Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.128.969
Truy cập hiện tại 3.878 khách
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày cập nhật 02/11/2024

TTH - Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Một điều khác biệt rõ ràng khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Huế sẽ được tự chủ hơn về ngân sách tài chính, được thụ hưởng chính sách đặc thù hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Thực tiễn của 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ đã cho thấy một quá trình lột xác về diện mạo cơ sở hạ tầng, giữ vai trò trung tâm KT-XH của vùng, thu nhập người dân tăng, nơi hội tụ của các nhà đầu tư, DN lớn. Sau khi trở thành thành phố Trung ương, các địa phương đó gia tăng nhanh về dân số, phát triển kinh tế vượt bậc cả về tổng thu ngân sách địa phương lẫn thu nhập bình quân đầu người, thu hút đầu tư trong và ngoài nước kéo theo bùng nổ cơ hội việc làm, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại. Những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng có nguồn thu lớn gấp nhiều lần so với bình quân cả nước; TP. Đà Nẵng và Cần Thơ cũng thuộc nhóm thu nhập khá cao. Từ thực tiễn chung đó, chúng ta có thể tin rằng, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của thành phố Huế sẽ được đầu tư khang trang, hiện đại, cơ hội việc làm và đầu tư kinh doanh đầy tiềm năng. Huế sẽ là một thị trường sôi động về tiêu dùng, đầu tư, xây dựng cơ bản.

Đầu tiên, với việc phân bổ ngân sách tài chính tự chủ, Huế có thể huy động nguồn lực ngân sách và nguồn xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, trùng tu hệ thống di sản văn hóa, là tiền đề để các ngành kinh tế trọng điểm phát triển. Thành phố hiện đại hơn thúc đẩy trực tiếp các ngành xây dựng, thị trường nguyên vật liệu xây dựng, ngành vận tải, công nghiệp xanh, đặc biệt là ngành du lịch và văn hóa sáng tạo.

Thứ hai, nền kinh tế phát triển theo chiều rộng liên ngành, to lớn về quy mô kéo theo thu nhập bình quân đầu người gia tăng, thu hút các DN lớn đầu tư tạo ra cơ hội việc làm sẽ thu hút nhiều lao động di cư đến Huế, phát triển đào tạo lao động. Đó chính là cơ hội cho các ngành giáo dục đào tạo, thương mại hàng tiêu dùng, bất động sản, nông nghiệp...

Thứ ba, Huế có tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế trên nền tảng văn hóa di sản và kinh tế xanh phù hợp với lợi thế đặc trưng là bảo tồn thiên nhiên, văn hóa lịch sử, là thành phố xanh, thành phố đáng sống, tạo ra một xã hội ấm no, hạnh phúc về cả vật chất lẫn tinh thần.

Một năm trở lại đây, các thương hiệu trong và ngoài nước, có đẳng cấp, phục vụ cho tầng lớp thu nhập khá cao vốn chỉ hoạt động tại các thành phố lớn đã dần có mặt tại Huế như: Starbucks, Phúc Long, Kichi-Kichi, Katinat, Gogi... thuộc lĩnh vực ẩm thực; Valentino Creations, Adidas, Polo, Aoen Mall… thuộc ngành thời trang, vui chơi giải trí; các dự án bất động sản dành cho người thu nhập cao tại Huế ngày một nhiều. Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, các tập đoàn, DN lớn đã nhanh chóng đón đầu cơ hội để thu gom tài nguyên kinh doanh như mặt bằng, nguồn nhân lực. Các đơn vị chậm chân có thể tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn để thiết lập cơ sở kinh doanh. Sự có mặt của Aoen Mall đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm và làm cho cuộc sống người dân Huế thêm sôi động, nhất là về đêm.

Đối với DN Huế đa phần là vừa và nhỏ, nhưng vẫn là một phần nội lực quan trọng của kinh tế địa phương. Tỉnh cần hỗ trợ cộng đồng DN định hướng phát triển kinh doanh để gia tăng sự giàu có của người dân và cả thành phố Huế. Để hình dung Huế phát triển như thế nào vẫn là bài toán khó, nhưng có thể lấy mẫu số chung 5 thành phố trực thuộc Trung ương để so sánh. Họ đã thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị, trở thành một thành phố hiện đại, khang trang, giàu có, nền kinh tế tạo ra giá trị thu nhập cao. Để hỗ trợ cho DN Huế nhận diện rõ ràng cơ hội, tôi nghĩ rằng các chỉ tiêu dự báo về KT-XH cần được xây dựng và phổ biến cho toàn xã hội: Thông tin về quy hoạch, kế hoạch về đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ tiêu về dân số, mức sống, chỉ tiêu phát triển ngành… Ngoài ra, chính quyền và DN cùng tổ chức nhiều diễn đàn trao đổi phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế, kêu gọi cộng đồng DN địa phương tham gia.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày