Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.175.360
Truy cập hiện tại 90 khách
Chủ tịch nước: “Nhà báo không uốn cong ngòi bút trước cám dỗ, tiêu cực”
Ngày cập nhật 22/06/2016
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ X.

“Mỗi người làm báo cần thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không uốn cong ngòi bút trước những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường…” – Chủ tịch nước Trần Đại Quang căn dặn.

Tối 21/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X. Đến dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TP Hà Nội và hàng trăm phóng viên, nhà báo…

Mở đầu bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt Đảng, Nhà nước gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến những người làm báo trên cả nước nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2016).

Chủ tịch nước cho biết, báo chí nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng thể hiện tốt vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân…

Cùng với việc coi trọng phát hiện, cổ vũ, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, báo chí còn là kênh thông tin phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống âm mưa, hoạt động “diễn biến hòa bình”, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động cũng như những hành vi, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống, góp phần quan trọng tạo đồng thuận xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng giải quyết những khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Với những kết quả, thành tích đạt được, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu – người xây nền móng và là người Thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong thời gian tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn. Nhưng chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoạt động khủng bố… vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, phức tạp. Ở trong nước sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, đảm bảo an toàn hệ thống và an ninh thông tin; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, sức hấp dẫn quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu của của sự nghiệp cách mạng và xu thế hội nhập quốc tế…

Cùng với sự tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, báo chí cần làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận xã hội, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là diễn đàn rộng rãi để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát, phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Các cấp Hội Nhà báo cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp hội viên, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII); tổ chức thực hiện nghiêm túc lời dạy của Người: “Cán bộ chiến sĩ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng hoạt động chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

“Mỗi người làm báo cần thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không “uốn cong ngòi bút” trước những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, nỗ lực phấn đấu là người chiến sĩ xung kích, kiên cường trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang căn dặn trong bài phát biểu.

Ông Thuận Hữu - Tổng Biên tập báo Nhân dân phát biểu khai mạc Lễ trao Giải báo chí.

Giải Báo chí năm nay đã thu hút hơn 1.660 tác phẩm tham dự từ khắp nơi trên cả nước, vào loại cao nhất trong vòng 10 năm qua. Công tác thu nhận, thẩm định tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo đã được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, chuyên nghiệp và công tâm. Hội đồng sơ khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao 8 giải A, 25 giải B, 40 giải C và 19 giải Khuyến khích, theo 11 loại giải ở cả 4 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả.

Nguyễn Dương
Các tin khác
Xem tin theo ngày