Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.323.148
Truy cập hiện tại 329 khách
Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Ngày cập nhật 23/11/2024

TTH.VN - Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, ngày 23/11 đã diễn ra buổi thảo luận tại tổ về các nội dung liên quan đến Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã tham gia thảo luận tại tổ 7 gồm các đoàn: Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Đồng Nai.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, thực tế, các nội dung trong Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được cập nhật từ các luật chuyên ngành khác như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng. 

Bà Sửu cho rằng, công nghiệp công nghệ thông tin là lĩnh vực đã được phát triển, minh chứng là doanh thu từ lĩnh vực này của Việt Nam trong năm 2024 là đạt đến 150 tỷ USD. Đây cũng là lĩnh vực cấp bách, cần sớm hình thành hành lang pháp lý để áp dụng vào thực tiễn.

Góp ý dự thảo luật, đại biểu nhận thấy, luật này không chỉ kế thừa mà còn mở rộng; đồng thời mong muốn, dự luật này khi hình thành sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, góp phần giúp phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị có sự rà soát nội hàm thể hiện các khái niệm.

Về hoạt động cung cấp dịch vụ công nghệ số ở Điều 9, đại biểu cho rằng, đây là khái niệm chứ không phải là hoạt động. “Nội dung: “Dịch vụ công nghệ số là quá trình tổ chức, cá nhân cung cấp các giá trị, giải pháp hoặc hỗ trợ thông qua các dịch vụ công nghệ số cho khách hàng…” là khái niệm chứ không phải hoạt động, tôi đề nghị bổ sung quy định về các hoạt động cung cấp dịch vụ công nghệ số, công nghiệp công nghệ số”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng quan tâm đến các quy định liên quan đến tài sản số tại Điều 14 đến Điều 17. “Trong phát triển công nghiệp công nghệ số thì tài sản số đóng vai trò quan trọng. Điều 16 quy định nguyên tắc quản lý tài sản số quá dài nhưng chưa rõ, do vậy, cần điều chỉnh, bổ sung”, bà Sửu nêu ý kiến.

Liên quan đến Điều 17 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước, đại biểu cũng đề nghị phân cấp trách nhiệm thật cụ thể, cố định vào luật. “Trách nhiệm quản lý về tài sản số gồm trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý chuyên ngành, trách nhiệm quản lý của những tổ chức, cá nhân… cho nên, cần phải rõ ràng, cụ thể”, bà Sửu nói.

Trước đó, tại hội trường, Quốc hội đã được nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Cùng ngày, Quốc hội cũng nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày