Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.154.719
Truy cập hiện tại 2.186 khách
Yêu thương & tâm huyết
Ngày cập nhật 20/11/2024

TTH - Sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và tình cảm thân thương thầy – trò là niềm hạnh phúc giúp cho các thầy, cô giáo vượt qua bao áp lực để làm tốt nhiệm vụ “gieo con chữ”.

Dạy chữ, dạy người

Là giáo viên dạy môn vật lý tại Trường THPT A Lưới, cô giáo Phạm Nguyễn Trang Ngân luôn tâm niệm, nghề giáo là một nghề đặc biệt. Trang Ngân chia sẻ: “Ở miền núi, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, công nghệ thông tin chưa được phát triển. Học sinh phải đi xa để đến trường, khó khăn về kinh tế gia đình cũng ảnh hưởng lớn đến việc học tập của các em. Nhiều khi, học sinh phải làm việc nặng để phụ giúp gia đình, thiếu thời gian và sự tập trung trong học tập. Ngôn ngữ và văn hóa cũng là một rào cản lớn khiến một số học sinh chưa kịp hòa nhập với chương trình giảng dạy ở lớp. Được giúp học sinh vùng cao tiếp cận với tri thức, thắp sáng những ước mơ tưởng chừng xa vời như nghiên cứu khoa học là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi”.

Với cô giáo Nguyễn Thị Kim Quý, giáo viên ngữ văn, Trường THPT Cao Thắng, khi chuyển từ vùng nông thôn về dạy ở thành phố, cô gặp nhiều thách thức khi thực hiện tâm huyết dạy chữ, dạy người. Theo cô Quý, học sinh ở thành phố khác với học sinh ở nông thôn. Một số em được nuông chiều nên tính tự lực và ý thức vượt khó hầu như không có, ỷ lại và phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ, vào việc học thêm thay vì tự học. Giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác giáo dục. Một số học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, như bố mẹ ly hôn, bố mẹ đi làm ăn xa hoặc mất bố, mẹ… Các em có lối sống thu mình, ngại giao tiếp, không đủ tự tin hoặc phá cách theo kiểu ngông cuồng, ngang ngược, giảm tập trung và dễ nổi nóng.

Cô Quý chia sẻ: “Thầy, cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là những người thắp lên ngọn lửa đam mê, gieo niềm hy vọng và định hướng tương lai cho bao thế hệ học trò. Khó khăn mà giáo viên chúng tôi luôn đối mặt chính là tâm lý nhiều bất ổn của một số học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Khi các em nghỉ học nhiều ngày hoặc vi phạm có hệ thống nội quy nề nếp của nhà trường, cần có sự phối hợp từ phía gia đình để giáo dục các em thì giáo viên không liên lạc được với gia đình. Hết mực yêu thương học sinh, giáo viên tự nguyện trở thành chỗ dựa tinh thần để học sinh tựa vào, san sẻ những niềm vui, nỗi buồn và tiếp thêm động lực để các em vượt qua hoàn cảnh, những vấp ngã để vươn lên trong học tập”.

Giữ tâm huyết với nghề

Giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn với sự thay đổi cách thức, phương pháp dạy học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là bộ môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương. Cô Quý cho hay, các bộ môn này chủ yếu tổ chức hoạt động để học sinh phát triển kỹ năng với nhiều trải nghiệm khác nhau theo chủ đề của bài học. Đây là những môn học đòi hỏi năng khiếu của giáo viên nhiều hơn là năng lực về chuyên môn. Nhưng, do chưa có giáo viên chuyên trách nên cũng làm khó một số giáo viên chưa bắt nhịp kịp với kiểu môn học chỉ chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm.

Để việc dạy và học hiệu quả hơn, cô giáo Trang Ngân luôn tìm các phương pháp giảng dạy sáng tạo, gần gũi với thực tế, dễ hiểu hơn, đặc biệt là đối với học sinh vùng cao. Chương trình học cũng cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế đời sống của học sinh. Để các em thấy rằng, kiến thức không chỉ có giá trị trong sách vở mà còn có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Một trong những vấn đề cô Trang Ngân mong muốn có sự thay đổi là chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở vùng cao. Ngoài ra, chính sách đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập và cải thiện hạ tầng giao thông ở các khu vực miền núi là điều rất cần thiết. Việc này sẽ giảm bớt khó khăn cho cả thầy và trò, từ đó tạo ra môi trường học tập tốt hơn. “Hy vọng rằng, các chính sách giáo dục có thể tạo ra một môi trường học tập bình đẳng, giúp học sinh ở mọi nơi đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng”, cô Ngân đề xuất.

Trên hành trình gieo chữ, các giáo viên luôn nhận được nhiều niềm vui, hạnh phúc từ học trò của mình. 30 năm trước, thuở mới vào nghề, cô Kim Quý phải đi dạy rất xa, nhà cách trường 40km. Xe cộ không có, cô phải đi dạy bằng xe đò, tàu chợ, xe đạp và đi ké xe máy của đồng nghiệp. Thế nhưng, tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ của học trò khi thấy cô vượt quãng đường xa trong mưa đến lớp, lớp phấn trang điểm lấm lem trên mặt… là niềm an ủi, động lực cho lòng yêu nghề của cô khởi phát.

Dịp 20/11 năm nay, món quà cô Trang Ngân nhận được là nếp than, nông sản, đôi khi chỉ là mớ rau rừng mà học sinh đi làm về. Cô Trang Ngân cảm động: “Học sinh vùng cao chân thật lắm. Thấy các em mang quà tới mà thương ơi là thương. Những tình cảm ấy là động lực để giáo viên chúng tôi vượt qua khó khăn, giữ tâm huyết với nghề”.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày