Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.175.608
Truy cập hiện tại 122 khách
Bầu nhân sự cấp cao diễn ra như thế nào?
Ngày cập nhật 15/07/2011

Bầu nhân sự cấp cao diễn ra như thế nào?

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (ảnh) trao đổi với PV Thanh Niên về quy trình bầu và phê chuẩn các nhân sự chủ chốt của bộ máy nhà nước tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII.

 

 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Nguyệt Minh 

Thưa ông, để việc bầu và phê chuẩn nhân sự hoàn tất trong một thời gian tương đối ngắn và các chức danh vừa được bầu đã kịp giới thiệu được ngay nhân sự để QH bầu vào các vị trí quan trọng khác, chắc hẳn đã phải có một quy trình sàng lọc, chuẩn bị từ trước và quy trình này được tiến hành như thế nào?

Đúng vậy, bởi công tác cán bộ là của Đảng nên ngay trước ĐH Đảng XI đã có sự chuẩn bị rồi. Cụ thể là tại Đại hội XI, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng để chuẩn bị cho các vị trí nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước sau này. Dù luật không quy định nhưng trong công tác cán bộ, trong Điều lệ Đảng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương… đều có quy định công tác nhân sự là công tác của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước. Ta hay nói “Đảng cử dân bầu” và đúng là trên thực tế, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước do Đảng giới thiệu nhưng bầu chọn ai thuộc quyền quyết định của nhân dân, thông qua cơ chế dân chủ đại diện, mà cụ thể ở đây là QH và các ĐBQH sẽ là người xem xét, quyết định.

Trước khi tiến hành bầu, phê chuẩn các chức danh chủ chốt tại kỳ họp, QH có tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các ứng viên được giới thiệu không, thưa ông?

Khi giới thiệu từng nhân sự cụ thể, cơ quan trình hoặc người trình sẽ phải gửi kèm theo cả tóm tắt lý lịch của người được giới thiệu để ĐBQH nghiên cứu, ĐBQH có thể đối chiếu với các quy định về chức danh cán bộ và thảo luận tại các đoàn ĐBQH (chia theo 63 tỉnh thành). ĐBQH nào cũng có quyền phát biểu, nêu ý kiến về nhân sự được giới thiệu, sau đó trưởng đoàn sẽ tổng hợp và báo cáo Ủy ban TVQH về ý kiến thảo luận trong các đoàn. Ủy ban TVQH cũng có thể quyết định phát phiếu thăm dò ý kiến của ĐBQH về nhân sự được giới thiệu (không ghi tên người nhận xét). Các ý kiến thảo luận của ĐBQH sẽ được đoàn thư ký kỳ họp tập hợp lại, Chủ tịch QH sẽ thay mặt Ủy ban TVQH báo cáo trước QH tổng hợp ý kiến thảo luận của các đoàn về nhân sự được giới thiệu, đồng thời giải trình rõ các thắc mắc, ý kiến khác về nhân sự được giới thiệu, sẽ bảo lưu quan điểm giới thiệu hay theo đề xuất của số đông và xin ý kiến tiếp của ĐB tại hội trường, nếu không ai còn ý kiến khác thì sẽ chính thức bầu nhân sự đó.

 

 

Tất cả các nhân sự được giới thiệu để QH bầu hoặc phê chuẩn đều được các ĐBQH nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng trước khi bầu chính thức

 

Cụ thể, nhân sự được bầu chọn vào vị trí nào sẽ phải qua vòng thăm dò tín nhiệm?

Tất cả các nhân sự được giới thiệu để QH bầu hoặc phê chuẩn đều được các ĐBQH nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng trước khi bầu chính thức. Các ĐBQH cũng có thể bày tỏ ý kiến của mình thông qua các phiếu thăm dò về nhân sự được giới thiệu. ĐBQH đăng ký tham gia làm thành viên các ủy ban của QH cũng phải lấy phiếu thăm dò tín nhiệm trước khi QH bầu.

Việc bầu chọn các nhân sự cấp cao sẽ theo hình thức bấm nút tại hội trường hay bỏ phiếu kín?

Các ĐBQH sẽ bấm nút để biểu quyết danh sách nhân sự được giới thiệu để đưa ra bầu. Còn khi bầu từng nhân sự thì sẽ bỏ phiếu kín.

 

Quy trình bầu nhân sự

Theo ông Đinh Xuân Thảo, quy trình bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao được quy định tại các điều từ 80 đến 86 của Luật Tổ chức QH và được quy định cụ thể hơn ở Chương IV: “Quyết định cơ cấu tổ chức và nhân sự” của nội quy kỳ họp QH.

Diễn đạt một cách ngắn gọn, việc bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao tại kỳ họp này sẽ diễn ra theo quy trình như sau: Đầu tiên, Chủ tịch QH khóa cũ thay mặt Ủy ban TVQH trình bày tờ trình danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch QH, các Phó chủ tịch QH và các Ủy viên Ủy ban TVQH khóa mới. Sau khi được bầu, tân Chủ tịch QH thay mặt Ủy ban TVQH khóa XIII trình danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch nước.

Sau khi đắc cử, Chủ tịch nước nhiệm kỳ mới sẽ giới thiệu các chức danh như Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND TC, Viện trưởng Viện KSND TC để QH thảo luận và bỏ phiếu bầu. Tiếp đó, QH sẽ bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên Hội đồng dân tộc; Chủ nhiệm, các Phó chủ nhiệm và các ủy viên của mỗi ủy ban của QH; Trưởng đoàn thư ký và các thư ký kỳ họp QH.

Thủ tướng nhiệm kỳ mới sẽ trình QH phê chuẩn các thành viên chính phủ, cụ thể là các phó thủ tướng, các bộ trưởng.

 

Chính phủ sẽ báo cáo quốc hội tình hình biển Đông

Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII.

Theo Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH và các cơ quan hữu quan, VPQH đề nghị Ủy ban TVQH xem xét, điều chỉnh một số điểm trong nội dung dự kiến chương trình kỳ họp. Cụ thể, sẽ bố trí thêm nửa ngày để QH nghe và thảo luận việc triển khai thực hiện Nghị quyết ĐH XI và Nghị quyết Trung ương 2 khóa XI về nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dành thời gian tại hội trường nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, các giải pháp thực hiện kế hoạch KTXH và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm...; Bổ sung báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông (gửi ĐBQH tự nghiên cứu). “Vì đây là vấn đề đang được dư luận xã hội và nhân dân cả nước rất quan tâm”, ông Đàn lý giải.

VPQH dự kiến tổng thời gian làm việc thực tế của QH tại kỳ họp là 14 ngày rưỡi (khai mạc ngày 21.7 và bế mạc ngày 6.8.2011). Trong đó, QH sẽ dành 11 ngày để bầu các nhân sự cấp cao. Việc bầu chọn Thủ tướng nhiệm kỳ mới và công bố kết quả bầu sẽ diễn ra trong ngày 26.7.

TVQH cơ bản nhất trí với đề xuất của VPQH và đề nghị bổ sung thêm nội dung các phương án miễn, giảm, giãn thuế để QH xem xét.

Theo báo Thanh nien (ngày 15/7/2011)

Các tin khác
Xem tin theo ngày