Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.175.543
Truy cập hiện tại 113 khách
Đưa kỹ năng sống vào lớp học
Ngày cập nhật 04/01/2021

Thiếu kỹ năng xử lý tình huống khiến nhiều em rơi vào trạng thái trầm cảm và bế tắc. Thế nên, giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh là vấn đề cần thiết đã và đang được các trường triển khai, giúp các em tự tin đối mặt với mọi thử thách và hoàn thiện bản thân mình.

 

Trang bị kỹ năng sống cho giáo viên

Trong bối cảnh hiện nay, học sinh thường xuyên chịu tác động đan xen của những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, phải đương đầu với các khó khăn, thách thức. Vì vậy, giáo dục KNS cho học sinh là một yêu cầu cấp thiết, giúp các em rèn luyện hành vi và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội; đồng thời, giúp các em có khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt với gia đình, bạn bè và mọi người, sống tích cực, chủ động, an toàn.

Ngành giáo dục đã từng đưa hoạt động giáo dục  KNS cho học sinh vào trường học từ năm 2015 trở về trước, nhưng nhiều trường không thực hiện thành công. Nguyên nhân thì “muôn hình, vạn trạng”, chung quy là vẫn còn giáo viên chỉ tập trung truyền đạt kiến thức, xem KNS là yếu tố phụ. Giáo viên chưa qua trường lớp đào tạo về chuyên môn liên quan đến kỹ năng sống mà chỉ dựa vào kinh nghiệm tự tích lũy của bản thân. Thế nên, nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục KNS cho học sinh vẫn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền), thổ lộ: Tôi từng đưa các em vào khuôn khổ với nhiều kỷ luật “thép” khiến giờ học nặng nề. Khi học sinh trả lời sai, tôi yêu cầu đứng tại chỗ. Không thuộc bài, tôi yêu cầu chép phạt. Các em có nguyện vọng làm ít bài tập về nhà, cô dứt khoát bác bỏ… Cái uy quá lớn của cô Thúy khiến cho lớp học phần nào trở nên ngột ngạt, xa cách. Lúc đó, tôi gặt hái nhiều thành công như luyện được nhiều học sinh giỏi đạt giải, các em học hành nghiêm túc. Nhưng, cô và trò vẫn giữ khoảng cách khi các em ít gần gũi, trò chuyện. Câu chuyện của cô Thúy cũng chính là thực trạng chung của nhiều trường. Thế nên, nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên về tầm quan trọng của KNS là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Những tiết học không có trong giáo án

Tại Trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc), hoạt động giáo dục KNS cũng được đưa vào chương trình qua nhiều hình thức như:  tổ chức sinh hoạt đầu tuần theo chủ đề; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp… Cùng với đó là triển khai chương trình giáo dục KNS của Bộ GD-ĐT với một số bài tập rèn luyện dành cho học sinh THPT.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Phước, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc), cho hay: “KNS của học sinh ngày càng được hoàn thiện nên tinh thần và thái độ học tập của các em được nâng lên rõ rệt. Các em thực sự hứng thú với các môn học, chủ động, tự giác học tập. Qua các giờ học, học sinh tự tin, năng động, hào hứng mạnh dạn phát biểu ý kiến, chủ động đề xuất các phương án giải quyết bài tập. Các em biết cách giải quyết các mâu thuẫn và xung đột phát sinh, không xảy ra hiện tượng bạo lực học đường.

Tại các trường THPT trên địa bàn, ngoài hoạt động ngoại khóa, rèn luyện KNS cho học sinh được lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ở một số môn học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, hình thành cho học sinh các giá trị sống, KNS tích cực để các em có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng. Hiện nay, 100% trường THPT trên địa bàn tỉnh đều thành lập ban tư vấn tâm lý học đường nhằm tư vấn cho học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống; hỗ trợ học sinh rèn luyện KNS, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội.

Nhìn nhận về sự cần thiết của hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường, tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường cho rằng quá trình triển khai vẫn còn khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, quỹ thời gian, giáo trình chuẩn… Nhiều giáo viên đề xuất cần đổi mới cơ chế, có chế độ phù hợp cho những người trực tiếp tham gia vào hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện chương trình giáo dục KNS; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giáo dục KNS; đổi mới bộ sách giáo dục KNS cho phù hợp; xây dựng giáo trình chi tiết và bám sát nội dung định hướng giáo dục KNS cho học sinh…

Tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện của cô giáo Thúy, sau khi tự trang bị kiến thức về KNS, cô nhận ra rằng, các em cần kỹ năng, cần kinh nghiệm, cần tình yêu thương để làm hành trang chuẩn bị vào đời. Từ đó, trong mỗi bài học cô đã lồng ghép những giá trị tích cực, giúp học sinh có thêm kỹ năng sống; những tiết học KNS trở nên sống động và thiết thực. Lớp học của cô đầy ắp những tiếng cười và cách giảng dạy của cô đã thực sự truyền cảm hứng tới học sinh. Nhờ thế, học trò do cô Thúy chủ nhiệm đã tìm thấy niềm vui trong lớp học của mình.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày