Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.129.374
Truy cập hiện tại 4.069 khách
“Kho báu” của người Pa Cô
Ngày cập nhật 10/11/2024

TTH - “Mình luôn sợ thời gian đi nhanh quá mà mình thì chậm, chỉ lo lắng làm không kịp nhiều thứ cho con cháu mai sau” - Già Hạnh hướng mắt về dãy Trường Sơn trùng điệp phía xa xa, bày tỏ tiếng lòng. Bao đời nay người Pa Cô của già đều nương náu dưới chân dãy núi này. Nhìn văn hóa truyền thống của cha ông mai một dần theo năm tháng khiến lòng già đau đáu, phải bằng mọi cách gìn giữ, bảo tồn được những nét đẹp của dân tộc mình.

1. Cơn mưa chiều như dệt tấm lưới mỏng phủ kín căn nhà gỗ cũ kỹ nép mình trong bản A Niêng Lê Triêng 1. Già Hạnh ngồi bên bếp lửa hồng, cất lên chất giọng trầm khàn. Điệu dân ca tân i dìu dặt hòa trong tiếng mưa rơi lách tách trên mái lá. Thanh âm da diết ấy như vượt qua mưa gió, khắc vào núi non. Nhiều người nói rằng, cả cuộc đời già làng, nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Hạnh (xã Trung Sơn, huyện A Lưới) là những năm tháng hết mình cống hiến cho bản làng, cho cách mạng. Ngày trẻ, già đi theo kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi đất nước thống nhất, già trở về với bản làng mình, công tác qua nhiều vị trí ở địa phương. Đến khi nghỉ hưu, già lại dành hết tâm huyết để sưu tầm, phục dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc mình với một tình yêu tha thiết.

Mấy mươi năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những lễ hội của người Pa Cô đều được gác lại để tập trung cho việc đánh giặc giữ nước, giữ làng. Rồi người già như đám mây bay về phía núi. Người trẻ lớn lên, không kịp tiếp nối, giữ gìn vốn xưa. Những giá trị văn hóa của người Pa Cô xưa tích lũy qua ngàn đời, cứ thế mai một dần. Già Hạnh đã không còn nhớ bước chân mình đi qua bao mùa nương rẫy, đặt chân lên khắp các bản làng của người Pa Cô. Già đi tìm gặp những người lớn tuổi, có người quên, có người nhớ, để nghe họ hát, họ kể lại chuyện xưa, thuở ông cha bạt rừng phát rẫy, lập đất lập làng, để những mùa lễ hội rộn vang tiếng cồng chiêng; bao điệu hát ngân nga của những đôi trai gái giữa mùa lên nương rẫy; cả tiếng ru con của người bà, người mẹ bên chái nhà sàn, kể lại cuộc đời cực khổ của mẹ cha, nhờ củ sắn, củ mài, măng rừng, cá khô mà nuôi con thành người.

Từng bước chân miệt mài đi tìm, cẩn thận ghi chép lại, không ngừng nghỉ, già Hạnh đã góp sức vào công cuộc phục hồi lại những nét đẹp văn hóa của tộc mình. Những làn điệu tân i, tân boi, cha chấp, ca lơi, tân a…, những tiếng khên (khèn bè), tiếng đàn a benl... cứ thế lại ngân lên qua những mùa lễ hội. “Văn hóa của cha ông có rất nhiều cái hay, cái đẹp, nếu mất đi sẽ không cách nào lấy lại được, như nước trên dòng sông, chỉ chảy qua một lần duy nhất”, già Hạnh trầm ngâm. Những người già thì dần vắng bóng, còn người trẻ cứ mải miết đi về phía trước, chẳng mấy ai ngoảnh lại nhìn phía sau. Già Hạnh nói rằng, đi tới là tốt, hội nhập cũng tốt, nhưng cũng cần gìn giữ và bảo tồn bản sắc của mình. Và bằng một cách nào đó, nhờ những nỗ lực của những người như già Hạnh, các lễ hội xưa như lễ A Riêu Ca - lễ hội lớn nhất và linh thiêng nhất của người Pa Cô, lễ hội cúng xứ, lễ gieo hạt, lễ dựng làng… đã dần dần sống lại nơi đại ngàn bốn mùa mây phủ.

Chị Bùi Thị Ngọc Ánh, chuyên viên Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới nói rằng, già Hạnh là một trong số ít những người am hiểu sâu sắc về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Già là người đã tích cực cùng với phòng văn hóa sưu tầm các câu đố, sự tích, truyện cổ, truyền thuyết, thơ ca hò vè, câu đối cũng như nhiều lễ hội của đồng bào Pa Cô. Trong số 70 lễ hội của người Pa Cô được sưu tầm, phục dựng, thì già làng Hồ Văn Hạnh đã sưu tầm hết 20 lễ hội và dịch từ tiếng Pa Cô sang tiếng Kinh. “Một trong những điều luôn thôi thúc già làm việc là già sợ nếu thế hệ của già qua đời, những giá trị văn hóa của cha ông sẽ bị thất truyền, nên già luôn cố gắng phục dựng lại văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là văn hóa của người đồng bào Pa Cô”. Còn già Hạnh thì nói rằng “văn hóa của cha ông không thể bỏ được. Nếu bỏ toàn bộ, lương tâm mình sẽ không cho phép”.

2. Mở cánh cửa chiếc tủ gỗ đã phủ kín màu thời gian, già Hạnh lấy ra nào là khèn bè, chiếc tere, đàn a benl… những nhạc cụ của người Pa Cô được già giữ gìn cẩn thận như giữ gìn hồn cốt của bản làng, của dân tộc mình. Không chỉ biết sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô, già Hạnh còn biết chế tác, biết cách làm sao cho tiếng tê rê, tiếng a ren (đều thuộc dòng sáo trúc) khi thổi lên có thanh âm thật dìu dặt như tiếng gió lướt qua đại ngàn, âm vang rực rỡ như mặt trời trên đỉnh núi; biết cách tạo ra cây đàn a benl (giống đàn nhị) có tiếng vang ấm áp như nắng sớm mai rơi trên sườn đồi. Biết sử dụng và chế tác nhạc cụ, nhưng người trẻ chẳng còn mấy ai muốn theo già để học. “Học những cái này không ra tiền. Đi làm nương, làm rẫy, vác keo, vác tràm thì mới có tiền. Người trẻ bận mưu sinh hết rồi, không có thời gian”, già Hạnh nói đầy nỗi niềm.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới cho biết, trong các lớp truyền dạy nghề truyền thống của người Pa Cô do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức, luôn có già Hạnh đứng lớp. Người già làng mà dân bản luôn yêu kính dù ở tuổi bên kia núi vẫn luôn tâm huyết với bản sắc của dân tộc mình, luôn muốn trao truyền cho con cháu và cùng họ giữ gìn những giá trị truyền thống. Từ nghề chạm khắc, làm gốm, nghề đan lát… dường như, những bản sắc văn hóa của bản làng, không thứ gì mà già làng Hồ Văn Hạnh không hiểu, không biết.

Được xem là “kho báu” của người Pa Cô ở A Lưới, năm 2017 già Hạnh đã dẫn đoàn nghệ nhân đại diện cho người Pa Cô, Tà Ôi đến làng văn hóa Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) để biểu diễn, giới thiệu, tái hiện lại những nét đẹp văn hóa truyền thống cho các đoàn khách trong và ngoài nước trong suốt 2 năm liền. Mùa rẫy này, già Hạnh đã bước qua tuổi 78, nhưng nụ cười của già vẫn luôn ấm áp, rạng rỡ như ánh mặt trời ban mai.

Lần ra Hà Nội gần nhất của già Hạnh vào tháng 4/2024, là đi nhận Bằng khen do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cho già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tại địa phương. Già còn vinh dự đại diện cho các già làng, trưởng bản, nghệ nhân các dân tộc Việt Nam dâng hương và báo công tại lăng Bác. “Tôi nói với mọi người, mình có làm được gì đâu mà đại diện cho 300 đại biểu của 54 dân tộc Việt Nam báo công lên Bác. Nhiều người họ giỏi lắm, làm được nhiều thứ hơn mình nhiều” - già Hạnh cười ngại ngùng nhưng với ánh mắt lấp lánh.

Được Nhà nước ghi nhận, với già Hạnh đó là niềm tự hào rất lớn, nhưng không phải tự hào cho bản thân, mà tự hào cho dân tộc Pa Cô mình. Già nói rằng đó cũng là gánh nặng trách nhiệm trong tim, bởi được Đảng và Nhà nước tuyên dương, mình cần phải có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, phát huy những bản sắc tốt đẹp và truyền lại cho con cháu.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày