Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.173.553
Truy cập hiện tại 1.951 khách
Đào tạo tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước: Giữ người tài, mở rộng phạm vi tuyển chọn
Ngày cập nhật 19/12/2011

Làm sao để hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám"? Công tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay sẽ ra sao khi Đề án đào tạo tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước kết thúc? Đó là mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án này, thường được gọi tắt là Đề án 322.

Giữ người tài bằng khoản vay có bảo lãnh?
 

"Không lưới nào có thể kéo người du học về nước, ngoài chính nhận thức, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của họ", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định như vậy về tình trạng "chảy máu chất xám" khi những người được đi học bằng ngân sách nhà nước không trở về Việt Nam phục vụ đất nước. Điều đáng mừng là trong tổng số hơn 3.000 người đã tốt nghiệp trong 10 năm qua, số lưu học sinh chưa về hoặc chưa hoàn thành việc học chỉ chiếm 3% (khoảng 100 người). Tuy nhiên, với kinh phí tầm 33.000 USD mà Nhà nước bỏ ra cho một lưu học sinh thì khoản tiền thất thoát là đáng kể. Nhiều trường ĐH không thể thu hồi kinh phí đối với những trường hợp không về nước hoặc về nước mà không làm việc tại cơ quan cũ vì lương thấp. Nhằm tránh tình trạng này, Hiệu trưởng Trần Trung của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho rằng, cơ chế cấp học bổng hiện nay nên được chuyển sang cơ chế cho vay học bổng có bảo lãnh của gia đình. Chỉ khi nào người học trở về đơn vị thì mới được xóa nợ dần theo thời gian công tác.

Một số người học phải trở về nước sớm do không theo kịp chương trình học. Để nâng cao chất lượng nguồn lưu học sinh, nhiều lãnh đạo các trường đồng ý với đề nghị của Đại tá Trần Tiến Hạc, Phó Cục trưởng Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng: Việc đào tạo trong nước phải tốt hơn nữa để làm tiền đề cho việc gửi người đi học ở nước ngoài, đặc biệt là Bộ GD-ĐT nên dành một phần kinh phí để đào tạo ngoại ngữ cho học viên trước khi đi.

Để chia sẻ gánh nặng tài chính với Nhà nước, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất phát triển Đề án 322 theo hướng giảm dần kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, tạo nguồn kinh phí từ sự phối hợp giữa đơn vị cử người đi đào tạo và bản thân người học. Một vấn đề khác là phạm vi đối tượng du học theo Đề án nên mở rộng sang các ngành xã hội, nhân văn, khí hậu, kinh tế biển... Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, trong khi nguồn nhân lực ở các trường ĐH đang bị "dát mỏng" ở cả hệ thống như hiện nay thì số được gửi đi đào tạo qua Đề án thường là người của các trường ĐH công lập, viện nghiên cứu và các bộ, ngành, còn các đơn vị ngoài công lập thì vắng bóng.

Dừng 322, đào tạo gặp khó

Trước những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số đề xuất cụ thể. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, từ khi có nghị định về việc công chức phải đủ 5 năm thâm niên công tác mới được đi học nước ngoài, số lượng công chức trẻ có năng lực được xét đi học đã bị hạn chế. Bộ đề nghị xem xét khả năng điều chỉnh lại quy định này nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ giỏi cho các cơ quan. Nếu Đề án được tuyển sinh tiếp, Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung phần bồi dưỡng ngoại ngữ cho đối tượng ứng viên từ các trường CĐ và các tỉnh khó khăn nhằm tránh tình trạng chênh lệch lớn về tỉ lệ ứng viên từ các vùng này so với các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đề án 322 chỉ tuyển sinh đến hết năm 2010 và thực hiện đến hết năm 2014, song Bộ GD-ĐT đang đề nghị cho phép Đề án được tiếp tục tuyển sinh thêm 4 năm nữa bởi việc đào tạo cán bộ trình độ cao đang là đòi hỏi cấp thiết, nếu Đề án không kéo dài thêm thì không có nguồn nào khác để tạo điều kiện cho sinh viên xuất sắc đi học ở nước ngoài. Đề án được tiếp tục còn tạo điều kiện đào tạo trình độ ĐH cho học sinh tốt nghiệp THPT ở vùng khó khăn - vốn đang được đi học bằng kinh phí xử lý nợ với LB Nga nhưng nguồn này cũng sắp hết và năm nay đã dừng tuyển sinh.

Mặt khác, mặc dù Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo 10.000 tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ (Đề án 991), song đề án này chỉ tập trung đào tạo trình độ tiến sĩ và giới hạn trong đối tượng là giảng viên. Còn Đề án 322 có phạm vi đào tạo rộng hơn, lại có thể tạo nguồn thạc sĩ cho Đề án 911. Nhìn đi nhìn lại, tiếp tục Đề án 322 là cần thiết, nhất là trong bối cảnh việc đào tạo cho cán bộ, viên chức, công chức nhà nước (không thuộc các trường) đang là nhu cầu bức thiết mà hiện chưa có đề án đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Ngoài ra, một số đề án khác đào tạo theo nhu cầu các bộ, ngành có số lượng tuyển sinh rất hạn chế, lại chỉ phục vụ riêng cho bộ, ngành đó, không đáp ứng được nhu cầu của toàn xã hội.

Bộ GD-ĐT đã đề nghị xem xét việc phê duyệt đề án mới với tổng chỉ tiêu đào tạo là 200 tiến sĩ, 1.000 thạc sĩ, 200 chỉ tiêu ĐH... Ủng hộ đề xuất này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ xây dựng đề án mới để trình Chính phủ, chậm nhất là ngày 15-2-2012. Đề án này sẽ tập trung vào nội dung mà Đề án 911 chưa đáp ứng được.


Theo Quỳnh Phạm - Báo hà Nội mới

Các tin khác
Xem tin theo ngày