Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.082.492
Truy cập hiện tại 587 khách
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN THANH NIÊN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Ngày cập nhật 27/03/2014

 PGS,TS Nguyễn Thế Thắng

 1. Vai trò, vị trí của thanh niên và Đoàn Thanh niên trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Để nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí của thanh niên và Đoàn Thanh niên trong thời kỳ mới hiện nay, chúng ta cần ôn lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí thanh niên trong những thời kỳ cách mạng đã qua. Dân tộc ta sở dĩ đã đánh thắng được các đế quốc to như Nhật, Pháp, Mỹ trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946-1954, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, một phần lớn là bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thức tỉnh được thanh niên, tập hợp, giáo dục, rèn luyện thanh niên thành một lực lượng cơ bản xung kích, mạnh mẽ trong tất cả các giai đoạn cách mạng.

Năm 1925, Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn, dùng nền giáo dục nô lệ và nhà tù để đầu độc, kìm hãm dân ta trong vòng dốt nát. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Muốn thoát khỏi ách nô lệ thực dân, trước hết phải hồi sinh, thức tỉnh dân tộc vùng lên. Nhưng ai sẽ là những người đầu tiên cần hồi sinh, thức tỉnh và vùng lên? Nguyễn Ái Quốc đặt niềm tin và hy vọng vào thanh niên. Bởi chính thanh niên là bộ phận tiêu biểu cho sức sống và sức nắm bắt cái mới, cái tiến bộ của một dân tộc. Người kêu gọi thanh niên hồi sinh trước thảm hoạ diệt vong của đất nước: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh”1. Niềm tin và hy vọng của Nguyễn Ái Quốc đặt vào thanh niên là hoàn toàn đúng chỗ. Nhưng không chỉ kêu gọi, mà vấn đề là hành động và đi vào vận động và tổ chức. Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đây chính là tổ chức tiền thân của Đảng ta. Những người thanh niên yêu nước nhất đã được được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện chủ nghĩa Mác-Lênin, họ đi vào hoạt động trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước mà trở thành những người cộng sản. Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, thuở ban đầu Đảng viên của Đảng hầu hết là thanh niên. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta cũng là người thanh niên Trần Phú 26 tuổi. Và, ngay khi Đảng ta ra đời đã quan tâm tới vấn đề thanh niên. Ngay tại Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ hai từ ngày 20 đến 26/3/1931, Hội nghị đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên, đi đến những quyết định dẫn tới thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương  đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, chính thanh niên đã có vai trò là những người châm ngòi lửa đầu tiên cho phong trào cách mạng và trở thành đội quân xung kích trong cách mạng ở nước ta.

Ngay sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta gìanh được độc lập, trong Thư gủi các học sinh cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ là những người sẽ làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp. Làm cho dân tộc Việt Nam có thể  “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”2.

Trong Thư gửi Thanh niên ngày 17-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “ Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”3. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, là một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội, v,v, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở đánh giá cao vị trí vai trò của thế hệ trẻ đối với cách mạng và đối với tương lai tiền đồ của dân tộc như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương Đảng, Nhà nước và các Đoàn thể xã hội đều phải quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người chủ tương lai của nước nhà, thành những người thừa kế sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Đồng thời, qua các thời kỳ cách mạng, Đảng đều đã đề ra nhiều chủ trương giáo dục, rèn luyện, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Và, Đoàn thanh niên cùng với các thế hệ thanh niên đều đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trong các giai đoạn cách mạng đã qua.

Hiện nay, việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước ta đang diễn ra trong một thế giới đầy biến động khó lường. Thời cơ và thách thức đan xen nhau. Trong bối cảnh đó, Đất nước ta có thoát khỏi tụt hậu để cất cánh bay lên hay không?  Sự nghiệp đổi mới có tiếp tục đúng hướng và thành công hay không, một phần lớn  tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên và phụ thuộc vào việc Đảng lãnh đạo, Đoàn thanh niên  giáo dục, rèn luyện thanh niên theo tư tưởng  Hồ Chí Minh.

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong phát biểu trong dịp đến dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ngày  12 tháng 12 năm 2012: Vấn đề thanh niên và công tác thanh niên luôn được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng, đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên và tổ chức đoàn. Song “Bản thân thanh niên và tổ chức đoàn cũng cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình, nâng cao ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ tri thức, đạo đức cách mạng để thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”4.

2. Về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho thanh  niên

Để thanh niên hoàn thành sứ mệnh là lực lượng cơ bản và xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho thanh niên. Đoàn cần giúp Đảng  giáo dục, rèn luyện thanh niên, làm cho thanh niên có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, sức sáng tạo để kế tục và tiếp sức trong sự nghiệp cách mạng  của Đảng và dân tộc. Người khẳng định: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa”5. Muốn xứng đáng là những người đi đầu và giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người thanh niên phải được giáo dục và có tinh thần tự giáo dục, tự rèn luyện bản thân trong thực tiễn để có đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong xã hội hiện đại cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra hết sức phức tạp, cho nên Hồ Chí Minh mong muốn người thanh niên biết phân biệt rõ phải với trái, bạn với thù trong xã hội, trên thế giới, cũng như ngay trong chính bản thân mình để hành động đúng theo chân lý và lẽ phải. Trong buổi nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường đại học nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ ra những việc thanh niên nên làm:

Phải vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái. Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta.

Người chỉ rõ: Điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ. Đối với thanh niên có đạo đức cách mạng là làm được những điều nên làm và nên chống như sau:

- Yêu Tổ quốc: cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu nhân dân: việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu lao động: ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu khoa học: cái gì trái với khoa học, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu đạo đức: chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xoá bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động.

Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính tự lập, tự cường của thanh niên; khuyến khích tinh thần trách nhiệm cao cả làm người chủ với nước nhà của thanh niên:

“ Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”6.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý đến đặc điểm thanh niên là những người ở độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Cho nên, Người khuyên thanh niên: cần phải có tinh thần gan dạ và sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” để tiến bộ mãi không ngừng.

Đồng thời, Người cũng chỉ rõ kẻ thù nguy hiểm trong lòng mỗi người là chủ nghĩa cá nhân. Nó là căn nguyên của hầu hết các khuyết điểm sai lầm của con người. Cho nên, để hoàn thành sứ mệnh làm chủ nước nhà, thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt uỷ mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.

Trong việc giáo dục, rèn luyện thanh niên học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ cần thực hiện nguyên tắc: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục, rèn luyện thanh niên”7. Cả trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên đều cần phải chú ý phối hợp giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên, kịp thời khuyến khích biểu dương những gương người tốt việc tốt, đồng thời uốn nắn, sửa chữa những lệch lạc của thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận cần được chú ý trong sự sinh hoạt của thanh niên.

Trong tình hình chính trị, kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp. Trong một thế giới thông tin đa chiều, đa dạng, đa khuynh hướng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh càng phải hơn bao giờ hết coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên bằng nhiều hình thức sáng tạo, phong phú, sinh động và hấp dẫn.

Để củng cố, giữ vững lập trường yêu nước, cách mạng và tiến bộ của thanh niên, cần đổi mới nội dung và phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống văn hoá, lịch sử của Đảng và dân tộc cho thanh niên. Chú trọng giáo dục đoàn viên, thanh niên qua hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước. Khuyến khích bản thân mỗi đoàn viên, thanh niên  ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên để đảm đương những công việc quan trọng, khó khăn trong thời kỳ mới.

3. Thanh niên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước với vai trò  xung kích và sáng tạo

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên không thiếu gì nơi hoạt động, không thiếu gì công việc làm. Chính kết quả thực hiện chức trách, bổn phận và nhiệm vụ công tác hàng ngày của mỗi thanh niên là một thước đo căn bản phẩm chất năng lực của mỗi thanh niên. Tài và Đức, bản lĩnh chính trị, trí tuệ sáng tạo của thanh niên phải được thể hiện bằng hành động cụ thể trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực. “Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước”8. Người kêu gọi thanh niên phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm lực lượng xung kích trong các phong trào thi đua yêu nước, như các phong trào diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm, phong trào Sóng Duyên Hải trong công nhân, phong trào Gió Đại phong trong nông nghiệp, phong trào Cờ Ba nhất trong quân đội, phong trào Thanh niên ba sẵn sàng,  phong trào Phụ nữ ba đảm đang, v,v.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời biểu dương tinh thần tự tôn, tự lập, anh hùng, dũng cảm, dám hy sinh vì tổ quốc của thanh niên trong kháng chiến. Ngày 27-1-1947, trong thư gửi các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô, Người nói: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”9.

Trong điều kiện thời bình, Người giáo dục, kêu gọi thanh niên dám xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, đem tinh thần, sức mạnh và trí tuệ của thanh niên  giải quyết thành công những công việc khó khăn nhất. “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt. Xưa kia, lớp thanh niên trước xung phong làm cách mạng, kháng chiến, trải qua rất nhiều gian nan nguy hiểm, có khi bị tù đày tra tấn, có khi bị thương tật, chết chóc để cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Ngày nay tuy một nửa nước ta được giải phóng, nhưng lớp thanh niên cũng phải xung phong đến những nơi khó khăn để xây dựng chủ nghĩa xã hội”10. Người cũng chỉ rõ thanh niên xung phong phải có mục đích. Tức là cần xung phong đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước nhằm hoàn thành tốt những nhiệm vụ cách mạng của đất nước, những nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi đơn vị. Thanh niên ”Cần phải làm đầu tầu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu ”Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm””11. Thanh niên qua hăng hái tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ được phát huy mạnh mẽ. Trong các phong trào thi đua yêu nước thanh niên tự rèn luyện, tìm được và khẳng định lý tưởng sống cao đẹp cho mình.

Trong lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Người đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực trẻ, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao; định hướng cho thanh niên học tập, phấn đấu, rèn luyện mọi mặt, vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ tiên tiến, phương pháp quản lý hiện đại. Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật thế giới đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, Người khuyên thanh niên công nhân: ”Như các cô các chú đã biết, máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ văn hoá và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập văn hoá, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết”12. Không những học tập văn hoá, kỹ thuật, sử dụng hết công suất máy móc, thanh niên công nhân cần hăng hái tích cực học tập để có thể tham gia cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức để thúc đẩy tăng năng suất lao động, để phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội.

Để có thể thực sự làm đầu tầu, gương mẫu trên tất cả các lĩnh vực học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu, Hồ Chí Minh chỉ rõ thanh niên cần phải biết học tập không ngừng, học tập suốt đời thì mới thực sự là một người cộng sản chân chính kế tục sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. “Thanh niên ta cố gắng phải học…Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác-Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày. Cần phải học kinh nghiệm tốt của đoàn thanh niên các nước bạn. Học đi đôi với hành. Lênin có nói: ”Không học thì không thể trở thành người cộng sản được””13.

4. Chăm lo củng cố xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên vững mạnh

Trong quá trình lãnh đạo Đảng, Đoàn giáo dục, rèn luyện thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm củng cố xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên vững mạnh đủ sức đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên và các hội thanh niên, sinh viên. Đồng thời, Đoàn tổ chức và giáo dục cho tốt các cháu nhi đồng chuẩn bị cho các cháu mai sau trở thành những đoàn viên tốt, và tích cực tham gia xây dựng Đảng. Nói chuyện tại Đại hội lần lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24-3-1961, Người khẳng định rõ: “Hiện nay, nhiệm vụ của thanh niên là ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội”14. Điều đó có nghĩa là Đoàn phải là cầu nối giữa thanh niên với Đảng và Nhà nước, thúc đẩy thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để thanh niên tích cực hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hướng dẫn phương pháp lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ Đoàn.Trước hết là kinh nghiệm vạch chiến lược, kế hoạch công tác chung: “Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa, là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”15.

Thứ hai là: Việc phát động, duy trì các phong trào hành động cách mạng của thanh niên trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý rằng:

Thanh niên có nhiều sáng kiến hay, gây những phong trào có ích và lúc đầu rất sôi nổi. Như thế là tốt. Nhưng phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực. Không nên chỉ có hình thức, càng không nên “đầu voi đuôi chuột”. Trong sản xuất, thanh niên đều hăng hái, nhưng chưa biết (nên nay cần biết) nắm chặt lấy chỉ tiêu kế hoạch mà phấn đấu để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra.

Thứ ba là: Mỗi khi gặp khó khăn trong công tác, phải biết dựa vào đường lối, chính sách của Đảng, dựa vào sáng kiến và lực lượng của đoàn viên, thanh niên, có quyết tâm cao, thì khó khăn gì cũng sẽ vượt được và mọi việc nhất định thành công.

Thứ tư là: Về phong cách lãnh đạo của cán bộ Đoàn thanh niên, Người khuyên: Cần phải chống bệnh quan liêu, chống cách lãnh đạo chung chung. Cần phải đi sâu đi sát, điều tra nghiên cứu. Cần khuyến khích, thu góp, bổ sung và phổ biến rộng rãi những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt của các phong trào hành động cách mạng điển hình, của các tấm gương đoàn viên, thanh niên tiên tiến. Cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể. Qua đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, tích cực củng cố, phát triển Đoàn viên với phương châm coi trọng chất lượng, xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh, xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng tiến lên.

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện thanh niên là kết tinh trí tuệ và kinh nghiệm cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người. Thực sự học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện thanh niên, với  khát vọng của tuổi trẻ dựng xây đất nước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam nhất định là lực lượng xung kích trong các phong trào, chương trình, kế hoạch hành động cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

(nguồn tutuonghochiminh.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày