Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.178.487
Truy cập hiện tại 790 khách
Số lượng đại biểu HĐND mỗi cấp từ 15 - 95 người
Ngày cập nhật 17/02/2011

 Ngày 16-2, Thủ tướng ký Quyết định hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011–2016. Trong đó, định hướng HĐND các cấp đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên là đại biểu nữ, trên 15% là đại biểu trẻ dưới 35 tuổi,... số lượng đại biểu HĐND mỗi cấp là từ 15 đến tối đa không quá 95 người.

 

 Thẩm quyền dự kiến cơ cấu thành phần đại biểu HĐND các cấp là Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) cùng cấp theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003.

Thủ tướng lưu ý, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi đơn vị hành chính để dự kiến và điều chỉnh cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND các cấp phù hợp ở mỗi địa phương theo định hướng như sau: Đại biểu trẻ dưới 35 tuổi phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 15%; Đại biểu là phụ nữ đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên; Đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 10%.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, sẽ được tăng thêm 1 Phó trưởng ban chuyên trách tại các ban của HĐND cấp tỉnh.

Tổng số đại biểu HĐND cấp xã không quá 35 người

Theo Quyết định, Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với UBND cùng cấp căn cứ dân số của từng đơn vị hành chính đến ngày 31-12-2010, ấn định số lượng đại biểu HĐND cấp mình theo quy định. Cụ thể như sau:

- Xã, thị trấn miền xuôi có từ 4.000 người trở xuống thì được bầu 25 đại biểu. Nếu có trên 4.000 người thì cứ thêm 2.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

- Xã, thị trấn miền núi và hải đảo có từ 2.000 – 3.000 người được bầu 25 đại biểu. Nếu trên 3.000 người thì cứ thêm 1.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu. Trường hợp xã, thị trấn có từ 1.000 đến dưới 2.000 người được bầu 19 đại biểu và nếu dưới 1.000 người thì bầu 15 đại biểu.

- Phường có từ 8.000 trở xuống được bầu 25 đại biểu. Nếu trên 8.000 thì cứ thêm 4.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

HĐND cấp huyện không quá 40 đại biểu

Cũng theo Quyết định, HĐND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được bầu không quá 40 đại biểu. Cụ thể như sau:

- Huyện miền xuôi và quận có từ 80.000 người trở xuống, được bầu 30 đại biểu. Nếu có trên 80.000 người thì cứ thêm 10.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, tổng số không quá 40 đại biểu.

- Huyện miền núi và hải đảo có từ 40.000 người trở xuống được bầu 30 đại biểu. Nếu trên 40.000 người, cứ thêm 5.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.

- Thị xã có từ 70.000 người trở xuống được bầu 30 đại biểu. Nếu nhiều hơn thì cứ thêm 10.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, tổng số không quá 40 đại biểu.

- Thành phố thuộc tỉnh có từ 100.000 người trở xuống được bầu 30 đại biểu. Nếu có trên 100.000 người thì cứ thêm 10.000 người sẽ được bầu thêm 1 đại biểu, tổng số không quá 40 đại biểu.

Tuy nhiên, nếu các huyện, quận… này có từ 30 đơn vị hành chính trực thuộc trở lên thì được bầu trên 40 đại biểu HĐND. Số lượng cụ thể sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Các tỉnh, thành  được bầu 50-95 đại biểu

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số lượng đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là:

- Tỉnh miền xuôi và thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu người trở xuống được bầu 50 đại biểu. Nếu có trên 1 triệu người thì cứ thêm 50.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu.

- Tỉnh miền núi có từ 500.000 nghìn người trở xuống được bầu 50 đại biểu, có trên 500.000 nghìn người thì cứ thêm 30.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu.

- Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác có trên 3 triệu người được bầu không quá 95 đại biểu HĐND.

 Theo Chinhphu.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày