Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.128.611
Truy cập hiện tại 3.648 khách
Nông dân hướng đến chuyển đổi số
Ngày cập nhật 14/10/2024

TTH - Không những thành lập các chi, tổ hội nông dân (HND) nghề nghiệp, các cấp HND còn hỗ trợ hội viên, nông dân (HVND) hướng đến mô hình nông nghiệp chuyển đổi số.

Bà Nguyễn Thị Thúy ở phường Hương Xuân (TX. Hương Trà) trồng khoảng 4.500 gốc ổi theo quy trình VietGAP. Thông qua sự hỗ trợ của HND phường Hương Xuân, bà Thúy đã xây dựng nhãn hiệu, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó, giá trị sản phẩm không chỉ tăng lên mà còn thuận lợi hơn về đầu ra khi nhiều người, nhiều địa phương biết đến ổi VietGAP Hương Xuân.

Hương Xuân là địa bàn có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, trong đó ổi là cây trồng được bà con nông dân quan tâm phát triển, với tổng diện tích gần 50ha. Được sự quan tâm của địa phương, HND các cấp phối hợp triển khai xây dựng dự án trồng ổi VietGAP cho 28 hộ, với diện tích khoảng 5ha và đã được cấp chứng nhận VietGAP từ tháng 5/2022. Dự án giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, đem lại thu nhập bình quân cho mỗi hộ gia đình khoảng 30 - 50 triệu đồng/năm.

Hiện trên thị trường, sản phẩm ổi VietGAP Hương Xuân từng bước khẳng định thương hiệu, đã được “lên kệ” tại các hội chợ thương mại, các cửa hàng thực phẩm sạch. Đặc biệt, ổi Hương Xuân đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng, giá bán cũng cao hơn và không còn tình trạng thương lái ép giá.

Cuối năm 2023, HND xã Thượng Long (Nam Đông) được HND tỉnh hỗ trợ mô hình trồng và chăm sóc bưởi da xanh cho 20 hộ HVND với diện tích 4,4ha. Mới đây, HND tỉnh còn tổ chức hướng dẫn các hộ trồng đăng ký, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm. Việc triển khai mô hình trồng bưởi da xanh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giúp cho người dân Thượng Long trong việc thâm canh, chăm sóc cây bưởi thanh trà trên địa bàn, giúp sản phẩm ngày càng đẹp về mẫu mã và chất lượng tốt hơn. Dự kiến, mô hình sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 300 - 350 triệu đồng/ha trong năm 2024. Điều đáng quan tâm là các HVND Thượng Long bắt đầu tiếp cận công nghệ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch HND tỉnh, ông Trần Văn Lập thông tin: HND tỉnh tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa, thông qua việc đưa sản phẩm đặc sản địa phương và sản phẩm OCOP của các hộ HVND lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Đến nay, có 90 hộ nông dân được HND hướng dẫn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử với số lượng nông sản lên sàn Postmart.vn là 301 sản phẩm. Các cấp HND hướng dẫn cài đặt App "Nông dân Việt Nam" và sử dụng phần mềm công tác quản trị admin cho HND các cấp. Đến nay, đã kích hoạt App cho 5.264 tài khoản là HVND.

Cùng với đó, các cấp HND tổ chức nhiều lớp tập huấn cho 1.400 HVND về kinh tế tập thể, chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, theo chuỗi giá trị vào sản xuất, kinh doanh. Mới đây, HND tỉnh phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức tập huấn về "Tạo lập, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ gắn với nông sản địa phương”, đồng thời hướng dẫn thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 80 HVND trên địa bàn tỉnh. Qua các lớp tập huấn, nông dân tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng trong trồng trọt chăn nuôi, kinh doanh..., từ đó, áp dụng vào thực tế và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày