Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.131.388
Truy cập hiện tại 4.995 khách
“Mắt thần” giám sát và bảo vệ môi trường
Ngày cập nhật 09/09/2024

TTH - Hệ thống camera là một trong những điểm nhấn về phát triển dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế. Với 650 camera an ninh được lắp đặt trên toàn tỉnh phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, bão lụt.

 

Xóa sổ nhiều “điểm nóng”

Tại Trung tâm Giám sát Điều hành đô thị Thông minh - IOC tỉnh, điện thoại của các tổng đài viên liên tục reo vang. “Alo, Tổng đài Hue-S xin nghe!”, một tổng đài viên tiếp nhận cuộc gọi phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường ở khu vực sinh sống và được hướng dẫn gửi hình ảnh, thông tin lên kênh “phản ánh hiện trường” của Hue-S để được tiếp nhận và xử lý.

Trong phiên làm việc, các nhân viên của IOC có nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin. Một màn hình ghép cỡ lớn (có thể chia thành nhiều màn hình tùy chỉnh theo nhiệm vụ) hiển thị hình ảnh được ghi nhận về bãi rác mới phát sinh ở trước khu vực chợ Hương Hồ được camera nhận diện. Trưởng phòng Giám sát Thông tin mạng và Truyền thông Dương Văn Sỹ chỉ cho chúng tôi thấy, khu vực được camera nhận diện là rác thải, được khoanh vùng và ghi nhận. “Từ hình ảnh này, Trung tâm IOC chuyển đến cơ quan chức năng liên quan tiếp nhận. Không lâu sau đó, bãi rác trước khu vực cổng chợ Hương Hồ được UBND phường yêu cầu BQL chợ xử lý sạch sẽ”, anh Sỹ nói.

Trước đây, việc phát hiện các bãi rác thải mới phát sinh hay điểm đen ô nhiễm thường do lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hoặc từ phản ánh của người dân. Hiện nay, qua hệ thống camera “phản ánh hiện trường”, tình trạng này được giảm thiểu. “Chúng tôi tận dụng những vị trí camera hiện có và xây dựng những giải pháp AI (trí tuệ nhân tạo) nhận diện rác thải. Nếu phát sinh hành vi vứt rác sai quy định, camera “quét” được, hệ thống sẽ tạo cảnh báo. Trên cơ sở có đầy đủ hình ảnh chứng minh đối tượng vi phạm, Trung tâm IOC ghi nhận phản ánh này và gửi đến các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Giám sát của các “mắt thần” đã góp phần giảm thiểu việc phát sinh các bãi rác thải mới cũng như xóa sổ các “điểm đen” ô nhiễm môi trường trên địa bàn”, Phó Giám đốc Trung tâm IOC Trần Trọng Hiếu cho hay.

Trung tâm IOC cũng phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam – WWF triển khai lắp đặt 17 camera tập trung ở các điểm nóng về ô nhiễm môi trường của thành phố Huế. Các camera này cũng sử dụng giải pháp nhận diện rác thải tương tự với hệ thống của IOC.

“Mắt thần” trên nhiều lĩnh vực

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn, là một trong những tỉnh, thành đi đầu cả nước về chuyển đổi số, Thừa Thiên Huế đã triển khai được hệ thống camera an ninh trên toàn tỉnh với 650 camera và 27 giải pháp AI (trí tuệ nhân tạo). Nhờ quá trình vận hành camera, Thừa Thiên Huế đạt được những thành quả vượt mong đợi trên nhiều lĩnh vực, như giám sát vi phạm giao thông, phòng, chống tội phạm, cảnh báo cháy rừng, ngập lụt, tình trạng đốt rơm rạ…

Thông qua cảm biến camera, giải pháp tự động phát hiện và cảnh báo cháy rừng, cảnh báo vi phạm trật tự đô thị, vi phạm vệ sinh môi trường như hành vi xả rác, đo đếm lưu lượng xe, cảnh báo ùn tắt giao thông, kẹt xe… Các thông tin này được cung cấp cho lực lượng chức năng điều tra và ra quyết định xử phạt kịp thời với những hành vi vi phạm, tăng tính răn đe đối với xã hội. Phó Giám đốc Trung tâm IOC Trần Trọng Hiếu cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, thông qua hệ thống camera giám sát đã tiếp nhận và xử lý hơn 39.000 trường hợp liên quan đến vi phạm giao thông, môi trường, trật tự đô thị với tổng số tiền xử phạt hơn 8 tỷ đồng; phối hợp với cơ quan công an truy vết phòng, chống tội phạm với 826 vụ việc.

Hệ thống camera của tỉnh còn phát huy tác dụng rất lớn cả trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, với nhiều trường hợp đã được phát hiện và xử lý. Trong lĩnh vực bảo vệ rừng, hệ thống còn phát hiện 1.947 sự vụ nghi cháy rừng và xác minh 207 vụ cháy rừng. Camera giám sát còn cảnh báo cả vấn đề đốt rơm rạ của bà con nông dân với tổng số 408 vụ đốt rơm rạ được ghi nhận và gửi chính quyền nhắc nhở, cảnh báo người dân.

Nhờ việc vận hành và lắp đặt hệ thống camera giám sát hợp lý đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các lực lượng chức năng kịp thời xử lý, tạo hiệu ứng lan tỏa và góp phần nâng cao nhận thức chung của xã hội về việc giữ gìn, chung tay vì một địa phương luôn xanh, sạch, sáng. “Hiện, Thừa Thiên Huế đang tiếp tục hợp tác với đối tác để lắp đặt thêm các camera, mục tiêu là có 1.500 camera trên phạm vi toàn tỉnh để phục vụ giám sát, phát hiện các vi phạm, giải quyết các nhu cầu của người dân cũng như công tác quản lý được tốt hơn”, ông Sơn thông tin.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày