Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.127.471
Truy cập hiện tại 3.144 khách
Giúp phụ nữ vùng cao làm mẹ an toàn
Ngày cập nhật 03/11/2023

TTH - Từ sự sát cánh của y tế địa phương, chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm nhiều hơn, có nhiều kiến thức nâng cao thể trạng bản thân và chăm sóc con đúng cách.

 

Chị Hồ Thị Ban thăm khám cho mẹ con chị Hồ Thị Doanh ở Trung Sơn

Song hành cùng bà mẹ

Một ngày mùa đông, nữ hộ sinh Hồ Thị Ban ở Trạm Y tế Trung Sơn (A Lưới) xách theo hộp y tế về thôn Ta Ay Ta thăm sản phụ mới sinh theo lịch. Mặc chó sủa inh ỏi, chị Ban vẫn phăm phăm tiến vào vì đã quen đường đi, lối lại. Ngôi nhà gỗ nhỏ làm riêng cho mẹ con chị Hồ Thị Doanh ở cữ vẫn im ắng. Đến nơi, chị hốt hoảng khi bếp lửa vẫn còn khói củi trong khi nơi ở lại kín mít. Sợ ngạt khí, chị gọi bà nội cháu bé xuống dập bếp lửa và dặn dò cách dọn dẹp nơi ở sạch sẽ an toàn.

Chị Doanh năm nay 21 tuổi, từng có tiền sử đẻ non, con đầu của chị đã mất nên khá lo lắng. Đây là lần sinh con thứ hai, bé sinh ra nặng 2,7kg, bú tốt. Chị bộc bạch: “Em lo nhất là không đủ sữa mẹ nuôi con. Ăn uống làm sao để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Rồi các thứ bệnh khác xuất hiện sau khi sinh phải xử lý như thế nào?”. Trước âu lo của bà mẹ trẻ, nữ hộ sinh Ban cẩn thận kiểm tra huyết áp, thăm khám lâm sàng vùng bụng; sau đó giải thích cặn kẽ một số triệu chứng sau sinh; hướng dẫn cách cho con bú đúng khớp ngậm; ăn gì để sữa về nhanh… Để sản phụ yên tâm, chị hẹn tuần sau còn trở lại. Chị Ban cũng dặn dò mẹ chồng chị Doanh lưu ý chế độ bồi dưỡng, thêm đạm cho bà mẹ và đặc biệt nhắc trổ cửa sổ nhà gỗ, tạo sự thông thoáng, đón nắng giúp trẻ có điều kiện phát triển. 

Theo chân nữ hộ sinh đến thăm một vài bà mẹ trẻ khác mới thấu hiểu sự vất vả, thiếu thốn khi làm mẹ của những chị em vùng cao. Chị Ban kể: “Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc chăm sóc mẹ và con ở đây chưa được chú trọng. Một số bà con suy nghĩ theo lối cũ nên mình vừa truyền thông, vừa bắt tay chỉ việc, giải thích lợi/ hại để họ thay đổi dần. Lâu dần người dân cũng thấm và tình hình đã có cải thiện”.

Nhằm giúp chị em làm mẹ an toàn (LMAT), các trạm y tế cử nữ hộ sinh lập danh sách theo dõi, thăm khám định kỳ sau sinh. Trạm Y tế Hồng Kim cũng vậy. Chị Hồ Thị Hạnh, Trưởng trạm Y tế Hồng Kim thông tin: “Hiện trạm đang quản lý, theo dõi 25 phụ nữ thuộc Dự án 7 (Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Đồng thời, trạm cũng hỗ trợ 4 bà mẹ theo dõi trong 42 ngày sau sinh. Theo đó, tuần 1 và tuần 2 sau khi sinh con, nữ hộ sinh trạm đều đến thăm bà mẹ và hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách”.

Hàng tuần, chị Nguyễn Thị Phước, nữ hộ sinh ở Trạm Y tế Hồng Kim không nề hà mưa gió lặn lội đến tận nhà từng bà mẹ thăm khám, dặn dò. Do đời sống bà con khó khăn, không có điện thoại liên lạc, nhiều lúc chị Phước phải đi lần thứ 2, 3 mới gặp được các mẹ. “Có nhà đường đi khó lắm. Có bà mẹ mang thai vì hoàn cảnh gia đình vẫn đi nương gùi củi, gùi sắn. Họ biết như thế là không tốt nhưng không làm thì không kiếm được cái ăn. Mình thường khuyên nhủ, động viên và giải thích điều nên làm/nên tránh để chị em ý thức hơn”, chị Phước nói.

Đánh giá về những tiêu chí thực hiện trong LMAT, Hồ Thị Hạnh nhận xét: “Khi mang thai, bà mẹ chủ động đến cơ sở y tế theo dõi, kiểm tra thai định kỳ. Họ còn biết dùng cây thuốc nam vườn nhà xử lý một số bệnh thông thường ban đầu ở trẻ; quan tâm việc nuôi con bằng sữa mẹ… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trên địa bàn là tỷ lệ trẻ thấp còi, nhẹ cân vẫn còn nên cần tiếp tục truyền thông ở mảng này”.

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Trung tâm Y tế huyện A Lưới hiện đang theo dõi gần 1.000 bà mẹ mang thai và đã tiến hành thăm khám, hỗ trợ cho gần 70 bà mẹ sau sinh 42 ngày. Lợi ích lớn nhất của LMAT là bà mẹ được khám, theo dõi sức khỏe, phát hiện các bệnh lý của trẻ và mẹ. Mùa mưa bão, theo dõi diễn biến của sản phụ trên 36 tuần tuổi, những người nguy cơ cao phải vận động đến trạm theo dõi. Hàng ngày, các trạm y tế đều phát các bài truyền thanh hỏi đáp ngắn gọn giúp bà mẹ dễ nhớ, dễ thực hành trong nuôi con.

Theo phát động của Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai và hướng dẫn “Tuần lễ Làm mẹ an toàn” trong khuôn khổ Dự án 7 vào đầu tháng 10/2023 tại các xã huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà. Hàng ngàn bà mẹ hưởng lợi từ chương trình này. Mục tiêu cụ thể “Tuần lễ Làm mẹ an toàn” được đặt ra là cung cấp thông tin về LMAT cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt 100%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ (mang thai) được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ) là 94,7%...

ThS. BSCKI. Hà Thị Mỹ Dung, Trưởng khoa Sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Giáo dục sức khỏe về LMAT trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu... Trong đó, lực lượng y tế xã và y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản làm nòng cốt. Định kỳ chúng tôi tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả. Sự quan tâm của các nhà chính sách và nỗ lực từ cơ sở y tế hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn”.

Theo:https://baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày