Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.132.917
Truy cập hiện tại 5.651 khách
Nơi tôi luyện bao người lính kiên cường
Ngày cập nhật 29/09/2024

TTH - Cùng dầm mưa dãi nắng, “uống gió nằm sương” với chiến sĩ mới trên thao trường, cán bộ Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã huấn luyện bao thế hệ người lính biên phòng can trường trên mọi nẻo đường biên giới.

Gian khổ thao trường

Tôi đến Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động vào một buổi chiều, khi 115 chiến sĩ mới của khóa huấn luyện năm 2024 sắp kết thúc huấn luyện sau gần 5 tháng. Nắng bắt đầu dịu lại, là lúc buổi huấn luyện chính trị vừa xong. Những chàng tân binh nhanh nhẹn về phòng cất gọn bút, sổ; thay trang phục rồi ra khoảng sân rộng, thực hiện vài động tác thư giãn, cười đùa vui vẻ, trước khi ai vào việc nấy. Thông thường giờ này, cán bộ chiến sĩ (CBCS) sẽ bắt tay tăng gia sản xuất; xây dựng đơn vị.

Từng nhóm chia nhau, nhóm ra vườn chăm sóc rau trái, nhóm chăm đàn gia súc, gia cầm, nhóm lên đồi lấy củi, nhóm xây dựng các công trình nhỏ hoặc chăm sóc cây xanh. Nhưng bất chợt vang lên tiếng kẻng báo động hành quân. Các chiến sĩ lao về phòng, trong chớp mắt đã sắp xếp quân trang, gối, chiếu… Nai nịt quân phục, trên lưng gọn ghẽ chiếc ba lô, súng quàng trước ngực. Chưa đến mười phút, tất cả tân binh đã tập hợp trên sân đơn vị, gióng hàng ngang, hàng dọc thẳng tắp.

Dưới sự chỉ huy của Đại úy Nguyễn Văn Cường, Đại đội trưởng Đại đội Huấn luyện - Cơ động, 115 chiến sĩ bắt đầu cuộc hành quân với quãng đường 6km. Những bước chân thoăn thoắt. Tôi phải chạy gắng mới theo kịp đoàn quân. Đi được tầm 1km, trời bất ngờ chuyển giông. Tiếp đến là mưa xối xả. Nhưng những bước chân vẫn không hề chậm lại, kiên định tiến về phía trước.

Tâm trí tôi là thước phim quay ngược lại những ngày đầu, các chiến sĩ mới nhập ngũ, bắt đầu thời gian huấn luyện, trước khi biên chế lên các đơn vị trên hai tuyến biên phòng. Bắt đầu là những buổi huấn luyện điều lệnh, đội ngũ, tập đứng nghiêm, đều tăm tắp trong thời gian từ 15 phút, tăng lên 20 - 30 phút, cho đến cả tiếng đồng hồ. Dưới nắng, những gương mặt đỏ bừng, túa mồ hôi ròng ròng, những lưng áo ướt đẫm “nói lên” sự gian khổ của tôi luyện.

Độ dày gian khổ tăng dần theo những buổi huấn luyện trên thao trường: Chạy; lăn lê; bò toài; bắn súng; ném lựu đạn; gói buộc lượng nổ; chiến thuật từng người; chiến thuật tổ; chiến thuật chuyên ngành tập kích, phục kích, tuần tra bảo vệ biên giới… Thao trường nắng cháy. Cũng có lúc mưa đổ trên thao trường. Mồ hôi  quyện nắng, quyện mưa, tôi luyện nên tinh thần quả cảm, để sau này trên mọi ngả đường biên giới, dù giông tố, gió mưa, vẫn không cản được bước chân kiên định của người lính biên phòng.

Lúc này trong tâm trí tôi hiện lên những hình ảnh đã khắc sâu, về một lần theo BĐBP Đồn Biên phòng Hương Nguyên tuần tra đến cột mốc trên đỉnh rừng. Đó là hình ảnh những người lính đã cùng nhau vượt qua nhiều vách đá cheo leo, rêu phong, những dốc gần như dựng đứng, bụi rậm, lau lách, dây leo chằng chịt. Trong chuyến tuần tra ấy, trời cũng bất chợt giông tố. Cơn mưa rừng xối xả khiến bùn đất trơn trượt. Nhưng những người lính vẫn can trường vượt qua tất cả, để rồi xúc động vỡ òa khi cột mốc hiện ra uy nghi, với hai chữ Việt Nam bằng sơn đỏ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Với 12 xã biên giới, 84km đường biên, 39 mốc quốc giới trên tuyến biên giới Việt – Lào (địa bàn huyện A Lưới) do BĐBP tỉnh quản lý, tháng nối tháng, năm nối năm, “chất chồng” dấu chân tuần tra của CBCS biên phòng, để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ bình yên cho Nhân dân, Tổ quốc, để người dân trên mảnh đất biên giới yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Yêu thương tiếp nối

Đại tá Hoàng Minh Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh từng chia sẻ: Thao trường nắng gió là nơi tôi luyện nên những thế hệ người lính can trường. Các thế hệ CBCS Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động những năm qua đã vượt khó khăn, thử thách, dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, bổ sung chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vùng biển đảo của tỉnh. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng quan trọng đó, trong mỗi khóa huấn luyện, đối với chiến sĩ mới “chân ướt chân ráo” bước chân vào quân ngũ, ban chỉ huy và từng cán bộ trong đơn vị luôn đồng hành, uốn nắn, cảm thông, chia sẻ, yêu thương.

Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn; Đại đội trưởng Đại đội Huấn luyện; các tiểu đội trưởng và y sĩ quân y đơn vị, cùng dầm mưa dãi nắng, cùng “uống gió nằm sương” với chiến sĩ mới trên thao trường, trong những chuyến báo động hành quân, báo động chiến đấu khi chiều buông hay lúc nửa đêm khuya khoắt. Để trong mỗi bài huấn luyện, từ đơn giản đến phức tạp, uốn nắn từng động tác sao cho đúng kỹ thuật; để theo sát chăm sóc sức khỏe kịp thời; để nói những lời động viên, khích lệ. Cũng như trong mỗi ngày, đơn vị lo từng bữa ăn, giấc ngủ, để sức khỏe, tinh thần của CBCS đảm bảo khỏe mạnh nhất. 

Máy ảnh trong tay tôi đã “bắt” những khoảnh khắc đẹp: Bước chân chiến sĩ vẫn đều tăm tắp, dù cơn mưa bất chợt đổ ào. Nhưng hình ảnh đẹp nhất, chạm đến trái tim, chỉ cảm xúc mới lưu lại được, đó chính là những ánh mắt xúc động của chiến sĩ, khi Thiếu tá Nguyễn Tuấn Tài, Tiểu đoàn trưởng; Trung tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Tiểu đoàn; Thiếu tá Nguyễn Quang Lâm quân y đơn vị luôn theo sát trên đường, cùng những lời dặn dò từng chi tiết nhỏ nhặt, để giữ gìn, đảm bảo sức khỏe, khi cuộc hành quân kết thúc.

Cũng như qua bao khóa huấn luyện, chiến sĩ mới đã lưu lại trong tình cảm, và mang theo hành trang người lính, những cuộc thăm hỏi với những cái nắm tay gũi gần, ấm áp, lời động viên, khích lệ, dặn dò của Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy và Đại tá Hoàng Minh Hùng, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, ngay từ ngày đầu mới bước chân vào quân ngũ. Để những tân binh còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng, nhung nhớ gia đình, yên tâm, nhanh chóng hòa nhập vào “ngôi nhà chung” đầy đặn tình yêu thương đồng chí, đồng đội.

Những năm qua, có gần 4 nghìn chiến sĩ mới đã được tôi luyện trưởng thành từ “ngôi nhà” Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động, nhận nhiệm vụ tại hai tuyến biên giới của tỉnh, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, trách nhiệm với Đảng với Nhân dân, cùng ghé vai, chung sức bảo vệ vững chắc biên giới.

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, CBCS Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động là lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm  cứu nạn. Tôi từng rất nhiều lần theo chân CBCS tiểu đoàn lên rừng, xuống biển, xúc động tận tâm can trước những người chiến sĩ can trường bất chấp thời tiết khắc nghiệt, giúp người dân khu vực biên giới trước, trong và sau thiên tai bão lũ, giúp người dân kịp thời khắc phục hậu quả, sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống, giúp địa phương xây dựng đường sá, các công trình điện chiếu sáng và nhiều công trình công cộng khác.

Xin được lấy chia sẻ của Binh nhất Lê Minh Hào, thanh niên tạm gác lại công việc với mức thu nhập 25 triệu đồng/tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tự nguyện trở về quê hương, thực hiện nghĩa vụ đối với Tổ quốc, thay cho lời kết: Trong quá trình huấn luyện tại tiểu đoàn, được giáo dục truyền thống, vô cùng khâm phục thế hệ cha, anh đi trước, chúng tôi nguyện tiếp bước, chung sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia; tiếp nối yêu thương, sẵn sàng cùng đồng đội lội dòng lũ cõng trẻ em, người già đến nơi an toàn, cứu ngư dân trong sóng dữ…

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày