Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.166.488
Truy cập hiện tại 2.943 khách
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam - Giá trị vận dụng vào công cuộc giữ nước từ khi nước chưa nguy
Ngày cập nhật 15/10/2021

TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại, nhà quân sự thiên tài của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam là tài sản vô giá của Đảng ta, dân tộc ta và nhân dân ta. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng đó của Người cần tiếp tục được quán triệt sâu sắc hơn nữa, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn, nhất là trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tích cực vào công cuộc “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện, sâu sắc, khoa học về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò là nền tảng tư tưởng, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn, đã và đang soi đường cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Một trong những vấn đề quan trọng, đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, góp phần hoàn thành thắng lợi công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển tất yếu, là truyền thống của dân tộc ta qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời là quy luật của mọi cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay. Tuân thủ quy luật và kế thừa bài học truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Xây dựng nền quốc phòng Việt Nam là yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng(1). Quốc phòng của nhân dân Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng do toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã hy sinh máu xương, vượt mọi gian khổ để giành được trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quốc phòng Việt Nam với mục tiêu tự vệ, chính nghĩa, chính đáng, hòa bình và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đây chính là sự nhận thức và vận dụng sáng tạo các quy luật của chiến tranh và đấu tranh vũ trang vào điều kiện cụ thể của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, nền quốc phòng của Việt Nam huy động được sức mạnh của cả dân tộc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, đánh bại mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập; toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam thể hiện trên các nội dung chủ yếu sau:

Một là, xây dựng nền quốc phòng Việt Nam toàn dân.

Đây là sự thấm nhuần nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân, về sức mạnh quân sự quốc gia, sức mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng,...; đồng thời, là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng đặc sắc “trăm họ đều là binh”, “ngụ binh ư nông”, “cử quốc nghênh địch”,... của dân tộc lên tầm cao mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của dân tộc Việt Nam và bản chất của nền quốc phòng cách mạng, hòa bình, tự vệ và mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quốc phòng toàn dân là nền quốc phòng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quốc phòng bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, là quyền lợi, nghĩa vụ thiêng liêng, bổn phận, trách nhiệm của toàn thể dân tộc, của mọi người dân, mọi địa phương, mọi ngành, mọi cấp, tất cả các thành phần, lực lượng xã hội, bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Mỗi người dân tham gia xây dựng nền quốc phòng với trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể gắn với chức trách, nhiệm vụ, năng lực, sở trường của mình. Công nhân, nông dân, thợ thủ công, giáo viên, nhà buôn, học sinh..., đều có trách nhiệm tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. “Cậu bé chăm chỉ học hành trong nhà trường cũng là kháng chiến. Anh dân cày cày cuốc ngoài đồng ruộng, anh thợ cặm cụi trong nhà máy, chị bán hàng buôn bán ngược xuôi, ông già xách giỏ đi câu cũng là kháng chiến. Các công chức, các nhà văn, nhà báo mải miết trước bàn giấy, cạnh tủ sách cũng là kháng chiến. Các y sinh, khán hộ lăn lộn bên giường bệnh cũng là kháng chiến. Các nhà giàu có đem hết tài lực mở mang xưởng thợ, khai thác ruộng đất cũng là kháng chiến. Đó là toàn dân kháng chiến”(2).

Hai là, xây dựng nền quốc phòng Việt Nam toàn diện.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền quốc phòng Việt Nam phải được xây dựng vững mạnh cả về tinh thần và vật chất, và được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, ngoại giao, vững mạnh cả về tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng và thế trận quốc phòng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, chống thù trong giặc ngoài. Gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội... Chú trọng xây dựng tiềm lực, nhân tố chính trị - tinh thần; củng cố, xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng các cấp của nhân dân; đặc biệt coi trọng xây dựng tiềm lực kinh tế để động viên cho kháng chiến.

Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vững mạnh làm lực lượng nòng cốt vững chắc của nền quốc phòng; kết hợp xây dựng lực lượng quân sự đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận và địch vận. Ðây cũng là những hình thức tổ chức thích hợp nhất để tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Đặc biệt coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, tạo ra những “bức thành đồng” bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng các địa bàn xung yếu, có vị trí chiến lược (miền núi, biển, đảo). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, miền núi đối với quốc phòng rất quan trọng. Vì vậy, phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu, hành động chống phá của bọn phản động. Đây là trách nhiệm chính trong vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang và cũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, xây dựng nền quốc phòng Việt Nam hiện đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phổ biến khoa học - kỹ thuật có trọng điểm, từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, dân sinh, quốc phòng. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tiếp thu những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới vào xây dựng đất nước, phát triển quốc phòng. Xây dựng quân đội ta thành một đội quân chính quy, tinh nhuệ, có đủ các quân, binh chủng, hợp thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, xây dựng nền quốc phòng Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được hưởng độc lập. Vì vậy, phải động viên, khích lệ toàn quân, toàn dân theo tinh thần đem sức ta mà tự giải phóng cho ta để xây dựng, phát triển nền quốc phòng toàn dân. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tranh thủ với sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để xây dựng nền quốc phòng Việt Nam.

Năm là, tích cực, chủ động, sáng tạo, nâng cao cảnh giác cách mạng trong xây dựng nền quốc phòng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở rằng, bất kỳ hòa bình hay chiến tranh, chúng ta cũng phải nắm vững và luôn chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước. Càng chủ động thì càng nắm chắc thắng lợi. Càng thắng lợi thì càng phải chủ động, sáng tạo hơn nữa. Chủ động, sáng tạo trên cơ sở nhận thức và hành động đúng quy luật, không hành động bất chấp và tùy tiện, chủ quan, phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Sáng tạo đi liền với chất lượng, hiệu quả, lấy hiệu quả làm thước đo cho sự sáng tạo. Càng trong khó khăn, gian khó, càng phải sáng tạo để vượt qua, vươn lên và phát triển. Chúng ta phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi hoạt động phá hoại của kẻ thù. Cần cảnh giác với chính những nguy cơ mất cảnh giác, coi nhẹ kẻ thù, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, cửa quyền, biến chất, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam trong tình hình mới

Thấm nhuần và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang tích cực, chủ động xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bản chất của bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy là tích cực, chủ động xây dựng nền quốc phòng vững mạnh đủ sức phát hiện, ngăn chặn, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù ngay từ sớm, từ xa. Vì vậy, hiện nay và trong những năm tới, để đáp ứng đòi hỏi xây dựng nền quốc phòng Việt Nam toàn dân, toàn diện, hiện đại, ngày càng vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ củng cố quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”(3). Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò trọng yếu, thường xuyên của nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia; nắm vững quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, lo “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Thứ hai, tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Chủ động triển khai các hoạt động nắm, dự báo tình hình từ xa. Nắm chắc các âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực chống phá trong và ngoài nước; diễn biến tình hình trong nước, khu vực, quốc tế liên quan đến công cuộc củng cố quốc phòng. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong việc nắm và xử lý thông tin. Đặc biệt coi trọng nguồn thông tin từ trong quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Công an, Quân đội, “dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được... Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(4). Dự báo sớm sự phát triển của tình hình trong nước, quốc tế, các âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch; các tình huống và phương án xử lý để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, chủ động, tích cực ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố có nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Có kế sách về chính trị, quân sự, an ninh, văn hóa, đối ngoại, dân tộc, tôn giáo,... ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Xử lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề bên trong tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về chính trị, an ninh, như tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, xã hội dân sự, bất tuân dân sự... để chống phá cách mạng Việt Nam.

Thứ tư, tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo. Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ. Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Thứ năm, tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang nhân dân.

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về quốc phòng, bảo đảm các hoạt động quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đúng phương hướng chính trị của đất nước, theo tư duy, nhận thức mới của Ðảng, đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và đạt hiệu quả thiết thực. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện có chiều sâu các cơ chế, quy chế, văn bản, hướng dẫn, quy định pháp luật, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Ðảng trong thực tiễn, bảo đảm để các chiến lược đi vào cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc địa bàn, Tổ quốc trong mọi tình huống./.

------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, t. 9, tr. 226
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 96 - 97

 

PGS, TS. TRẦN VIỆT KHOA

Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày