Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.132.297
Truy cập hiện tại 5.385 khách
Khơi gợi niềm yêu thích với lịch sử
Ngày cập nhật 18/09/2024

TTH - Kết thúc kỳ nghỉ hè vừa qua, nhiều học sinh đã có những chuyến tham quan đến các khu di tích in đậm dấu ấn lịch sử. Tôi đặc biệt ấn tượng khi bắt gặp hai ông cháu ở Phong Điền vào Huế từ rất sớm. Người ông là cựu chiến binh, dẫn cháu trai 10 tuổi đến tham quan Kỳ Đài, Đại Nội và dừng lại khá lâu ở làng Dương Nỗ. Ông bảo, tối qua tôi phải vào đọc thêm tư liệu để có “vốn liếng” mới thuyết minh được cho cháu khi đến những điểm di tích. Cậu bé có vẻ thích thú với các câu chuyện lịch sử nên cứ hỏi mãi, bày tỏ mong muốn tìm hiểu, khám phá về di sản văn hóa.

Không thờ ơ với môn lịch sử là nhận định chung khi nhiều gia đình cùng con tham quan những "địa chỉ đỏ" trong dịp 2/9 vừa qua mà tôi có dịp tiếp xúc. Để bồi dưỡng tình yêu lịch sử cho con và nhắc nhở con không bao giờ được quên lãng lịch sử, anh Nguyễn Trọng Nghĩa (TP. Huế) bày tỏ, tôi vẫn nói với con, có thể lựa chọn thi môn lịch sử hoặc không, nhưng tuyệt đối không được phép quên nó. Cũng theo anh Nghĩa, nếu lãng quên lịch sử, sẽ không có những bài học kinh nghiệm của quá khứ để hoạch định đường lối, chính sách và giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai.

Phổ điểm môn lịch sử tốt nghiệp THPT 2024 của Thừa Thiên Huế là 6,51 (năm 2023 là 5,89) cho thấy, điểm số môn sử được cải thiện. Nhớ Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, môn lịch sử của học sinh Thừa Thiên Huế có điểm trung bình là 4,3, với 70% số bài thi dưới 5 điểm, “đội sổ” trong số các môn thi. Đã có nhiều giải pháp đặt ra, song đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng dạy học tại di sản, di tích lịch sử, tổ chức hoạt động trải nghiệm... được hưởng ứng hơn cả. Tôi tâm đắc với ý kiến của ThS. Nguyễn Vũ, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Lịch sử, Trường THPT chuyên Quốc Học, lịch sử là quá khứ nên không thể sờ tận tay, theo tận mắt, nhưng thông qua sự vật, hiện tượng lịch sử để giúp học sinh nhận thức về môn học này.

Thừa Thiên Huế có lợi thế là nơi còn lưu giữ nhiều di tích về Bác Hồ, di tích lịch sử, Quần thể di tích Cố đô Huế và hệ thống các bảo tàng. Ngành giáo dục đã xây dựng chương trình trải nghiệm thực tế nhằm khơi nguồn cảm hứng dạy, học cho giáo viên và học sinh. Bộ môn lịch sử không phải là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, song theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường đã có cách dạy học và tạo ra nhiều phương pháp để học sinh hứng thú với lịch sử dân tộc.

Giáo viên lồng ghép kiến thức môn lịch sử bằng các hoạt động, tiết học trải nghiệm tại các di tích lịch sử. Công nghệ thông tin được ứng dụng trong giảng dạy môn lịch sử, thông qua việc sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng điện tử, khai thác hiệu quả các tranh ảnh, đồ dùng trực quan, phim tư liệu… làm cho giờ học trở lên sinh động.

Không thể nhìn vào điểm số hay một bộ phận nhỏ để làm thước đo toàn diện cho tình yêu lịch sử của giới trẻ. Người trẻ vẫn yêu lịch sử và họ vẫn luôn hướng về quá khứ theo cách của riêng mình. Cách đây không lâu, một nhóm học sinh tại Trường THPT Gia Hội (TP. Huế) đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Sử Việt, tập hợp những bạn cùng chung đam mê với môn sử. Câu lạc bộ có hơn 30 thành viên, không chỉ trong trường mà còn thu hút sự tham gia của nhiều học sinh từ các trường bạn. Hay, học sinh Trường THCS Chu Văn An là Nguyễn Đại Phúc và Hồ Hà Phương Trinh đã đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh với đề tài “Tìm hiểu sự vinh danh người học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Huế”.

Có thể xem đó là những nỗ lực khơi dậy đam mê, giúp học sinh không còn thờ ơ mà ngày càng yêu thích môn lịch sử hơn.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày