Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.179.287
Truy cập hiện tại 1.042 khách
Công chức dứt áo, quan chức lẫn lộn buồn vui
Ngày cập nhật 27/01/2011

 

Nói rất thật là tôi có cảm giác buồn vui lẫn lộn, nhưng không ngạc nhiên - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa chia sẻ chuyện chảy máu chất xám khu vực công.

>> Vì sao tôi dứt áo ra đi?
>> Dứt áo ra đi, làm lại từ đầu đâu phải dễ

Ra dễ, vào khó

- Đọc những lời tạm gọi là tâm huyết của một tiến sĩ, trưởng phòng của Ngân hàng Nhà nước trong bài "Vì sao tôi dứt áo ra đi?", ông có cảm giác thế nào?

Nói rất thật là tôi có cảm giác buồn vui lẫn lộn, nhưng không ngạc nhiên.

Ông Đinh Duy Hòa: Bao giờ khu vực công có môi trường làm việc giống khu vực tư?

Buồn vì lại có một người có năng lực, trình độ rời cơ quan nhà nước. Vui vì có người nói lên sự thật, gióng lên tiếng chuông cảnh báo đối với xã hội, nhất là với các cơ quan hoạch định chính sách, chế độ về công chức, công vụ.

Không ngạc nhiên vì đây không phải là vấn đề mới trong nền công vụ các nước trên thế giới và giờ đây đến lượt Việt Nam phải đương đầu.

- Đúng là vấn đề không hề mới. Ngày càng nhiều công chức giỏi, đã gắn bó với khu vực nhà nước lâu năm, không còn cảm thấy môi trường này tiếp tục cho họ động lực để làm việc nữa và dần dần ra đi. Khu vực nhà nước có giữ họ lại không?

Với những người đã quyết tâm ra khỏi bộ máy, không nên quyết tâm giữ họ lại bằng mọi giá, cũng nên tạo điều kiện cho họ ra đi.

- Vậy với những công chức chỉ muốn ra làm ở khu vực tư nhân để trau dồi, trải nghiệm và thu nhận kiến thức thực tế, để rồi quay về cống hiến cho khu vực công, dường như đa phần họ không được chào đón và được tạo điều kiện để quay lại nữa?

Nhận định này cơ bản là đúng, dù những người như vậy không chiếm số đông trong đội ngũ công chức. Thực tế 10 năm qua, thị trường lao động đã mở hơn nhiều, công chức có năng lực trình độ "ra" ngoài làm không còn quá khó khăn. Nhưng chiều ngược lại là "vào", khi họ đã ra đi và muốn quay lại, hay những người vốn ở khu vực tư nhân muốn vào khu vực nhà nước, đều chưa được các quy định và cơ chế khuyến khích.

Cách đây mấy chục năm, việc chuyển đổi công - tư của công chức không dễ dàng vì vướng về bảo hiểm, nhưng hiện nay, với những quy định với về chế độ bảo hiểm liên thông, chỗ vướng này đã được thông. Điều còn vướng lại là câu chuyện ràng buộc tuổi tác vào khu vực công, quy định hiện nay còn chưa linh hoạt và tạo điều kiện, đấy là chỗ quy định cần sửa.

Dưới quyền thủ trưởng kém

- Thưa ông, vị tiến sĩ dứt áo ra đi nói đến chuyện lương, nhưng cũng nghĩ rất nhiều đến cơ hội cống hiến, đến môi trường làm việc và coi đây mới là nguyên nhân chính làm nản lòng công chức. Giải pháp cơ bản, theo ông, là gì? Có nằm trong tầm tay công cuộc CCHC 10 năm tới hay không?

Nếu quan niệm ra khỏi khu vực công, mà lại là những người có năng lực, trình độ là chuyện bình thường, ra thì lại có người khác vào (và thực sự số người muốn vào nhìn chung còn rất lớn) thì chẳng cần giải pháp gì. Tôi thì không nghĩ như vậy.

Các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là cơ quan hoạch định thể chế, chính sách, pháp luật rất cần người có năng lực, trình độ thực sự để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Không phải vô cớ mà có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đầu vào công vụ của chúng ta mươi năm qua đã ngày càng kém, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi lựa chọn ưu tiên vào khu vực kinh tế tư nhân, vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nay lại thêm người giỏi “dứt áo ra đi” thì làm sao có được chất lượng tốt của bộ máy.

- Vậy gốc rễ của vấn đề theo ông là gì?

Một là, lương của công chức không đủ sống. Hai là, nhiều người có năng lực không được trọng dụng, không được bố trí, sử dụng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tương ứng. Ba là, thủ trưởng trực tiếp của công chức trình độ, năng lực kém. Người tài giỏi, có lòng tự trọng mà dưới quyền của những thủ trưởng như vậy rất khó làm việc, tất nhiên là ra đi. Bốn là, môi trường làm việc bình bình, đánh giá công chức không thực chất, cơ bản ai cũng như ai đều hoàn thành nhiệm vụ. Làm việc trong hoàn cảnh như vậy rất khó giữ chân những người có chí tiến thủ, hăng hái làm việc.

Hiện tượng ra đi nhìn thấy rõ, có số liệu, nhưng chúng ta cũng chưa điều tra xem hiện tượng người giỏi cố ở lại trong bộ máy nhưng vì những lý do vừa nêu cũng không thật làm hết sức mình chiếm bao nhiêu trong nền công vụ.

Thân quen, cánh hẩu, đồng hương

- Ông có thể kiến nghị giải pháp cho từng nguyên nhân?

Trước hết, lương của công chức phải đủ sống, phải để không chỉ nuôi sống công chức mà còn cả gia đình họ nữa. Không cải cách thực sự tiền lương công chức thì không thể trông đợi chất lượng công vụ được nâng cao, không thể hy vọng hiện tượng rời bỏ khu vực công là cá biệt.

Hai là, thể chế công chức phải tiếp tục được đổi mới và thực hiện nghiêm túc. Qua mấy chục năm cải cách, thể chế công chức nước ta đã từng bước được cải cách.

Thể chế công chức hiện tại của các nước có thi tuyển công chức, nước ta cũng có; có thi nâng ngạch - ta cũng có; chuyển đổi vị trí công tác - ta cũng có; luân chuyển - có; đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt  - chúng ta cũng có. Tóm lại, về hình thức, trên văn bản chúng ta có tương đối giống như các nước. Nhưng điều đáng buồn là khâu thực hiện.

Thể chế thì hiện đại, tiên tiến nhưng cơ chế thực thi lại có vấn đề, lại mang màu sắc thể chế quan lại phong kiến. Các mối quan hệ như thân quen, cánh hẩu, đồng hương, con ông cháu cha, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tuổi mà báo chí có nói đến chi phối việc thực thi thể chế, làm biến tướng và kết cục chung là chúng ta có một bộ máy với những con người chất lượng như vậy.

Thứ ba, bao giờ thì khu vực công có môi trường làm việc giống như khu vực tư, bao giờ thì từng công chức nỗ lực hết mình để xứng đáng với đồng lương đã được cải cách? Nói đến vấn đề này là nói đến người thừa, người thiếu trong bộ máy. Số lượng những công chức làm ăn "ngon lành" không nhiều. Vậy xử lý những người còn lại ra sao?

Kể từ năm 1986 trở lại đây, chúng ta đã có vài đợt giảm biên chế hành chính nhưng đều không đạt yêu cầu, lãng phí tiền của. Khâu thực hiện bị biến tướng, làm mất đi ý nghĩa của chính sách giảm biên, người đáng giảm không giảm được. Như vậy, trọng trách là ở người đứng đầu cơ quan hành chính, là ở việc tổ chức thực hiện. Và nếu như vậy thì rất cần có các chế tài ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu, ràng buộc trách nhiệm từ khâu tuyển dụng, sử dụng, bố trí, cho đến các vấn đề giảm biên chế.

- Bộ Nội vụ, cơ quan chủ trì việc cải cách hành chính, có gây sức ép khiến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải làm tốt hơn việc cải thiện bộ máy không?

Chúng ta đã luật và quy định rồi, công chức, viên chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc. Nhưng cứ thử điều tra cả nước xem ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp, có bao nhiêu người 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ vẫn yên vị?

Rõ ràng luật và quy định rất tạo điều kiện cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, nhưng chẳng ai làm cả. Điều này Bộ Nội vụ làm sao mà quyết được, trách nhiệm là ở những người đứng đầu chứ.

Trong tình hình nước ta, thỉnh thoảng lại có bầu cử, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ…, các thủ trưởng vẫn có tâm lý chung là cố gắng giữ ổn định về mặt hình thức trong cơ quan, tránh kiện cáo, đơn từ, động chạm…

HMT-theo vietnamnet.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày