trị, Hồ Chủ tịch lại có đức tính chí công vô tư, quên mình vì sự nghiệp chung, đồng cam cộng khổ, giản dị, khiêm tốn. Nhiều lần Bộ Chính trị đã đề nghị tặng huân chương cho Hồ Chủ tịch, Hồ Chủ tịch đều từ chối. Chúng ta có thể kể ra nhiều việc như thế”(16). 

PHÒNG, CHỐNG SÙNG BÁI CÁ NHÂN - NGUYÊN TẮC TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống tệ sùng bái cá nhân, coi đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng.

Xác định “Bệnh sùng bái cá nhân cũng là một nhân tố ngăn trở sự tiến bộ (...) đưa đến chỗ coi thường mặt trận, coi thường chính quyền, coi thường cả Đảng...”(17), Đảng ta đã từng nêu ra những nguyên nhân dẫn đến tệ sùng bái cá nhân, như: Do cán bộ và đảng viên trình độ kém, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng còn non. Vì thế mà sinh ra ỷ lại, rụt rè, sợ sệt; ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến vẫn tồn tại trong đầu óc; chưa được giáo dục sâu sắc về những nguyên tắc căn bản về xây dựng đảng, những nguyên tắc và chế độ của sự lãnh đạo tập thể; chưa có ý thức về sự tai hại của sùng bái cá nhân...(18) .

Đảng ta chủ trương: “...khi nói đến vấn đề chống sùng bái cá nhân (...) cần phải thấu triệt hai điều sau đây: một là cải tiến sự lãnh đạo của Đảng theo những nguyên tắc xây dựng đảng của chủ nghĩa Mác - Lênin; hai là có một nhận thức chính xác về vai trò của cá nhân trong lịch sử và trong đời sống của nhân dân(...). Để tăng cường sự lãnh đạo tập thể của Đảng (...) cần phải làm những việc sau đây:

1. Nắm vững và tăng cường sự lãnh đạo tập thể ở Trung ương và ở các cấp của Đảng và của chính quyền.

2. Thực hiện tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên trong Đảng.

3. Kiên quyết tiếp tục giải quyết vấn đề cải tiến tổ chức và lề lối làm việc (...).

4. ...tiến hành giáo dục cho toàn Đảng và toàn dân nhận rõ vai trò của Đảng, vai trò của nhân dân”(19).

Về xử lý mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể với cá nhân phụ trách trong nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta chỉ rõ phải đề phòng sự lệch lạc của hai thái cực quá tả khuynh hoặc hữu khuynh; đồng thời, không tạo sơ hở để kẻ thù lợi dụng chống phá: “...Thấy sự lãnh đạo tập thể còn thiếu sót mà không kiên quyết vạch khuyết điểm ra để sửa chữa, thấy có hiện tượng sùng bái cá nhân nhưng dè dặt không tìm cách sửa chữa, đó là một sai lầm. Nhưng nếu hiểu nhầm tăng cường tập thể rồi đi đến việc gì cũng thảo luận phạm vào dân chủ cực đoan, như thế cũng sai lầm. Tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách. Dân chủ cao độ đi đôi với tập trung cao độ...”(20).

“Đơn thuốc” hiệu quả nhất để phòng, chống tệ sùng bái cá nhân vẫn là trở lại với những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh: “Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách; đều phải chống cái tệ sùng bái cá nhân và quan liêu mệnh lệnh; đều phải thật thà tự phê bình và phê bình thẳng thắn; đều phải thật sự dân chủ”.

Để khắc phục tệ sùng bái cá nhân trong cán bộ, đảng viên, công chức, trước hết cần thường xuyên quan tâm giáo dục và tự giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục và tự giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay là biện pháp quyết định, có ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tự giác hóa quá trình hình thành, phát triển đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong khắc phục các biểu hiện sùng bái cá nhân, dẫn đến xu nịnh...

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay phải luôn tự mình trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện sùng bái cá nhân dưới mọi hình thức.

 

 

Cần phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ chủ trì trong việc đấu tranh với tệ sùng bái cá nhân. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò các tổ chức, đặc biệt là tổ chức Đảng trong thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bài trừ tệ sùng bái cá nhân. Tập thể lãnh đạo là một nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, nhằm bảo đảm và phát huy dân chủ trong Đảng một cách cao nhất. Thực hiện tốt nguyên tắc này là cơ sở vững chắc để đấu tranh chống sùng bái cá nhân, chuyên quyền, độc đoán trong quá trình lãnh đạo của Đảng và cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay.

Những quan điểm, tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lênin và chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về chống sùng bái cá nhân vẫn giữ nguyên giá trị trong tình hình hiện nay, nhất là trong điều kiện Đảng ta đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

TS. Hà Sơn Thái
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

_______________________

(1) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, tiếng Nga, t.34, tr.241.

(2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.10, tr.67, 399, 312-313, 313-314, 313, 431, 314, 451-452, 456.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2005, t.4, tr.473

(12) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.30.

(13) (14) (15) (16) (17) (18) (19) (20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2002, t.17, tr.165-166, 160, 160-161, 161, 455, 163, 163-165, 165-166.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày